Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí: Chuyển biến từ nhận thức đến hành động
(ABO) Trong những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Đảng ủy, UBND xã Thanh Hòa (TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, công chức; đồng thời, không để xảy ra trường hợp lãng phí tài sản công tại đơn vị.
TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU
Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã Thanh Hòa luôn coi công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Đây không chỉ là nhiệm vụ trực tiếp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, mà còn là ý thức thường trực trong mỗi cán bộ, đảng viên. Qua đó, đưa việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nhiệm vụ thường xuyên, hằng ngày và là điều kiện bắc buộc để mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gắn với trách nhiệm của người đứng đầu nơi đây được thực hiện đồng bộ, toàn diện bằng việc thành lập tổ xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhằm thực hiện tốt quy định của Luật Ngân sách nhà nước, chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính. Đồng thời, UBND xã thành lập tổ xây dựng quy chế mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản công nhằm giảm thiểu tối đa việc mua sắm công cụ, dụng cụ, tài sản công khi chưa thực sự cần thiết. UBND xã thực hiện công khai minh bạch quyết toán thu chi ngân sách hằng quý, 6 tháng và năm…
Dẫn chứng việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng nguồn kinh phí tự chủ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa Nguyễn Văn Đấu cho biết, đơn vị đã cắt giảm các cuộc họp không cần thiết nhằm nâng cao chất lượng các cuộc họp. Đồng thời, lồng ghép các cuộc họp; bố trí các cuộc họp với các thành phần liên quan ở các khung giờ liên tiếp để tiết kiệm chi phí và thời gian. Chống lãng phí trong việc tổ chức các cuộc họp, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của sự chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo cơ quan, qua đó đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. UBND xã đã cắt giảm việc tổ chức những ngày hội, ngày lễ, kỷ niệm nhỏ, nhằm giảm bớt kinh phí hoạt động của đơn vị. Địa phương chỉ cử cán bộ, công chức đi công tác, bồi dưỡng các lớp nghiệp vụ chuyên môn khi thật sự cần thiết…
Ngoài ra, chuyên viên tham mưu kiểm tra cẩn thận thể thức, nội dung, ngữ pháp, lỗi chính tả trên văn bản trước khi in để hạn chế số lượng trang in sai. Đối với tài liệu tham khảo cần in hoặc văn bản đang xin ý kiến lãnh đạo, chuyên viên tham mưu cài đặt phông chữ nhỏ và đặt lề nhỏ lại để làm giảm số lượng trang cần in. Ngoài ra, lãnh đạo UBND xã dùng các ứng dụng, email, văn phòng điện tử để trao đổi văn bản, hạn chế việc in ấn tài liệu.
Các ứng dụng cho phép nhắn tin, gọi điện thoại miễn phí được cán bộ, công chức đơn vị sử dụng để trao đổi thông tin. Điều này đồng nghĩa với việc giảm tần suất sử dụng điện thoại của cơ quan và cá nhân. Qua đó giúp tiết kiệm chi phí điện thoại hằng tháng của cơ quan. Bên cạnh đó, thư mời họp và tài liệu cũng được UBND xã scan và gửi đến các thành phần thông qua ứng dụng. Việc làm này giúp tiết kiệm được giấy, mực, thời gian và dịch vụ bưu chính.
TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ VÌ LỢI ÍCH CHUNG
Trong quy chế chi tiêu nội bộ, đơn vị đã xây dựng chi tiết, cụ thể và rõ ràng về việc sử dụng điện, nước. Các cán bộ, công chức có trách nhiệm chung trong việc sử dụng điện, nước tiết kiệm nhất có thể. Cán bộ phụ trách kiểm tra hệ thống điện, kiểm tra đường dây tải điện bảo đảm ngăn ngừa hiện tượng rò rỉ điện gây nguy hiểm và giảm hao hụt điện năng.
Từ các khoản tiết kiệm, năm 2018, thu nhập tăng thêm mỗi cán bộ, công chức xã Thanh Hòa từ 2 triệu đồng, đến năm 2019 tăng lên từ 13 đến 18 triệu đồng. Kết quả này từ việc mỗi cá nhân cố gắng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để thu nhập cuối năm được cải thiện, nâng cao. Đây cũng là động lực rất lớn nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, công chức phấn đấu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đơn vị phải sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng đất công cũng được UBND xã Thanh Hòa phân công công chức Địa chính quản lý chặt chẽ nguồn đất công của đơn vị. Như vậy sẽ tránh trường hợp đất công trên địa bàn xã bị dân chiếm dụng trái phép. Hiện nay, trên địa bàn xã Thanh Hòa có 10,5 ha đất công được 6 hộ dân sử dụng canh tác giữ đất. Trong 5 năm qua, UBND xã thu được hơn 33 triệu đồng và sử dụng trong công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn xã.
Trong năm 2021, xã Thanh Hòa phấn đấu hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Do vậy, để tiết kiệm trong việc trồng cây trang trí các tuyến đường,các ban, ngành, đoàn thể xã đã tập trung chiết cành, ươm 5.000 bầu cây quỳnh anh. Như vậy, xã Thanh Hòa đã tiết kiệm hơn 60 triệu đồng mua cây trồng trang trí nông thôn mới.
Xã Thanh Hòa đang trong quá trình đầu tư và có kế hoạch khai thác hiệu quả nhà 2 văn hóa liên ấp Thanh Hưng - Thanh Bình, Thanh Sơn - Thanh Hiệp. Đây là nơi để hội viên và người dân các cấp sinh hoạt và thụ hưởng, nhất là nơi tổ chức các hoạt động bóng chuyền hơi, cầu lông, thể dục dưỡng sinh và củng cố dàn âm thanh để tổ chức đờn ca tài tử phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Đấu, để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào thực chất và đạt hiệu quả tối ưu, xã Thanh Hòa cần chú trọng và nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội, trước tiên là trong cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bằng những cách thức phù hợp. Song song đó, xã cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kịp thời, hiệu quả Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để việc này trở thành nền nếp, tác phong sinh hoạt, làm việc hằng ngày của mỗi người.
Đồng thời, phát huy vai trò giám sát của các ngành, đoàn thể và Ban thanh tra nhân dân để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.