Thực hiện 3 khâu đột phá
Chỉ đạo triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Ngành Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị: Toàn ngành tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nghiên cứu, hình thành các công cụ quản lý, cơ chế chính sách mới để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, gồm: Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng; Tập trung cho công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị (PTĐT); Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường BĐS…
Hoàn thiện thể chế pháp luật về xây dựng
Năm 2022, ngành Xây dựng tiếp tục xác định nhiệm vụ hoàn thiện thể chế pháp luật là một trong ba khâu đột phát chiến lược, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đồng thời tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng, phân cấp mạnh cho địa phương.
Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị tập trung lập hồ sơ đề xuất xây dựng một số Luật mới như Luật Quản lý PTĐT, Luật Cấp thoát nước, Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý không gian ngầm và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Nghiên cứu kỹ lưỡng, đề xuất các nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 và Luật Kinh doanh BĐS năm 2014…
Các đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Trong quá trình xây dựng pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với Hiến pháp và các chủ trương, nghị quyết của Đảng; Thống nhất, đồng bộ với văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tránh chồng chéo; Phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đảm bảo tính khả thi; Bảo đảm tiến độ, chất lượng; Tăng cường phân cấp cho địa phương, đồng thời phải có công cụ đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực...
Tập trung cho công tác quản lý quy hoạch, PTĐT
Đối với công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc, Bộ trưởng giao Vụ Quy hoạch kiến trúc phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiệm vụ theo hướng nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch đảm bảo tầm nhìn, dự báo và tính khả thi; Kiểm soát chặt chẽ công tác thẩm định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch; Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, chấn chỉnh địa phương về công tác quy hoạch…
Đối với công tác quản lý PTĐT, Bộ trưởng yêu cầu tập trung hoàn thiện các quy định pháp luật, công cụ quản lý để kiểm soát chặt chẽ quá trình PTĐT đồng bộ, gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nông thôn. Trong đó, Cục PTĐT phối hợp với các đơn vị có liên quan chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch để triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về PTĐT.
Nhanh chóng nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Quản lý PTĐT và các văn bản pháp luật có liên quan nhằm hình thành các công cụ mới, hiệu quả hơn trong việc kiểm soát và thúc đẩy PTĐT theo quy hoạch và có kế hoạch; Nâng cao sức cạnh tranh khu vực đô thị; Khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ đất đai, từ phát triển không gian đô thị; Tổ chức và quản lý đô thị đồng bộ về hạ tầng, thông minh, xanh, văn minh, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu, có bản sắc…
Thực hiện có hiệu quả Đề án PTĐT thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Đề án Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu; Phối hợp với một số địa phương có điều kiện phù hợp để thí điểm xây dựng một số đô thị thông minh kiểu mẫu, là tiền đề tổng kết, đánh giá và nhân rộng mô hình.
Tập trung nguồn lực để sớm hoàn thiện Quy hoạch Hệ thống đô thị và nông thôn theo nhiệm vụ được Chính phủ giao, ban hành trong năm 2022.
Đối với công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật, Bộ trưởng giao Cục Hạ tầng Kỹ thuật quan tâm, có giải pháp, xây dựng chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là các vấn đề cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải...
Đẩy mạnh công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường BĐS
Trong công tác quản lý phát triển nhà ở, thị trường BĐS, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị tập trung phát triển nhà ở xã hội (NƠXH) và nhà ở phân khúc thu nhập thấp và trung bình; Thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Tăng cường quản lý đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững. Các Bộ ngành, địa phương tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bộ trưởng giao Cục Quản lý Nhà và Thị trường BĐS cùng các đơn vị có liên quan nghiên cứu dự thảo sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS; Xây dựng chính sách, tháo gỡ khó khăn để phát triển NƠXH, nhà ở phân khúc thu nhập thấp và trung bình, khắc phục việc mất cân đối cơ cấu sản phẩm nhà ở.
Bộ trưởng đồng thời yêu cầu: Bám sát chặt chẽ Chương trình phục hồi nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 mà Chính phủ hiện đang xây dựng để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách và nguồn lực cụ thể phù hợp, trọng tâm là thúc đẩy phát triển NƠXH, nhất là nhà ở cho công nhân, người lao động.
Tăng cường hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm các nước có bối cảnh tương đồng để nghiên cứu, thay đổi căn bản tư duy, cách thức trong phát triển NƠXH, đa dạng hóa các nguồn lực cho phát triển NƠXH.
Theo dõi chặt chẽ việc triển khai Nghị định 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ tại các địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn; Phấn đấu năm 2022 khởi công một số dự án xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội và TP.HCM; Thường xuyên bám sát diễn biến thị trường BĐS để có giải pháp kịp thời xử lý các biến động tiêu cực của thị trường, đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu
Bên cạnh 3 khâu đột phá chiến lược nói trên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đồng thời đề nghị các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Bộ, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc các địa phương quan tâm, tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ quan trọng khác như tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng công trình, an toàn vệ sinh lao động; Theo dõi tình hình, phát triển sản xuất và thị trường VLXD; Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao KHCN; Tiếp tục làm tốt công tác hợp tác quốc tế.
Công tác cổ phần hóa, thoái vốn tại các DN thực hiện đúng theo quy định, không làm thất thoát vốn, tài chính, tài sản Nhà nước, tối đa hóa lợi ích Nhà nước. Tiếp tục quan tâm chỉ đạo đầu tư công đảm bảo tiến độ, đúng quy định. “Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công nhưng phải chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, kém hiệu quả” - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử; Phấn đấu cải thiện chỉ số xếp hạng về hành chính của Bộ, cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định…
Để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ công tác năm 2022 của ngành Xây dựng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị yêu cầu các đơn vị quyết tâm, nỗ lực, sáng tạo, đoàn kết, đi đôi với siết chặt kỷ cương, kỷ luật công tác, đạo đức công vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới tư duy, tận tụy với công việc.
Lãnh đạo các đơn vị phải quyết liệt, năng động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, xử lý kịp thời các trì trệ, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, lãnh đạo các đơn vị phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, chăm lo, tạo điều kiện mọi mặt cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động cống hiến, tạo sự đồng thuận, đoàn kết nội bộ, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của cơ quan.
Năm 2022, ngành Xây dựng phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ước 4,96 - 5,56 %; Diện tích nhà ở bình quân cả nước phấn đấu đạt 25,5 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 41,5 - 42%; Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung trên 94%; Tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch giảm dưới 16,5%; Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý đạt 16%...
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/thuc-hien-3-khau-dot-pha-323535.html