Thực hành '4T' giảm thiểu rác thải nhựa và cơ hội từ thị trường carbon

Bằng cách thực hành '4 T' (từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế), phân loại rác tại nguồn… cùng nắm bắt các cơ hội từ thị trường carbon, những người trẻ có thể góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngày 3/6, Trung ương Đoàn tổ chức Hội nghị tập huấn về tín chỉ carbon và giảm thiểu rác thải nhựa theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên fanpage T.Ư Đoàn và App Thanh niên Việt Nam. Đây là hoạt động thiết thực hưởng Ngày Môi trường thế giới (5/6). Dự chương trình có anh Ngô Văn Cương - Bí thư T.Ư Đoàn.

Chị Nguyễn Thị Thu Vân - Trưởng Ban Thanh niên nông thôn T.Ư Đoàn cho biết, những năm gần đây, ô nhiễm không khí và ô nhiễm rác thải nhựa trở thành vấn đề môi trường nghiêm trọng trên toàn cầu. Cả hai loại ô nhiễm này đều gây ra những hậu quả đáng lo ngại đối với sức khỏe con người và môi trường tự nhiên, đòi hỏi sự quan tâm và hành động kịp thời từ các quốc gia, tổ chức và cộng đồng trên toàn thế giới.

Theo Bộ TN&MT, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường khoảng 3,27 triệu tấn rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm dao động từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có 11-12% rác thải nhựa được tái chế, số còn lại chủ yếu chôn lấp, đốt hoặc thải ra môi trường.

“Ban Bí thư T.Ư Đoàn quyết định tổ chức Hội nghị tập huấn này với mong muốn sẽ cung cấp tới trước hết là cán bộ Đoàn, đoàn viên và thanh niên những hiểu biết cơ bản nhất về tín chỉ carbon, thị trường tín chỉ carbon hiện nay và những trách nhiệm, hành động của thế hệ trẻ đối với việc giảm thải rác thải nhựa trong sinh hoạt”, chị Vân nói.

 Chị Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Chị Nguyễn Thị Thu Vân phát biểu tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Cơ hội từ thị trường carbon

Tại hội nghị đã chia sẻ chuyên đề về phát triển thị trường carbon tại Việt Nam và giảm thiểu rác thải nhựa. Anh Nguyễn Thành Công – Phó Trưởng phòng Kinh tế và Thông tin biến đổi khí hậu (Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT) đã giới thiệu chung về thị trường cacbon; tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí carbon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí carbon dioxide (CO2) tương đương.

 Anh Nguyễn Thành Công trao đổi tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Nguyễn Thành Công trao đổi tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Theo anh Công, thị trường carbon hứa hẹn sự phát triển của nhiều lĩnh vực như năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện khí hydro…), lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực thu giữ - lưu trữ - sử dụng carbon. “Đây là một số lĩnh vực tạo cơ hội cho các bạn trẻ trong tương lai”, anh Công nói và cho biết thêm các cơ hội về việc làm trong ngành môi trường; tài chính khí hậu, mua bán, đầu tư, giao dịch tín chỉ carbon.

Anh Công cũng chia sẻ một số thách thức từ thị trường carbon, như: khoảng trống lớn về kỹ năng, kiến thức về thị trường cabon; chính sách, thị trường cacbon trong nước và quốc tế vẫn cần thời gian để kiện toàn, ổn định; phát triển nhanh và đột phá đến từ các quốc gia có nguồn lực dồi dào…

Anh Công cho biết, cán bộ, đoàn viên, thanh niên và tổ chức Đoàn cơ sở có thể tham gia vào các hoạt động liên quan đến thị trường carbon như: tuyên truyền cho người dân hiểu về nội dung tín chỉ carbon, thị trường carbon; tham gia các hoạt động giảm thải khí thải nhà kính, trồng cây; xây dựng các chương trình, đề án, dự án đăng ký các tiêu chuẩn với các tổ chức quốc tế để tạo tín chỉ carbon và tham gia thị trường carbon.

Thực hành "4T"

Anh Minh Thảo - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam, đã thông tin về nguồn gốc của nhựa, phát sinh rác thải nhựa; thực trạng rác thải nhựa trên thế giới và Việt Nam; tác hại của rác thải nhựa; hững quy định của pháp luật về rác thải nhựa; tổ chức Đoàn các cấp trong triển khai phong trào giảm thiểu giác thải nhựa; một số giải pháp lớn trong thời gian tới.

Đề cập một số giải pháp góp phần giảm thiểu rác thải nhựa, theo anh Thảo, tổ chức Đoàn có thể tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về chất thải nhựa nói riêng và việc thực hành “4T” (từ chối, tiết giảm, tái sử dụng, tái chế); phân loại rác tại nguồn, gồm: rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải nguy hại (pin hỏng, acquy, đèn huỳnh quang…); tái chế các chất thải nhựa.

 Anh Vũ Minh Thảo chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Anh Vũ Minh Thảo chia sẻ tại chương trình. Ảnh: Xuân Tùng

Theo anh Thảo, tổ chức Đoàn cần tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình điểm như: chung cư phân loại rác tại nguồn; chợ giảm thiểu rác thải nhựa; mô hình cơ quan, trường học, hộ gia đình, khu dân cư… xử lý rác thải sinh hoạt, phế phụ phẩm nông nghiệp bằng chế phẩm INO sinh vật bản địa. Bên cạnh đó, các hoạt động như tổ chức hành trình thứ hai đối với lốp xe, chai nhựa, quần áo cũ, đồ chơi… nhằm tăng công năng sử dụng, hạn chế rác thải ra môi trường.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức được hơn 25 nghìn lớp tập huấn về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu với hơn 1,1 triệu lượt thanh niên tham gia.

Xuân Tùng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thuc-hanh-4t-giam-thieu-rac-thai-nhua-va-co-hoi-tu-thi-truong-carbon-post1642876.tpo