Thực hiện 7 nhóm giải pháp để TP. Mỹ Tho phát triển nhanh và bền vững (*)

Ngày 31-10-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X đã ban hành Nghị quyết 13 về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 13).

ABO xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 13.

Qua ý kiến phát biểu của các đồng chí đã phân tích, đánh giá rất cụ thể, toàn diện những kết quả đã đạt được từ thực tiễn có liên quan đến các lĩnh vực, hoạt động của TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; những khó khăn, hạn chế còn tồn tại và nguyên nhân; những đề xuất, kiến nghị và nhiệm vụ, giải pháp, thể hiện rất rõ sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp ủy, chính quyền, của mặt trận, các đoàn thể và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy Mỹ Tho. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, giao Văn phòng Tỉnh ủy nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Báo cáo, dự thảo Kết luận để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 13 đạt kết quả cao nhất trong thời gian tới.

TP. Mỹ Tho là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ của tỉnh; là đô thị hạt nhân của vùng Trung tâm, có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng của tỉnh; là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương lân cận. Để TP. Mỹ Tho tiếp tục phát triển, xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh và của khu vực Bắc sông Tiền; ngày 31-10-2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X đã ban hành Nghị quyết 13 về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, đây là Nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Nghị quyết được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy kết quả của Nghị quyết 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa IX, ngày 22-11-2011 về phát triển TP. Mỹ Tho đạt tiêu chí đô thị loại I thuộc tỉnh vào năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 diễn ra vào ngày 21-7-2023.

Đồng chí Nguyễn Văn Danh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 diễn ra vào ngày 21-7-2023.

Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt, triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự thống nhất về nhận thức, về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết đạt kết quả tốt nhất. Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang được triển khai trên địa bàn các huyện, thị xã và nhất là TP. Mỹ Tho đã góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn ngày càng đồng bộ, tạo động lực phát triển cho các địa phương và các vùng trong tỉnh...

Đối với TP. Mỹ Tho, tuy bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19 và những yếu tố bất lợi của tình hình chung tác động đến nền kinh tế, nhưng với sự năng động, sáng tạo, sự linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là sự đồng thuận, hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân, TP. Mỹ Tho đã từng bước khôi phục sản xuất - kinh doanh, ổn định đời sống, thích ứng với tình hình mới, kinh tế phát triển; một số chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết thực hiện đạt kết quả khá khả quan:

Thứ nhất: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,8%/năm (Nghị quyết 12% - 12,5%) và giá trị sản xuất tăng bình quân 7,4%/năm (Nghị quyết 11% - 13%); giai đoạn 2018 - 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế và giá trị sản xuất tăng bình quân 3,7%/năm (tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của 2 giai đoạn 2016 - 2020 và 2018 - 2022 không đạt so với Nghị quyết, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhất là bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đạt được mức tăng trưởng trên cũng đáng được trân trọng). Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 115,8 triệu đồng (Nghị quyết 114,4 triệu đồng), năm 2022 đạt 131,8 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3.959 tỷ đồng (Nghị quyết 2.900 tỷ đồng); năm 2020 đạt 1.050 tỷ đồng (Nghị quyết 645 tỷ đồng). Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2019 theo Quyết định 517 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ hai: Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực, an sinh xã hội được đảm bảo; các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng thuộc hộ nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người cao tuổi ngày càng được quan tâm tốt hơn; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 giảm còn 0,91%, bình quân mỗi năm giảm 0,13% (hiện thành phố còn 660 hộ nghèo).

Thứ ba: Tội phạm về trật tự xã hội và tai nạn giao thông, vi phạm phát luật về môi trường tuy có lúc, có nơi vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng đều có giảm; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tập trung đẩy mạnh, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa và xây dựng ấp, khu phố, xã, phường an toàn về an ninh trật tự” (năm 2022, thành phố đã đưa vào thực hiện hệ thống camera giám sát đã góp phần nâng cao công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống tội phạm).

Thứ tư: Công tác cải cách hành chính được triển khai quyết liệt gắn với quá trình chuyển đổi số, tạo được sự chuyển biến khá rõ rệt. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể, của cán bộ, đảng viên được nâng lên; đấu tranh có hiệu quả với các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, ngăn ngừa sự suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ thực hiện đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch với chất lượng được nâng lên ngày càng cao, từng bước khắc phục tình trạng bị động, lúng túng trong công tác nhân sự.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 diễn ra vào ngày 21-7-2023.

Quang cảnh Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 diễn ra vào ngày 21-7-2023.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ghi nhận, biểu dương và chúc mừng 14 tập thể có thành tích xuất sắc được nhận Bằng khen tại hội nghị sáng nay. Từ thực tiễn qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho, chúng ta đã rút ra được một số kinh nghiệm rất có giá trị:

Kinh nghiệm thứ nhất, phải xem việc phát triển thành phố là nhiệm vụ chung của Đảng bộ, chính quyền, của mặt trận và các đoàn thể, của cả hệ thống chính trị của tỉnh để có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong thực hiện.

Kinh nghiệm thứ hai, phải có chính sách, giải pháp ưu tiên gắn với phát huy tốt nội lực của thành phố, sự hỗ trợ của các địa phương trong vùng và của tỉnh; đặc biệt là nâng cao công tác quy hoạch, xây dựng quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ với các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội của vùng và của tỉnh.

Kinh nghiệm thứ ba, phải tập trung đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu, hạ tầng giao thông, xem đây là mũi đột phá và ưu tiên hàng đầu để chuyển dịch cơ cấu đúng hướng, mở ra không gian phát triển mới cho thành phố.

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta vẫn còn một số khó khăn, hạn chế cần sớm có giải pháp khắc phục. Tôi xin nêu 4 vấn đề cụ thể:

Một là, ngành Dịch vụ, Du lịch chưa khai thác hết được tiềm năng, lợi thế, thiếu định hướng phát triển và giải pháp cụ thể; du lịch phát triển manh mún, nhỏ lẻ, chưa thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù.

Hai là, công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng chưa đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lộ trình thực hiện quy hoạch chưa cụ thể; thiếu giải pháp tháo gỡ khi gặp khó khăn, vướng mắc.

Ba là, định hướng đầu tư, bố trí đầu tư chưa tập trung vào ngành, lĩnh vực trọng điểm để tạo bước đột phá; việc triển khai công trình, dự án trọng điểm còn chậm (như Dự án giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương, đến nay chưa được khởi công…).

Thứ tư là, chưa mở được các trục giao thông mới theo quy hoạch để tăng cường tính kết nối, mở rộng không gian phát triển đô thị; việc hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị loại I còn chậm; tiến độ và kết quả xây dựng đô thị thông minh chưa đạt yêu cầu (thành phố còn 6/49 tiêu chí chưa đạt về dân số; về tỷ lệ đất xây dựng các công trình dịch vụ công cộng; về cơ sở giáo dục đào tạo; về mật độ đường giao thông; về tỷ lệ nước thải sinh hoạt được xử lý; về mô hình khu chức năng, khu đô thị mới xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh).

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong dự thảo Báo cáo, dự thảo Kết luận và đặc biệt là ý kiến của các đồng chí đã phát biểu về quan điểm, về mục tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến năm 2030 là rất rõ; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của tỉnh và Thành ủy Mỹ Tho cần nghiên cứu, bổ sung vào chương trình, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện ở cấp mình, ngành mình, địa phương mình sao cho có hiệu quả. Tại hội nghị này, tôi chỉ lưu ý thêm mấy việc:

Trước hết: Phải coi trọng việc nâng cao chất lượng đô thị hóa; phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; chỉnh trang đô thị, ngầm hóa hệ thống lưới điện, cáp viễn thông; nâng cấp các khu nhà ở chật hẹp, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp. Những việc làm này nhằm để đảm bảo an toàn về giao thông, an toàn về điện, bảo đảm cuộc sống của người nghèo và vẻ mỹ quan của đô thị, thành phố cần chủ động, phối hợp với các sở, ngành của tỉnh sớm xây dựng kế hoạch, phương án để thực hiện. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đảm bảo thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chung về xây dựng, quy hoạch phân khu, quy hoạch sử dụng đất của thành phố đến năm 2030; trong đó, cần phải cụ thể hóa quy hoạch bằng kế hoạch 5 năm và hằng năm để lập danh mục dự án ưu tiên đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công và nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác.

Để TP. Mỹ Tho phát triển nhanh và bền vững, yêu cầu hết sức quan trọng được đặt ra là: (1) Phải đảm bảo phát triển hài hòa giữa con người với công nghệ - kỹ thuật, lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển. (2) Đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, giữa mục tiêu phát triển và môi trường tự nhiên. (3) Đảm bảo an ninh, trật tự và ổn định xã hội, phát triển cân đối giữa đô thị và nông thôn. (4) Thúc đẩy phát triển đô thị trong sự kiểm soát, tháo gỡ điểm nghẽn trong hạ tầng kết nối giữa các vùng của tỉnh và hạ tầng ngay tại đô thị. (5) Xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao cho thành phố, đây là gốc của vấn đề về công tác cán bộ.

Thứ hai: Phát huy hơn nữa nội lực của thành phố và tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh, kết nối với nguồn lực thu hút đầu tư, tạo sự tăng trưởng lan tỏa nhanh, mạnh mẽ (nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng). Tập trung nguồn lực nhà nước cho các công trình hạ tầng thiết yếu, đặc biệt là hạ tầng giao thông, xem đây là mũi đột phá, ưu tiên hàng đầu nhằm mở rộng không gian phát triển; trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông kết nối giữa khu vực nội ô với các phân khu chức năng, kết nối giữa TP. Mỹ Tho với vùng phía Tây, vùng phía Đông của tỉnh và kết nối với TP. Hồ Chí Minh (như đầu tư các tuyến đường vành đai 1, vành đai 2 và vành đai 3; đường Hùng Vương nối dài đến ngã tư Lương Phú; trục động lực Tiền Giang - Long An - TP. Hồ Chí Minh; đường huyện 35 nối kết từ huyện Cái Bè - Cai Lậy - Châu Thành - Mỹ Tho; các tuyến đường mới trong nội thị, đường ven sông Tiền).

Thứ ba: Phát huy hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố; chú trọng việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Phải có quyết tâm cao hơn trong thực hiện phương án di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với quy hoạch; chuyển các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện, gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội ô thành phố và ra khỏi khu dân cư.

Thứ tư: Ưu tiên nguồn lực và các giải pháp để hoàn thiện các tiêu chuẩn của đô thị loại I; xây dựng Đề án nâng 6 xã thành phường để nâng tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 ít nhất là 75%, gắn với việc sắp xếp hợp lý các đơn vị hành chính cấp xã theo Kết luận 48 ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị và Công văn 2330 ngày 14-7-2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Triển khai thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng TP. Mỹ Tho trở thành đô thị thông minh kết hợp với các yêu cầu về chuyển đổi số, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các sở, ngành tỉnh với TP. Mỹ Tho trong quá trình thực hiện Đề án; hình thành hệ thống dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu về dân cư, về đất đai, về quy hoạch.

Thứ năm: Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và du lịch; hoàn thiện hệ thống mạng lưới trường, lớp, đảm bảo đủ diện tích, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học đồng bộ; tăng cường cơ sở vật chất và nguồn nhân lực y tế; khai thác tối đa tiềm năng du lịch sông nước gắn với các di tích lịch sử - văn hóa, các làng nghề truyền thống (như nâng cao chất lượng du lịch Thới Sơn, mở mới tuyến du lịch rạch Bà Ngọt, rạch Gò Cát, phát triển du lịch trên đoạn sông Bảo Định theo mô hình các tuyến du thuyền trên song, xúc tiến lập đề án tổ chức Phố đi bộ tại Công viên Tết Mậu Thân…); tập trung các giải pháp hỗ trợ thoát nghèo để đến năm 2030 tỷ lệ hộ nghèo còn không quá 0,55%.

Một góc TP. Mỹ Tho. Ảnh: MINH THÀNH

Một góc TP. Mỹ Tho. Ảnh: MINH THÀNH

Thứ sáu: Tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, tạo sự bình yên, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp. Mặt khác, phải nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh, phòng, chống tội phạm, xử lý kiên quyết, triệt để các hành vi chống đối, xem thường pháp luật, các băng, nhóm hành xử côn đồ theo kiểu xã hội đen, tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao và các tệ nạn xã hội.

Chú trọng hơn nữa việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục các đối tượng có nguy cơ phạm tội ngay tại địa bàn các phường, xã, ngay ở ấp, khu phố; phát huy mạnh mẽ vai trò của Công an phường, xã, đội dân phòng, bảo vệ dân phố và tổ chức quần chúng trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, để kịp thời đấu tranh, làm thất bại các hoạt động phá hoại, gây rối của các thế lực thù địch và các loại tội phạm (điển hình là vụ việc gây mất an ninh, trật tự xảy ra vào ngày 10-6-2018; vụ án “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra ở phường 6 vào năm 2020; vụ án “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng”, “tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng” xảy ra tại quán Karaoke XO, xã Đạo Thạnh vào năm 2021; vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại phường 5 và vụ án “Gây rối trật tự công cộng” xảy ra trước trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh vào năm 2022. Vụ việc đối tượng Trần Hoàng Huấn, phường 1 tham gia tổ chức “Cộng đồng Việt Tân online” đăng tải, chia sẻ các bài viết, hình ảnh có nội dung chống Đảng, Nhà nước vào năm 2021; vụ việc đối tượng Khả Quốc Vinh, phường 7 có hành vi làm, tàng trữ, phát tán cờ của chế độ cũ vào năm 2022. Đây là những vụ việc, vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, các đối tượng rất manh động, xem thường luật pháp).

Thứ bảy: Phát huy mạnh mẽ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, các phong trào hoạt động của mặt trận và các đoàn thể phải mang tính thiết thực, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn dân cư. Phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị tư tưởng, về đạo đức, về tổ chức và cán bộ, xem đây là nhiệm vụ then chốt, quyết định cho sự phát triển (Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy phải nắm chắc và thực hiện nghiêm Quy chế làm việc, đề cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, sự chia sẻ trong giải quyết công việc theo chương trình, kế hoạch và những vấn đề bức xúc, cấp bách mới phát sinh, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ trước mắt và lâu dài để thành phố có sự phát triển toàn diện); nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự đoàn kết, thống nhất về ý thức, về nhận thức và hành động; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, đặc biệt là TP. Mỹ Tho phải nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tính nêu gương của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết, của Kết luận đã đề ra, để TP. Mỹ Tho phát triển nhanh, bền vững, xứng tầm là đô thị hạt nhân của vùng Trung tâm, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cả hệ thống chính trị của tỉnh và các huyện, thị đã, đang và sẽ tập trung cho sự phát triển của TP. Mỹ Tho. Ở chiều ngược lại, TP. Mỹ Tho phải có trách nhiệm và nghĩa vụ cho sự phát triển của tỉnh và các huyện, thị. Đạo lý này không thể nói khác được, bởi TP. Mỹ Tho không chỉ là của riêng Mỹ Tho, mà TP. Mỹ Tho còn là của tỉnh Tiền Giang.

Hội nghị đến đây kết thúc, chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.

NGUYỄN VĂN DANH

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy,

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang

(*) Đầu đề do Báo Ấp Bắc đặt

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202307/thuc-hien-7-nhom-giai-phap-de-tp-my-tho-phat-trien-nhanh-va-ben-vung--985589/