Thức dậy vị giác tuổi thơ (Bài 2): Món 'vừa chua, vừa chát' của lũ mục đồng
Những ngày mùa vừa xong, cánh đồng trơ gốc rạ, thoảng mùi lúa vừa gặt. Những đứa trẻ gọi nhau í ới đưa trâu, bò ra ngoài đồng. Trong nắng tiếng mõ trâu kêu lóc cóc gợi sự yên bình. Những cánh diều được làm từ những tờ báo, tờ giấy cũ… no gió bay liệng trên bầu trời.
Những đứa trẻ lớn lên từ đồng làng, trưởng thành và xa quê chắc hẳn đều không thể quên một thời chăn trâu, cắt cỏ. Những ngày mùa vừa xong, cánh đồng trơ gốc rạ, thoảng mùi lúa vừa gặt cũng là lúc tụi trẻ chúng tôi lùa trâu ra đồng. Những chú trâu tròn lẳn, tiếng mõ lóc cóc đi trên đường làng. Có đứa ngồi trên lưng trâu ngễu nghện.
Chăn trâu vào những ngày mùa, nhàn hơn những ngày đông giá đuổi trâu lên rừng. Trâu, bò được lùa xuống cánh đồng, nhởn nhơ gặm cỏ, gặm gốc rạ. Lũ trẻ nghĩ ra đủ trò để chơi, con trai bắt đầu làm diều, đánh khăng, đánh mảng, con gái chơi trò ô ăn quan rồi khi trò chơi đã nhàm, chiếc bụng réo gọi là lúc “đám trẻ trâu” nghĩ ra thứ ăn vặt.
Suốt những ngày hè chăn trâu ngoài đồng là quãng thời gian lũ trẻ quê nghĩ ra nhiều trò chơi và thức ăn vặt nhất. Khi thì lúa nếp rang chín, mớ khoai đào nướng rơm, khi thì hun khói bắt chuột. Những con chuột đồng sau mùa gặt béo ngậy. Hay đơn giản nhất là mớ dái mít (quê tôi thường gọi mít mốc), lá đu đủ, khế chua, sung cùng muối ớt giã mịn.
Tuổi thơ dữ dội ngày đó không có trà sữa, KFC hay những món đồ ăn ngon bày khắp các cửa hàng cửa hiệu, không điện thoại thông minh, máy tính bảng như trẻ em bây giờ… mà chỉ là những món quà khi mẹ đi chợ về và hương vị “cây nhà lá vườn” dân dã. Và món dái mít, khế chua, lá đu đủ chấm với muối ớt, vừa chua, vừa chát, vừa cay đến nhăn mặt… ấy là thứ ăn vặt không bao giờ quên đối với những đứa trẻ 8X như chúng tôi.
Ngày hè cũng là là mùa mít. Ở quê tôi tôi nhà nào cũng trồng vài cây mít. Mít mật, mít dai đang ra quả. Những quả mít lúc lỉu nên món dái mít (mít mốc) là dễ kiếm tìm nhất. Để có dái mít, lá đu đủ, khế chua, sung… tụi con gái phân công cho con trai vào trong xóm đi xin, con gái đi tìm muối, ớt. Những quả dái mít, sung, khế được lũ con trai bỏ vào chiếc mũ, khệ nệ mang ra ngoài đồng. Cả lũ túm tụm lại. Chao ôi, những quả dái mít, quả sung càng ăn càng nghẹn. Ban đầu ăn hơi chua, chát, nhai kỹ lại có vị ngọt ngọt và quen dần thấy ngon miệng, nhất là khi có “đồng bọn” đánh chén cùng. Dái mít, sung chát xít kèm khế chua, lá đu đủ chấm muối ớt, càng nhai càng nghẹn và càng nghiện.
Lũ trẻ chúng tôi cùng nhau lớn lên nơi đồng làng. Giờ đây mỗi đứa mỗi ngả, có đứa trụ lại với ruộng đồng, có đứa nơi phố thị phồn hoa, đứa khá giả, đứa còn vất vả mưu sinh, nhưng tất cả đều chung những kỷ niệm một thời thiếu thốn nhưng ấm áp, vui vẻ.
Bất chợt tôi nhớ đến bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam.
Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ:
“Ai bảo chăn trâu là khổ?”
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao
Những ngày trốn học
Đuổi bướm cầu ao
Mẹ bắt được…
Chưa đánh roi nào đã khóc!
Có cô bé nhà bên
Nhìn tôi cười khúc khích…
Giờ đây, tất cả đã trở thành ký ức thẳm sâu, là dòng nước mát lành nuôi dưỡng tâm hồn để mỗi khi nhớ về lại bồi hồi, thổn thức “Ngày xưa ơi, sao mà thân thương đến thế”.