Thực hiện Chỉ thị 23 của Thủ tướng Chính phủ: Tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại

Cải cách hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, là một trong những giải pháp đột phá góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước đến năm 2030 đó là: “Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước”.

Người dân tra cứu thông tin thủ tục hành chính ở huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Đình Hòa

Phải khẳng định rằng, công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước từ tỉnh đến các địa phương. Việc triển khai rà soát, đánh giá thủ tục hành chính được thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời sửa đổi và bãi bỏ những quy định, thủ tục hành chính không cần thiết. Đến nay, tất cả các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết trên địa bàn tỉnh đều được công bố. Mô hình thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông ngày càng hoàn thiện, phát huy hiệu quả, phục vụ ngày một tốt hơn nhu cầu của tổ chức và công dân. Toàn tỉnh có 19/19 sở, ban, ngành; 10/10 huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. 100% thủ tục hành chính được cấp có thẩm quyền công bố vào thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Việc áp dụng mô hình một cửa hiện đại đã nâng cao chất lượng giải quyết hồ sơ hành chính, hạn chế hồ sơ trễ hẹn và tồn đọng. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện xin lỗi tổ chức, cá nhân đối với các trường hợp giải quyết hồ sơ chậm trễ. Bên cạnh đó, tỉnh còn có những mô hình mới, cách làm hay như: Thực hiện ký cam kết, đưa nhiệm vụ cải cách hành chính vào chỉ tiêu đánh giá ở từng địa phương; hỏi đáp giải quyết thủ tục hành chính; đối thoại với doanh nghiệp, công dân tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính…

Thực hiện Chỉ thị số 23 ngày 2/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, UBND tỉnh cho biết sẽ tiếp tục xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, phấn đấu trở thành địa chỉ có sức thu hút mạnh các nhà đầu tư lớn, có năng lực, đưa tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững. Đồng thời, phấn đấu hàng năm cải thiện điểm số, thứ hạng Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI của tỉnh, đến năm 2025, chỉ số PAR Index nằm trong tốp 20 tỉnh, thành theo xếp hạng của Trung ương, Chỉ số PAPI, Chỉ số SIPAS nằm trong tốp 30 tỉnh, thành theo xếp hạng của Trung ương. Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể thực hiện cải cách hành chính nhà nước tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025 được triển khai thực hiện toàn diện trên 6 nội dung đó là: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số. Về cải cách thể chế, tỉnh xác định hàng năm, có 100% văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh được ban hành đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Xử lý hoặc kiến nghị xử lý dứt điểm 100% các văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ban hành trái pháp luật phát hiện qua kết quả rà soát, thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền. Về cải cách thủ tục hành chính, hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không theo địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đến năm 2023, 100% các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành đầu tư, đưa vào sử dụng Bộ phận một cửa cấp xã theo hướng hiện đại theo đề án được UBND tỉnh phê duyệt. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ đạt tối thiểu 50%, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 90%, trong đó, mức độ hài lòng về giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai, xây dựng, đầu tư đạt tối thiểu 85%... Về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, giảm tối thiểu bình quân cả tỉnh 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 90%, mức độ hài lòng của người dân về cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục công lập đạt tối thiểu 85%...

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/thuc-hien-chi-thi-23-cua-thu-tuong-chinh-phu-tiep-tuc-xay-dung-nen-hanh-chinh-dan-chu-chuyen-nghiep-hien-dai-99772.html