Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí- quy định pháp luật và góc nhìn thực tiễn
Hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hoạt động diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là nguồn gốc cho sự bảo toàn của cải vật chất và phát triển xã hội.
Tóm tắt: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một trong số các vấn đề được quan tâm trong thực tế đời sống hàng ngày. Hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hoạt động diễn ra trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, là nguồn gốc cho sự bảo toàn của cải vật chất và phát triển xã hội. Chính vì thế, tác giả nghiên cứu quy định của pháp luật, thực tiễn vướng mắc và đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức khi thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặt vấn đề:
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc giảm bớt hao phí khi sử dụng tài sản, vốn, thời gian, tài nguyên vào một công việc gì đó để đạt được hiệu quả công việc đã định và tránh việc hao tổn quá mức cần thiết. Nếu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí càng tốt thì hiệu quả công việc không những đạt được mà còn tạo ra thêm giá trị của cải được tiết kiệm, làm tăng thêm hiệu quả, thêm giá trị vật chất... Khi nghiên cứu những quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tác giả đã chỉ ra được những vướng mắc và hoàn thiện quy định pháp luật.Cũng như những chủ trương chính sách, quan điểm và đường lối của Đảng về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong xã hội.
1. Những vấn đề lý luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
1.1. Khái niệm về tiết kiệm:
Theo từ điển Wiktionary (từ điển mở), thì tiết kiệm là âm Hán-Việt và là động từ:
1.Tiết kiệm là giảm bớt hao phí không cần thiết, tránh lãng phí trong sản xuất, sinh hoạt.
Ví dụ: Ăn tiêu tiết kiệm, tiết kiệm nguyên liệu trong sản xuất ....
2. Tiết kiệm là dành dụm được sau khi đã chi dùng hợp lý những thứ cần thiết.
Ví dụ: mỗi tháng tiết kiệm được một ít tiền, tiền tiết kiệm .... (1)
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiết kiệm không phải là bủn xỉn, nhịn ăn, nhịn mặc mà là chi tiêu vào những việc cần thiết, không xa xỉ, không hoang phí. Và "Tiết kiệm" chính là một trong bốn đức cách mạng "cần, kiệm, liêm, chính" mà Bác luôn răn dạy nhân dân ta.
Theo quy định tại khoản 1 điều 3 luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì "1. Tiết kiệm là việc giảm bớt hao phí trong sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định. Đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên ở những lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì tiết kiệm là việc sử dụng ở mức thấp hơn định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng vẫn đạt được mục tiêu đã định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng đạt cao hơn mục tiêu đã định".
1.2. Khái niệm về lãng phí
Theo từ điển Wiktionary (từ điển mở), thì tiết kiệm là âm Hán-Việt và là động từ:
Lãng phí là làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích. Ví dụ: Lãng phí tiền của, ăn tiêu lãng phí. (2)
Căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Luật Thực hành chống tiết kiệm, lãng phí năm 2013 thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, lao động, thời gian lao động và tài nguyên không hiệu quả. Đối với lĩnh vực đã có định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành thì lãng phí là việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước và tài nguyên vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hoặc không đạt mục tiêu đã định.
Theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì đối tượng điều chỉnh đối với hoạt động này là: hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; Hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Chính vì thế, đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên; Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khác.
Nếu theo như phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng trên thì việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là việc sẽ được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ quốc gia Việt Nam, áp dụng với các đối tượng và trong các lĩnh vực rất cụ thể. Đó là các hoạt động quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, vốn nhà nước, tài sản nhà nước; lao động, thời gian lao động và tài nguyên. Đối với từng lĩnh vực cụ thể sẽ có các quy định về định mức sử dụng để tiết kiệm và chống lãng phí. Chính vì thế, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có tầm quan trọng và ý nghĩa vô cùng cần thiết trong sự thúc đẩy phát triển xã hội nên Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản triển khai các hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, như: Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 21/8/2006 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đây là công tác trọng tâm và định hướng ảnh hưởng tới toàn thể xã hội nên cần nghiên cứu thực tiễn áp dụng.
2. Thực tiễn áp dụng hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí quy định rất cụ thể về các lĩnh vực và hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm có: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc ban hành, thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong phạm vi cả nước hoặc theo ngành, lĩnh vực, địa phương theo thẩm quyền hoặc theo quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, tổ chức xây dựng và ban hành. Cụ thể: thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mua sắm, sử dụng phương tiện đi lại và phương tiện, thiết bị làm việc của cơ quan, tổ chức trong khu vực nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng, quản lý, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước, khoáng sản, rừng và các tài nguyên khác; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động trong khu vực nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân.
Việc quy định rất chi tiết và cụ thể về nguyên tắc áp dụng, định mức sử dụng, các biện pháp triển khai, thực hành tiết kiệm chống lãng phí vẫn chưa được triển khai cụ thể, chi tiết trên thực tế dẫn đến rất nhiều các hiện tượng lãng phí của cải, vật chất trong xã hội.
Hiện nay hiện tượng lãng phí trong xã hội còn diễn ra trên rất nhiều các lĩnh vực khác nhau của xã hội. Các hiện tượng lãng phí tài sản công như: Xây dựng cơ sở vật chất chưa hỏng đã đề xuất sửa lại, không tiết kiệm dẫn tới lãng phí ngân sách nhà nước; triển khai và tổ chức nhiều hoạt động lễ hội không cần thiết, không làm phát triển bản sắc văn hóa dân tộc; hoặc mua sắm những phương tiện đi lại vượt quá tiêu chuẩn, định mức...
Còn đối với những hiện tượng chưa thực hành tiết kiệm gây ra lãng phí đối với các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội: Chẳng hạn như việc các chủ đầu tư xin cấp phép dự án rồi không triển khai xây dựng dẫn tới việc để hoang hóa các khu vực đất dự án. Và trong năm 2023, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất đối với 20 dự án do không triển khai thực hiện trên thực tế. Hoặc việc các chủ đầu tư xây dựng nhà liền kề bán theo các dự án, các nhà đầu tư mua để chờ cơ hội đầu tư dẫn tới mua xong thì để hoang hóa, không sử dụng. Các nhà xây thô bị hỏng hóc, xuống cấp, chưa đưa vào sử dụng đã mất giá trị sử dụng làm lãng phí tiền bạc, của cải của nhà đầu tư, của người mua, cũng như là lãng phí của cải của xã hội.
Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được quan tâm và đẩy mạnh. Hoạt động chống lãng phí được Tổng Bí thư chỉ đạo và đưa ra các giải pháp đồng bộ trong xã hội. Đây cần được xem là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" như Tổng Bí thư đã khẳng định trong bài viết về chống lãng phí của mình; cần tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng chống lãng phí, xử lý nghiêm đối với hành vi của các cá nhân, tập thể làm thất thoát, lãng phí tài sản công, giải quyết triệt để các nguyên nhân làm lãng phí tài sản công và đưa ra nhiều biện pháp cải cách thủ tục hành chính, thực thi pháp luật; đưa hoạt động phòng chống lãng phí trở thành văn hóa, trở thành ý thức tự giác trong mỗi cá nhân, người dân cụ thể từ trẻ nhỏ tới người già và gắn với các sinh hoạt hàng ngày của mọi người. (3)
Hiện tại, Chủ trương lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và cá nhân đồng chí Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã đưa ra về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thể hiện rất rõ nét trong việc tổ chức lại Bộ máy nhà nước, cũng như địa giới hành chính của các địa phương. Trong quá trình thực hiện tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế đã tiết kiệm rất nhiều đối với các khoản chi của ngân sách cho bộ máy này. Đồng thời, hướng đến Chính phủ số hóa thì các thủ tục hành chính đã được thực hiện thông qua các cổng thông tin điện từ, giảm bớt thời gian, công sức đi lại cũng như tiện lợi, giảm thiểu các chi phí khi đến cơ quan hành chính thực hiện các thủ tục hành chính này.
Có thể thấy rằng lãng phí là một trong những nguyên nhân làm suy yếu các nguồn lực để phát triển đất nước, làm thất thoát ngân khố quốc gia, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của đất nước, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Còn sự lãng phí của người dân thì không thể kết tội, không thể kết án người lãng phí tài sản, của cải thuộc quyền sở hữu của chính họ nên chỉ kêu gọi, thuyết phục, nhắc nhở họ tiết kiệm. Vì thế, cần nghiên cứu tìm ra các chế tài xử lý đối với hành vi gây lãng phí và không thực hành tiết kiệm để triển khai hoạt động này trong xã hội.
3. Những vướng mắc và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một chế định pháp luật được thể chế hóa trong luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo quy định của luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tất cả các hoạt động về quản lý, sử dụng ngân sách, vốn, tài sản nhà nước, thu chi ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội ... mọi hoạt động liên quan đến tài sản, ngân sách nhà nước sẽ được công khai và người dân có quyền giám sát các hoạt động này, các cơ quan, tổ chức, viên chức nhà nước có trách nhiệm tuân theo các quy định, các tiêu chuẩn này. Nếu trường hợp phát hiện lãng phí thì có quyền đưa tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng và phản ánh dưới các hình thức khác thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức có vi phạm, thủ trưởng cấp trên trực tiếp, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán có trách nhiệm phải xem xét giải quyết và xử lý theo thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đây là những quan hệ pháp luật được điều chỉnh, chính vì thế, nó cần có các chế tài bảo vệ. Sẽ có 02 dạng chế tài bảo vệ: Bộ luật hình sự và Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Với chế tài hình sự, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí:
"1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm: a) Vì vụ lợi; b) Có tổ chức; c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; d) Gây thất thoát, lãng phí từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thất thoát, lãng phí từ 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản".
Theo như quy định tại điều luật trên cần hiểu: Tài sản nhà nước là tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc do pháp luật quy định thuộc sở hữu, quản lý của Nhà nước, bao gồm: trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất; máy móc, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc; tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cho Nhà nước và các tài sản khác do pháp luật quy định (khoản 5 Điều 3 Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 2013). Còn theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng Tài sản công thì Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, bao gồm: tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng; tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; tài sản công tại doanh nghiệp; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước; đất đai và các loại tài nguyên khác.
Và thêm vào đó, hàng loạt các tội phạm quy định về các tội vi phạm quy định chuyên ngành như tội phạm về thuế, về kế toán .... Đây là những loại tội mà trong hoạt động chuyên ngành vi phạm quy định làm thất thoát tài sản đến một định mức nhất định thì sẽ bị khởi tố vụ án hình sự và phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Đối với các hành vi vi phạm chưa đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự trong hoạt động thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 63/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ "về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước". Tại chương III quy định về các hành vi vi phạm, hình thức xử lý, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đối với các hành vi bị xử phạt cụ thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, sử dụng điện nước, xăng dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước, mua sắm trang bị phục vụ hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh do ngân sách nhà nước cấp; khai thác sử dụng tài nguyên; đầu tư xây dựng đối với các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, tiền và tài sản công; quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức sử dụng kinh phí nhà nước, công ty trách nhiệm một thành viên vốn nhà nước nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính thì chỉ có đưa ra vấn đề đối với các tài sản hoặc hoạt động có nguồn gốc thu chi từ ngân sách nhà nước. Còn đối với các hoạt động gây lãng phí tài sản của cá nhân, tổ chức không có nguồn gốc nhà nước mà có thể là của tư nhân, tập thể cụ thể thì chưa có chế tài xử lý vi phạm hành chính. Theo tác giả đây cũng là nguyên nhân làm giảm hoặc tiêu hao tài sản của xã hội nên cũng cần có chế tài xử lý, tránh để không các tài sản mà trong khi rất nhiều người khác không có để dùng.
Như đã phân tích ở trên. Tác giả mạnh dạn đưa ra 02 đề xuất sau:
Thứ nhất: Đề xuất liên quan đến vướng mắc sẽ tạo ra cơ chế cho việc giải quyết theo chế tài hình sự: Cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về tội phạm hình sự hoặc có hành vi vi phạm hình sự liên quan tới tội không thực hành tiết kiệm.
Thứ hai: Đề xuất liên quan đến vấn đề về chế tài hành chính: cần quy định thêm 1 mục về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức có hành vi lãng phí hoặc gây lãng phí đối với các tài sản của chính cá nhân hoặc tổ chức (ví dụ: quy định về việc xử phạt nếu dự án bán nhà mà cứ để nhà thô không hoàn thiện đưa vào sử dụng... ).
Thứ ba: Đề xuất liên quan đến các ngành, lĩnh vực cụ thể: cần quy định thêm các tiêu chí về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cụ thể hơn nữa để dễ áp dụng và triển khai trên thực tế.
Với chế định thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một chế định ít được nghiên cứu,Tác giả mạnh dạn nghiên cứu và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện liên quan những quy định trên, mong được sự góp ý và chỉ dẫn thêm của các nhà nghiên cứu khác.
Kết luận:
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một vấn đề quan trọng trong xã hội. Có tiết kiệm thì mới không lãng phí, tận dụng được nguồn lực là của cải, vật chất trong xã hội để phát triển xã hội. Của cải vật chất do con người làm ra, dù là thuộc sở hữu nhà nước, thuộc sở hữu toàn dân hay thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức thì đều cần được tiết kiệm, tránh lãng phí và cần được bảo toàn. Chính vì thế, cần nghiên cứu hoàn thiện để chế định pháp luật này được áp dụng trên thực tiễn.
Ths Nguyễn Thị Thúy Hà, Giảng viên Khoa Luật sư, Học viện Tư pháp
(1)- từ điển Wiktionary (từ điển mở)
(2) - từ điển Wiktionary (từ điển mở);
(3)– Cổng thông tin điện tử Quốc hội Việt Nam - Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về chống lãng phí ngày 13/10/2024.