Thực hiện cải cách hành chính tại Hà Nội: Quyết tâm nâng mức độ hài lòng

Thành phố Hà Nội đã hoàn thành và về đích sớm hầu hết các chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, góp phần quan trọng hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Trong năm 2021, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện nghiêm kỷ luật hành chính, nhân rộng mô hình tốt, đặt mục tiêu nâng mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%.

Thành phố Hà Nội đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Trong ảnh: Người dân làm thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Cầu Giấy. Ảnh: Nguyễn Quang

Hài lòng nhưng... chưa cao

Thời gian qua, việc cải thiện, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị đã được Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, nhiều thủ tục hành chính đã được rà soát, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết. Nhờ đó, trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), Hà Nội đứng vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy nhiên, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019 của Hà Nội chỉ đạt mức 80,09%, xếp 52/63 tỉnh, thành phố. Ở nội dung “Tiếp cận dịch vụ hành chính”, chỉ số hài lòng về tiếp cận dịch vụ đạt 83,14%, thấp hơn mức trung bình chung cả nước (87,17%); chỉ số hài lòng về nội dung “Công chức giải quyết thủ tục hành chính” chỉ đạt 78,38%, trong đó tiêu chí về thái độ phục vụ của công chức có chỉ số hài lòng thấp nhất.

Theo Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh, trên cơ sở kết quả phân tích thực trạng, thành phố đã chỉ đạo quyết liệt về từng nội dung cụ thể, để nâng cao sự hài lòng về sự phục vụ hành chính trên địa bàn. Đặc biệt, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, người dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, ngày 29-12-2020, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2021 của thành phố Hà Nội. Trong đó, thành phố đặt mục tiêu: Mức độ hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 85%; tối thiểu 99% số hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả giải quyết đúng hạn, trước hạn; 30% thủ tục hành chính mức độ 3, 4 được tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia…

Người dân tìm hiểu thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” quận Hoàng Mai. Ảnh: Đỗ Tâm

Siết kỷ cương, tăng tính chủ động

Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố yêu cầu, trong năm 2021, các sở, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã bố trí công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp ứng xử tốt làm việc tại bộ phận “một cửa”…; 100% các xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử để cung cấp đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính. Cùng với đó, thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường kiểm tra công vụ ở các lĩnh vực tư pháp, quản lý trật tự xây dựng, tài nguyên và môi trường; chú trọng kiểm tra đột xuất, tái kiểm tra việc khắc phục tồn tại được chỉ ra từ các đợt kiểm tra trước…

Mới đây nhất, ngày 18-3, UBND thành phố đã ban hành Văn bản số 784/UBND-KSTTHC gửi các sở, ban, ngành, địa phương yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, bảo đảm việc thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi, giảm chi phí, giảm tiếp xúc trực tiếp cho người dân, doanh nghiệp, bảo đảm tổ chức triển khai đạt mục tiêu Chính phủ giao. Nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị lên Cổng dịch vụ công quốc gia tăng thêm so với năm 2020 là 20%...

Triển khai kế hoạch của thành phố, nhiều đơn vị đã chủ động xây dựng, cải tiến mô hình cải cách hành chính nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Phó Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Đàm Xuân Quang cho biết, năm học 2020-2021, Sở đã xây dựng kế hoạch khảo sát sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công tại các trường tiểu học của 30 quận, huyện, thị xã. Kết quả khảo sát là cơ sở để cơ quan quản lý chỉ đạo khắc phục những tồn tại về chất lượng dịch vụ công do nhà trường cung cấp. Còn theo Phó Chánh Văn phòng HĐND và UBND quận Hà Đông Mai Thị Kim Hồng, đối với các hồ sơ kết quả giải quyết để xảy ra chậm muộn, quận và phường sẽ có thư xin lỗi người dân, doanh nghiệp.

Trong khi đó, tại huyện Chương Mỹ, trong tháng 3 này, huyện đã ban hành kế hoạch nhân rộng mô hình “Một cửa hiện đại, thân thiện, gần dân” (bỏ vách ngăn, thiết kế không gian cây xanh…) được thực hiện thành công tại UBND thị trấn Xuân Mai ra toàn huyện... Đáng chú ý, ngày 18-3, UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) đã chính thức khởi động mô hình “Ngày không chờ” tại bộ phận “một cửa” của phường. Theo đó, vào thứ năm hằng tuần, tổ chức, cá nhân đến làm thủ tục hành chính sẽ được cán bộ ở bộ phận “một cửa” hỗ trợ kê khai các biểu mẫu, hồ sơ theo quy định và được giải quyết nhanh nhất có thể. Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Quán Thánh chia sẻ: “Thực hiện “Ngày không chờ”, cán bộ, công chức phường sẽ nhiều việc và bận hơn. Song, chúng tôi cố gắng bảo đảm 100% thủ tục hành chính được giải quyết đúng và trước hẹn”.

Siết kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng tính chủ động trong triển khai kế hoạch, xây dựng những mô hình, cách làm sáng tạo tại từng cơ quan, đơn vị chính là nền tảng vững chắc để công tác cải cách hành chính của thành phố đạt hiệu quả hơn. Tất cả vì mục tiêu nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Hiền Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/994019/thuc-hien-cai-cach-hanh-chinh-tai-ha-noi-quyet-tam-nang-muc-do-hai-long