Saigon Co.op kích hoạt 'tấm khiên' an toàn thực phẩm

Saigon Co.op vận động các đối tác, các nhà cung cấp của hệ thống tham gia chương trình Tick xanh trách nhiệm

Là 1 trong 8 nhà phân phối lớn tiên phong ký kết thỏa thuận hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa, Saigon Co.op đang tích cực triển khai quy hoạch vùng nguyên liệu, vận động nhà cung cấp tham gia chương trình Tick xanh trách nhiệm… nhằm nâng việc kiểm soát an toàn thực phẩm kinh doanh tại hơn 800 điểm bán của hệ thống lên mức cao hơn nữa

Tại TP HCM, an toàn thực phẩm và bài toán bảo đảm mạng lưới cung ứng bền vững cho hơn 10 triệu dân thành phố luôn là nỗi lo của lãnh đạo UBND, các sở ngành cùng nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất/kinh doanh, phân phối.

Liên kết tạo vành đai an toàn thực phẩm

Tại hội thảo Sơ kết 6 tháng chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TP HCM do Sở Công Thương TP HCM tổ chức mới đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết đối với thị trường trong nước, nếu không có yêu cầu khắt khe thì việc chạy theo năng suất, vi phạm chất lượng là khó tránh khỏi. Một diện tích nhỏ nuôi trồng không chuẩn sẽ ảnh hưởng đến cả vùng trồng đã được quy hoạch công phu và trên thị trường, sản phẩm đạt chuẩn phải cạnh tranh với hàng kém chất lượng.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND TP HCM về chương trình hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP HCM với 6 vùng kinh tế, Sở Công Thương TP HCM đã xây dựng hoạt động kết nối cung - cầu, mở đường cho các hệ thống phân phối lớn tại TP tiếp cận vùng sản xuất chất lượng cao. Nỗ lực nối kết nông dân - chính quyền - DN đặt mục tiêu dần dần hình thành vành đai an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng.

Trong tháng 3-2024, thành phố triển khai chương trình Tick xanh trách nhiệm, đến nay đã có 8 nhà phân phối lớn là Saigon Co.op, SATRA Mart, AEON, MM Mega Market, Central Retail, Bách Hóa Xanh, King Food, Wincommerce cam kết bảo đảm chất lượng hàng hóa kinh doanh.

Saigon Co.op hỗ trợ ứng vốn sản xuất và bao tiêu cho 5 nhà cung cấp nông sản địa phương

Saigon Co.op hỗ trợ ứng vốn sản xuất và bao tiêu cho 5 nhà cung cấp nông sản địa phương

Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) - đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… là một trong những nhà phân phối đầu tiên và trách nhiệm nhất trong chương trình này. Đơn vị này triển khai nhiều hoạt động để không chỉ chủ động nâng cao hơn nữa việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản thực phẩm trong chuỗi cung ứng, mà còn sẵn sàng phối hợp với các hệ thống bán lẻ khác trong chương trình để cùng nhau "nói không" với thực phẩm không đạt chuẩn.

"Nếu phát hiện sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, chúng tôi sẽ lập tức ngưng lưu hành sản phẩm đó trong hệ thống và báo cáo đến Sở Công Thương TP HCM. Đồng thời, chúng tôi cũng thông tin đến các nhà phân phối khác để các đơn vị cùng kiểm tra, ngăn chặn sản phẩm gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Quá trình xử lý rất nhanh chóng, chậm nhất là trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện vấn đề" - Đại diện Saigon Co.op chia sẻ

Saigon Co.op cũng vận động các đối tác, các nhà cung cấp của hệ thống tham gia chương trình Tick xanh trách nhiệm.

Ngày 24-9 vừa qua, Saigon Co.op đã tổ chức lễ công bố Quy hoạch vùng nguyên liệu sản phẩm Saigon Co.op. Trong khuôn khổ hội nghị, Saigon Co.op đã ký kết với 17 nhà cung cấp vùng nguyên liệu giai đoạn 1, đến từ 6 tỉnh, thành gồm TP HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang. Ngoài ra, Saigon Co.op còn "bắt tay" với Hợp tác xã Dure Cosumer's Cooperative Union (Hàn Quốc). Trong giai đoạn 2 và 3 sắp tới, đơn vị này sẽ mở rộng quy hoạch ra khắp các tỉnh, thành còn lại trên cả nước.

Đại biểu HTX Dure (Hàn Quốc) tham quan khu vực trưng bày sản phẩm vùng nguyên liệu Saigon Co.op

Đại biểu HTX Dure (Hàn Quốc) tham quan khu vực trưng bày sản phẩm vùng nguyên liệu Saigon Co.op

Bảo đảm nguồn cung ứng chất lượng, ổn định

Nói rõ hơn về chương trình quy hoạch vùng nguyên liệu, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết từ chương trình này, Saigon Co.op cùng với các hộ nông dân, các hợp tác xã và nhà cung cấp nguyên liệu địa phương tạo ra mối quan hệ đối tác chặt chẽ thông qua việc chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản xuất và phát triển bền vững. Qua đó, người tiêu dùng Việt Nam có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm chất lượng với mức giá hợp lý.

Đây là một cam kết sâu giữa nhà bán lẻ với nhà cung cấp. Cụ thể, Saigon Co.op dựa trên điểm mạnh của từng địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu cho từng loại sản phẩm. Từ quy hoạch này sẽ chọn nhà cung cấp có thế mạnh ở địa phương bao gồm thế mạnh sản xuất, thu mua, am hiểu thị trường, am hiểu quy trình phân phối, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng Saigon Co.op đặt ra và tiêu chuẩn chung...

Saigon Co.op triển khai nhiều chương trình mang sản phẩm chất lượng đến khách hàng

Saigon Co.op triển khai nhiều chương trình mang sản phẩm chất lượng đến khách hàng

Theo ông Đức, các nhà cung cấp sẽ cam kết về nguồn hàng, các tiêu chuẩn chất lượng cho việc tiêu thụ trong kênh phân phối của Saigon Co.op ở trong nước lẫn thị trường xuất khẩu. Ở chiều ngược lại, Saigon Co.op sẽ tiến hành ứng vốn cho nhà cung cấp đầu tư sản xuất. Các tháng cuối năm 2024, khả năng Saigon Co.op thực hiện ứng vốn cho 90 nhà cung cấp, chủ yếu trong lĩnh vực nông sản, hàng hóa tiêu dùng thiết yếu để bảo đảm giá hàng hóa không bị biến động bất ngờ trong điều kiện tiêu dùng khó khăn trên cả nước.

"Chúng tôi không ngừng nỗ lực và cải thiện chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất đến khâu phân phối nhằm mang đến những sản phẩm không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn góp phần bảo vệ môi trường, quan trọng hơn là thúc đẩy phát triển bền vững các DN Việt Nam cũng như là nền kinh tế Việt Nam. Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng không chỉ mang đến cho người dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm giúp nhà sản xuất ổn định đầu ra. Hơn thế nữa, đây là yếu tố then chốt giúp cho việc nhà phân phối bảo đảm nguồn cung ứng ổn định" - ông Đức nhấn mạnh.

Xây dựng vùng nguyên liệu gắn với mã số vùng trồng mang đến cho người dùng sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo đảm an toàn; giúp nhà sản xuất ổn định đầu ra; là yếu tố then chốt cho nhà phân phối bảo đảm nguồn cung ứng bền vững.

Một trong những giải pháp kiểm soát chất lượng hàng hóa, theo đề xuất của Saigon Co.op là các sở ngành địa phương tăng cường quản lý chặt hơn nữa tại nguồn sản xuất, hỗ trợ nhà sản xuất giám sát đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi… thay vì tại nơi phân phối. Rất mong các sở ngành địa phương ngoài việc giám sát đơn vị sản xuất còn hỗ trợ nhà sản xuất giám sát cả những đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Qua đó, giúp hình thành chuỗi kiểm soát xuyên suốt trong chuỗi cung ứng từ cây/con giống, vật tư, nơi sản xuất đến nơi phân phối.

Minh Nhi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/saigon-coop-kich-hoat-tam-khien-an-toan-thuc-pham-196240929162635703.htm