Nền kinh tế Nga đối mặt nhiều thách thức
Nga đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi đồng ruble tiếp tục giảm mạnh do ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Ngân hàng Gazprombank.
Chỉ trong một tuần, đồng ruble đã giảm 7% và trong tháng qua đã giảm 15% giá trị. Điều này làm gia tăng lạm phát, tuy nhiên Mátxcơva vẫn lạc quan với những chính sách có khả năng thích ứng cao để duy trì tăng trưởng kinh tế...
Đồng ruble hiện đang ở mức yếu nhất kể từ cú sốc thị trường ban đầu khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine năm 2022. Trong phiên giao dịch ngày 27-11, đồng ruble có thời điểm giảm 7,25% xuống 113,15 ruble đổi 1 USD. Ngân hàng trung ương Nga đã quyết định không mua ngoại tệ trên thị trường trong nước từ ngày 28-11 đến hết năm nay nhằm giảm sự biến động của thị trường tài chính.
Các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga hiện nay mạnh hơn và tập trung hơn trước. Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) gần đây đã gây sức ép lên các tổ chức tài chính lớn của Nga. Một lĩnh vực khác mà G7 đang hướng đến là đội tàu dầu thô ngầm của Nga, vốn được sử dụng để tránh các lệnh trừng phạt đối với việc bán dầu của nước này. Các nước phương Tây cũng tập trung vào sàn giao dịch chứng khoán chính của Nga - sàn giao dịch Moscow (MOEX) - vốn là một phần quan trọng của hệ thống tài chính của nước này. Bằng cách cắt đứt các nguồn doanh thu và đầu tư chính, các lệnh trừng phạt khiến Nga ngày càng khó duy trì sự ổn định của nền kinh tế. Sự sụt giảm nhanh chóng của đồng ruble là một dấu hiệu cho thấy, các lệnh trừng phạt này đang có tác động đáng kể.
Ngân hàng trung ương Nga ước tính rằng, đồng ruble cứ giảm 10%, lạm phát tăng thêm 0,5 điểm phần trăm, có nghĩa là sự sụt giảm trong 4 tháng qua của đồng ruble có thể làm lạm phát tăng thêm 1,5 điểm phần trăm. Điều này có nghĩa là hàng hóa đang trở nên đắt đỏ hơn đối với người dân và tiền lương không theo kịp chi phí sinh hoạt. Chính phủ Nga đã buộc phải tăng lãi suất lên 21%, khiến người dân và doanh nghiệp phải trả lãi suất cao hơn để vay tiền. Ngân hàng Trung ương Nga và Quốc hội Nga hiện đang cảnh báo về tình trạng suy thoái kết hợp với lạm phát cao. Dẫu vậy, đồng ruble suy yếu cũng có thể giúp Nga tăng ngân sách từ xuất khẩu. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho hay, các nhà xuất khẩu đang hưởng lợi từ tỷ giá ruble hiện tại, bù đắp cho tác động tiêu cực khi Ngân hàng trung ương tăng lãi suất.
Khi mức độ phụ thuộc năng lượng Nga của châu Âu giảm đáng kể, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường lớn khác, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Theo chuyên gia Alexander Potavin tại FG Finam, trong lúc thâm hụt ngân sách ngày càng tăng do chi tiêu quân sự, đồng ruble yếu hơn có thể phù hợp với chính phủ của Tổng thống V. Putin. Quốc gia này nhận được khoảng một nửa doanh thu ngân sách bằng ngoại tệ, chủ yếu thông qua xuất khẩu dầu khí, trong khi chi tiêu chủ yếu bằng ruble.
Trong thời điểm đầy thách thức này, Nga vừa tổ chức Diễn đàn quốc tế lần thứ 9 với chủ đề “Chính sách kinh tế mới 2.0: Từ thích ứng đến đột phá” quy tụ 4.500 đại biểu từ 20 quốc gia tham dự. Tại các phiên họp, lãi suất và lạm phát ở mức cao là hai chủ đề được quan tâm nhất. Theo đó, phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov khẳng định, Nga sẽ không liên tục thi hành chính sách hỗ trợ, kích cầu, vì có thể dẫn đến hệ quả ngân hàng tăng lãi suất. Ông tuyên bố, trong 3 năm tới, nhà nước sẽ theo đuổi chính sách ngân sách cân đối, cân bằng, đồng thời tiếp tục đầu tư cho những lĩnh vực trọng yếu, trong đó có công nghệ cao. Chính sách ngân sách cân bằng giúp giảm áp lực đầu tư lên nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ được giải phóng thêm nguồn lực (từ chi phí đi vay) để phát triển kinh doanh.
Đề cập đến sự phát triển mạnh mẽ của tổ hợp nông nghiệp Nga, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Oksana Lut lưu ý rằng, Nga hiện đứng thứ ba trên thế giới về nguồn cung cấp thực phẩm và có thể vươn lên đứng đầu thế giới nếu ứng dụng công nghệ. Việc định hướng phát triển công nghệ cao đã được khẳng định qua việc Mátxcơva thông qua ngân sách cho các năm tới, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Bên cạnh đó, nguồn lực từ doanh nghiệp cũng đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Các lệnh trừng phạt gia tăng của phương Tây cho thấy vẫn còn những công cụ mạnh mẽ mà Mỹ và các đồng minh có thể sử dụng để gây tổn hại đến nền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, chính việc không coi cấm vận là khó khăn không thể giải quyết, xứ sở Bạch dương vẫn cố gắng duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhờ ngành năng lượng kiên cường, tái cơ cấu kinh tế chiến lược và các giải pháp tài chính sáng tạo.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nen-kinh-te-nga-doi-mat-nhieu-thach-thuc-686021.html