Thực hành không rác thải tạo lối sống bền vững

Lực lượng quân đội thu gom để xử lý rác thải nhựa tại khu vực vịnh Vũng Rô (TX Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Giảm thiểu rác thải nhựa thông qua thực hành không rác là mục tiêu mà Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) đang triển khai tại Phú Yên. Việc này nhằm góp phần bảo vệ môi trường tại các địa phương, hạn chế tình trạng xả thải ra môi trường, tạo lối sống bền vững.

Cần chung tay

Phú Yên thực hành không rác là dự án do GreenHub phối hợp với các tổ chức môi trường trong và ngoài nước đang triển khai trên địa bàn tỉnh, trong đó có gói công việc giảm thiểu rác thải nhựa thông qua thực hành không rác. Mục tiêu của gói công việc này là giảm thiểu và dần loại bỏ nhựa sử dụng một lần bằng cách phát triển các giải pháp thay thế khả thi và khung chính sách hỗ trợ. Giảm lượng chất thải được tạo ra và đổ vào bãi chôn lấp bằng cách tối ưu hóa việc phân loại chất thải và thu gom riêng chất thải hữu cơ và các chất tái chế khác. Phát triển và củng cố các giải pháp tái chế khả thi, để cải thiện tỉ lệ tái chế và các điều kiện kinh tế - xã hội của người thu gom tại địa phương.

Bà Nguyễn Bảo Hân, điều phối viên của GreenHub, thông tin: Theo kết quả kiểm toán rác thải do GreenHub thực hiện tại TP Tuy Hòa, đối với rác thải nhựa tại hộ gia đình chiếm 11,29%; tại các khách sạn, cơ sở lưu trú chiếm 19,02%, tại các trường học chiếm 33,25%, tại các cơ sở kinh doanh ăn uống chiếm 14,1%… Để quản lý rác thải nhựa hiệu quả, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần, cần có sự chung tay của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, sự hưởng ứng của người dân và sự hỗ trợ của các tổ chức môi trường. Chúng ta cần nỗ lực ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi không cần thiết, cũng như hạn chế và nghiêm cấm việc xả rác trái phép, vì đây là nguồn chính gây rò rỉ nhựa ra môi trường.

Bà Quách Thị Xuân, đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam, giải thích: Rác thải có thể được chia thành nhiều loại như rác thải rắn, rác thải nhựa, rác thải y tế, rác thải nguy hại, rác thải đặc biệt… Hầu hết các loại rác đều có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của cộng đồng. Thực hành không rác là áp dụng triệt để các biện pháp phòng và giảm thiểu lượng chất thải phải đem chôn lấp hoặc đốt. Các bước tiến hành thực hành không rác được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là từ chối, tái thiết kế, giảm thiểu, tái sử dụng, phục hồi, tái chế và quản lý chất thải còn lại.

Tỉ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đồ họa: ANH NGỌC

Tỉ lệ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Đồ họa: ANH NGỌC

Hành động vì môi trường

Theo Sở TN&MT, việc phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa đã gây ảnh hưởng xấu về cảnh quan, môi trường và hệ sinh thái, từ đó dẫn đến các tác động tiêu cực về phát triển kinh tế - xã hội. Ông Huỳnh Huy Việt, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), cho biết: Mục tiêu đến năm 2025, theo kế hoạch quản lý rác thải nhựa của tỉnh là nâng cao nhận thức và thay đổi được hành vi của cộng đồng; giảm được 50% tổng lượng rác thải nhựa phát thải ra biển và đại dương; tăng cường phân loại rác thải tại nguồn và nâng cao hiệu quả quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; giảm thiểu, thu gom, xử lý được 50% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ; 80% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và du lịch ven biển trên địa bàn tỉnh hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần…

Theo bà Quách Thị Xuân, thực hành không rác thải là lối sống bền vững nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên bằng cách sản xuất, tiêu thụ, tái sử dụng và thu hồi có trách nhiệm các sản phẩm, bao bì và vật liệu mà không cần đốt và không thải ra đất, nước hoặc không khí. Không rác thải có nghĩa là không có cái gì gọi là rác vì tất cả đều có thể trở thành tài nguyên nếu chúng ta biết xử lý đúng cách. Thực hành không rác thải được khởi xướng, ủng hộ, phát triển và trở thành xu thế hiện đại, bền vững của nhiều cá nhân, tổ chức và cộng đồng trên thế giới. Đây được xem là một trong những hoạt động đẩy lùi khủng hoảng rác thải, góp phần giải quyết các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu. “Thực hành không rác thải hướng mọi người thay đổi lối sống và hành động của bản thân để hình thành một vòng tuần hoàn tự nhiên theo hướng bền vững, nơi hầu hết các vật liệu khi bị loại bỏ có thể trở thành tài nguyên cho mục đích sử dụng khác một cách hữu ích cho xã hội”, bà Xuân nhấn mạnh.

Thời gian qua, các sở, ngành, địa phương và cộng đồng dân cư đã nỗ lực, chung tay góp sức trong công cuộc bảo vệ môi trường, góp phần quản lý, kiểm soát cơ bản hiệu quả môi trường trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: GreenHub đã đồng hành cùng Phú Yên kêu gọi các nguồn lực tài trợ trong và ngoài nước, trong đó có dự án Phú Yên thực hành không rác. Gói công việc này đang triển khai thí điểm giải pháp thay thế đồ nhựa trong đóng gói bao bì và đề xuất kiến nghị về cơ chế chính sách nhằm định hướng các giải pháp phù hợp để giảm thiểu và tiến tới loại bỏ nhựa sử dụng một lần; nâng cao chất lượng và hiệu quả thu gom, phân loại rác; đánh giá và nhân rộng các giải pháp phân loại rác và giảm rác thải nhựa. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, do đó các cấp, ngành, địa phương và người dân cần chung tay góp sức trong công cuộc bảo vệ môi trường để Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường.

Gói công việc giảm thiểu rác thải nhựa thông qua thực hành không rác tại Phú Yên đang triển khai lộ trình xây dựng và ban hành chính sách hạn chế nhựa dùng một lần; xây dựng mạng lưới thực hành không rác thải áp dụng các biện pháp giảm thiểu nhựa sử dụng một lần; nhân rộng mô hình không rác thải đến các nhóm đối tượng mục tiêu; xây dựng năng lực cho đối tượng mục tiêu và các cán bộ địa phương.

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh Trần Thị Hoa

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/302252/thuc-hanh-khong-rac-thai-tao-loi-song-ben-vung.html