Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số nội dung chi thường xuyên ngân sách nhà nước

Bộ Tài chính yêu cầu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong một số nội dung chi thường xuyên ngân sách nhà nước theo Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2025 vừa được Bộ Tài chính ban hành.

Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện nghiêm túc công khai, dân chủ trong điều hành, tổ chức thực hiện dự toán, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng.

Bộ Tài chính yêu cầu thực hiện nghiêm túc công khai, dân chủ trong điều hành, tổ chức thực hiện dự toán, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng.

Tập trung bố trí kinh phí cho các đoàn đi đàm phán, thực hiện nhiệm vụ

Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu tiếp tục tăng cường sử dụng hình thức họp trực tuyến trong chỉ đạo, điều hành và xử lý các công việc trong đơn vị thuộc Bộ Tài chính, qua đó tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở… của đại biểu. Đồng thời, thực hiện tốt quy định về chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo; chế độ tiếp khách trong nước và quốc tế; hạn chế phô trương, hình thức, tiếp khách tràn lan gây lãng phí ngân sách nhà nước.

Thực hiện lồng ghép các nội dung, vấn đề, công việc cần xử lý để kết hợp tổ chức các cuộc họp một cách hợp lý. Tùy theo tính chất, nội dung, mục đích, yêu cầu của cuộc họp, người triệu tập cuộc họp phải cân nhắc kỹ và quyết định thành phần, số lượng người tham dự cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; quy chế quản lý hoạt động đối ngoại của Bộ Tài chính; Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Tài chính về nâng cao hiệu quả công tác quản lý và thực hành tiết kiệm trong tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài.

Tập trung bố trí kinh phí cho các đoàn đi đàm phán, thực hiện các nhiệm vụ được giao theo đúng chế độ quy định; hạn chế tối đa các đoàn đi học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, bao gồm cả đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các dự án ODA và các dự án sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Thực hiện quản lý chặt chẽ đoàn ra, đoàn vào đúng người, đúng mục đích và phải căn cứ vào dự toán và danh mục đoàn ra, đoàn vào được phê duyệt từ đầu năm của mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa các đoàn đi công tác nước ngoài bổ sung không theo dự toán, danh mục từ đầu năm; chi bổ sung khi có nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt cần thiết.

Thực hiện nghiêm quy định chế độ công tác phí đối với công chức, viên chức đi công tác trong nước. Các trường hợp áp dụng khoán công tác phí, trường hợp thanh toán theo thực tế, hồ sơ, thủ tục, chứng từ thanh toán… phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ để thực hiện.

Ưu tiên bố trí nguồn lực đối với dự án cần thiết

Bộ Tài chính yêu cầu rà soát các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền quyết định để ưu tiên bố trí nguồn lực đối với các chương trình, dự án cần thiết, hiệu quả; cắt giảm các chương trình, dự án có nội dung trùng lặp, kém hiệu quả. Thực hiện tiết kiệm triệt để trong quản lý, sử dụng kinh phí các đề tài nghiên cứu khoa học.

Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý chi thường xuyên, tăng cường đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí, khuyến khích phân cấp, phân quyền, giao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhàn nước, gắn với tăng cường trách nhiệm của các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính công.

Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng nâng cao mức độ tự chủ tài chính, tăng cường phân cấp và tăng cường tự chủ về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính trên cơ sở có tính đến đặc điểm của từng loại hình dịch vụ, khả năng và nhu cầu thị trường, trình độ quản lý…

Thực hiện nghiêm túc công khai, dân chủ trong điều hành, tổ chức thực hiện dự toán, mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp luật về quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Đồng thời, điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước trong phạm vi dự toán được giao, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; thực hiện triệt để, tiết kiệm toàn diện các nội dung chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Bích Thủy

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-trong-mot-so-noi-dung-chi-thuong-xuyen-ngan-sach-nha-nuoc.html