Thúc đẩy xuất khẩu gạo sang Trung Quốc

Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, song xuất khẩu gạo sang thị trường này còn nhiều vấn đề liên quan đến tính bền vững.

Điều này đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT), hiệp hội, các DN xuất khẩu gạo cần tính toán giải pháp cụ thể và có kế hoạch định hướng lâu dài.

Nguyên nhân sụt giảm mạnh kim ngạch xuất khẩu?

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 9 tháng năm 2024, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 241.000 tấn, giảm tới 72% so với cùng kỳ năm trước. Một con số đáng lo ngại trong bối cảnh sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam nói chung đang tăng trưởng mạnh tại nhiều thị trường.

Năm 2023, Trung Quốc là đối tác nhập khẩu gạo lớn thứ 3 của Việt Nam, tụt 1 bậc so với năm 2022, đứng sau Philippines và Indonesia, chiếm khoảng 11% tổng lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Theo đó, Việt Nam đã xuất khẩu được 917.255 tấn với kim ngạch đạt khoảng 530,6 triệu USD (giá bình quân 578 USD/tấn; cao hơn so với Philippines và Indonesia lần lượt là 559 USD và 549 USD/tấn).

Số liệu thống kê trước đó cho thấy, trong nhiều năm qua Trung Quốc luôn là khách hàng lớn của gạo Việt Nam. Năm 2012, quốc gia tỷ dân này trở thành khách hàng lớn nhất, chiếm 27,5% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam. Giai đoạn 2017 - 2022, Trung Quốc nhập khẩu gạo của Việt Nam ghi nhận sự biến động tương đối lớn.

Riêng năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu lên đến 1 tỷ USD sản phẩm gạo của Việt Nam, nhưng đến năm 2019, kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt hơn 240 triệu USD và phục hồi trong giai đoạn 2020 và 2021 nhưng có xu hướng giảm trong 2 năm trở lại đây. Xét về tỷ trọng kim ngạch, bình quân, trong 10 năm qua, tỷ trọng gạo Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm từ 36 - 37%. Đây là con số khá cao so với các nước cùng xuất khẩu vào thị trường này.

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phạm Hùng

Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Phạm Hùng

Phân tích của Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, một số khó khăn khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm đó là việc hằng năm Trung Quốc ban hành hạn ngạch nhập khẩu đối với gạo. Trong những năm trở lại đây, hạn ngạch nhập khẩu gạo của Trung Quốc không thay đổi nhiều. Năm 2023, hạn ngạch nhập khẩu gạo của nước này ở mức 5,32 triệu tấn, trong đó hạn ngạch dành cho gạo hạt dài với 2,66 triệu tấn và gạo hạt ngắn với 2,66 triệu tấn.

Đáng nói, trong nhiều năm nay, lượng gạo nhập khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm mức dưới 4% tổng sản lượng sản xuất gạo trong nước. Trong đó, một số loại gạo chất lượng cao được bổ sung vào tiêu thụ ở phân khúc gạo cao cấp, một số loại gạo phổ thông dùng để phối trộn với các loại gạo của sở tại hoặc được chế biến, đóng gói theo thương hiệu của DN Trung Quốc.

“Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc có xu hướng giảm với một trong những lý do là Trung Quốc hạn chế số lượng DN gạo được phép xuất khẩu sang nước này. Hiện nay, Trung Quốc chỉ cho phép 21 DN được phép xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tổng số khoảng 200 DN gạo Việt Nam đã được cấp phép” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam cho hay.

Bên cạnh đó là sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc. Hiện nay, các sản phẩm gạo có mặt trên thị trường Trung Quốc đều có chất lượng tương đối cao bên cạnh việc các nước xuất khẩu rất chú trọng vào khâu đóng gói bao bì. Qua công tác nắm tình hình, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc Nông Đức Lai nhận thấy, bao bì gạo của Thái Lan, Lào có mặt tại hệ thống siêu thị của Trung Quốc (thậm chí cả hệ thống siêu thị khu vực phía Bắc Trung Quốc - khu vực tương đối khắt khe về chất lượng hàng hóa và yêu cầu về bao bì) được đóng gói chắc chắn, bắt mắt và phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc.

Chú trọng nghiên cứu,phát triển thị trường

Để thúc đẩy xuất khẩu gạo vào Trung Quốc, thực hiện Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại, từ ngày 2 - 6/12, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) tổ chức Đoàn giao dịch thương mại mặt hàng gạo tại tỉnh Quảng Đông và tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Dự kiến, sẽ có 10 - 18 DN hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu gạo, có tiềm lực và uy tín tham gia đoàn xúc tiến thương mại gạo sang Trung Quốc.

Theo thông tin từ ban tổ chức, đoàn công tác sẽ giới thiệu trực tiếp về thương hiệu, sản phẩm gạo xuất khẩu của Việt Nam đến các nhà nhập khẩu và người tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc; tạo cơ hội tiếp xúc trực tiếp cho DN hai bên để tiến tới ký kết các thỏa thuận hợp tác kinh doanh thông qua các hoạt động, như: tổ chức Hội thảo B2B về thương mại gạo giữa các DN xuất khẩu Việt Nam và DN nhập khẩu tại Trung Quốc; làm việc tại một số hệ thống nhà xưởng, kho bãi, vận tải và một số DN nhập khẩu gạo lớn tại Trung Quốc; tìm hiểu hệ thống và cách thức phân phối, bán lẻ và tiêu thụ của người tiêu dùng Trung Quốc, từ đó xây dựng phương thức thâm nhập trực tiếp, gia tăng thị phần tại thị trường trên.

Bộ Công Thương cần tìm hiểu và đánh giá tổng quan thị trường Trung Quốc, phân tích ưu nhược điểm, sự khác biệt vùng miền, từ đó có những chiến lược xuất khẩu phù hợp tại thị trường này. Để duy trì thị phần và xây dựng được niềm tin nơi khách hàng, DN cần phải quan tâm xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, thấu hiểu nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương ở Trung Quốc.
Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Trọng Thủy

Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, đoàn công tác sẽ làm việc với cơ quan quản lý phía bạn và Hiệp hội DN có liên quan để tìm hiểu về định hướng chính sách, nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng, các quy định về xuất nhập khẩu gạo, từ đó hỗ trợ DN Việt Nam nắm bắt thông tin, chủ động có kế hoạch làm việc, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Còn theo Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, dư địa và cơ hội để xuất khẩu gạo sang Trung Quốc còn rất lớn. DN xuất khẩu Việt Nam cần tăng khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao để tận dụng hiệu quả các cơ hội này.

Hiện nay dòng gạo thơm, gạo cao cấp, gạo ST đang được ưa chuộng tại thị trường Trung Quốc nên Bộ Công Thương khuyến cáo các DN tiếp tục duy trì, phát huy và tranh thủ xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm gạo Việt Nam tại thị trường tiềm năng bậc nhất này. Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT chỉ đạo, hỗ trợ các thương nhân đầu mối xuất khẩu gạo sang Trung Quốc hoàn thiện hồ sơ đăng ký dữ liệu cơ sở chế biến xuất khẩu, tránh gián đoạn hoạt động xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc.

Để đồng hành cùng ngành lúa gạo Việt Nam, cũng như DN xuất khẩu gạo nói riêng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ mặt hàng gạo trong tình hình mới.

Nêu quan điểm về vấn đề này, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Trọng Thủy nhận định, cơ quan quản lý cần chú trọng hơn công tác nghiên cứu, phát triển thị trường Trung Quốc để định hướng sản xuất. Hiện chưa có một nghiên cứu thống kê tổng thể nhu cầu về chủng loại, lượng tiêu thụ đối với từng khu vực, tỉnh, TP nhập khẩu quan trọng của Trung Quốc; những điểm đáng chú ý riêng về tiêu dùng như bao bì, mẫu mã cũng như quy định của Trung Quốc liên quan đến nhập khẩu gạo Trung Quốc.

“Đây sẽ là cơ sở quan trọng để chỉ ra sự thay đổi về nhu cầu tiêu dùng và chính sách xuất, nhập khẩu gạo của Trung Quốc, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể, đồng bộ và có giá trị cho việc hoạch định chính sách nhằm mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững sang thị trường này” - chuyên gia Nguyễn Trọng Thủy nhấn mạnh.

Để bảo đảm hoạt động giao dịch kinh doanh tại thị trường Trung Quốc được thuận lợi, DN nên thông qua hệ thống các Văn phòng Xúc tiến Thương mại tại Trung Quốc và Việt Nam, các Thương vụ hoặc Chi nhánh Thương vụ để tìm kiếm các đối tác kinh doanh phù hợp, có uy tín tại Trung Quốc. Các hoạt động giao dịch cũng phải bảo đảm dựa trên hợp đồng thương mại quốc tế chi tiết, rõ ràng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Đỗ Hà Nam

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thuc-day-xuat-khau-gao-sang-trung-quoc.html