Thực hiện Chỉ thị số 37 của Ban Bí thư: Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 6/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao (Chỉ thị số 37), công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số về đào tạo lao động trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh luôn đạt thứ hạng cao; nguồn nhân lực có tay nghề cao ngày càng được khẳng định trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Tiết học thực hành nghề tại Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô (thành phố Tam Điệp). Ảnh: Minh Quang

Tiết học thực hành nghề tại Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô (thành phố Tam Điệp). Ảnh: Minh Quang

Hoàn thiện cơ chế, chính sách đào tạo nhân lực tay nghề cao

Nổi bật trong việc thực hiện Chỉ thị số 37, là tỉnh ta đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân sử dụng lao động, doanh nghiệp có năng lực tham gia vào hoạt động GDNN, nhất là hoạt động đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Nổi bật như Quyết định số 04/2015/QĐ-UBND ngày 6/3/2015 của UBND tỉnh Quy định chính sách ưu đãi về sử dụng đất đối với các hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, giám định tư pháp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Qua đó, đã tăng cường hợp tác giữa cơ sở GDNN và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động trong đào tạo và sử dụng lao động kỹ thuật, tay nghề cao. Đến nay, tỉnh ta đã cấp chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN cho 9 cơ sở GDNN tư thục với tổng số 53 nghề, trong đó có 15 nghề trình độ trung cấp, 38 nghề sơ cấp và đào tạo thường xuyên.

Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/ TU, ngày 28/12/2016 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Năm 2017, căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, ngân sách tỉnh hỗ trợ đào tạo dài hạn cho con em người Ninh Bình là 6 triệu đồng/học sinh, sinh viên/năm theo Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 6/7/2017 của HĐND tỉnh về việc Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo nghề trình độ trung cấp, cao đẳng tỉnh Ninh Bình đến năm 2020. Trong đó, tập trung đào tạo các ngành nghề có thế mạnh của tỉnh, các nhóm ngành nghề đang phát triển, có nhu cầu nhân lực lớn, phục vụ sự phát triển công nghiệp như: sản xuất, lắp ráp ô tô; điện tử; các nhóm ngành nghề khách sạn, du lịch, thể thao… phục vụ nhu cầu nhân lực của các ngành kinh tế chủ lực trên địa bàn tỉnh.

Mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh được củng cố, từng bước được đầu tư xây dựng và phát triển. Đến ngày 30/5/2024, trên địa bàn tỉnh có 27 cơ sở GDNN, trong đó có 19 cơ sở công lập và 8 cơ sở tư thục. Tỉnh ta có 23 nghề trọng điểm được phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-LĐTBXH ngày 25/11/2019 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phê duyệt ngành, nghề trọng điểm, trường được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025; gồm 6 nghề cấp độ quốc tế, 7 nghề cấp độ khu vực ASEAN và 10 nghề cấp độ qu ốc gia. Trong đó, có 6 trường được lựa chọn đầu tư ngành nghề trọng điểm là Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô, Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình, Trường Cao đẳng nghề Lilama 1, Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình, Trường Trung cấp Kỹ thuật-Du lịch Công đoàn Ninh Bình, Trường Trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật và Du lịch Ninh Bình.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Xây dựng Việt Xô cho biết: Các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh đã góp phần hỗ trợ, khuyến khích, thu hút ngày càng nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia học nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh. Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37, nhà trường đã đào tạo 12.570 HSSV, trong đó, có trên 5.500 HSSV của tỉnh Ninh Bình. Nhà trường cũng đã đào tạo gần 8 nghìn HSSV cho các nghề trọng điểm, trong đó có trên 4 nghìn HSSV của Ninh Bình. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các doanh nghiệp tham gia hợp tác với nhà trường và thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo trên cơ sở hệ thống định mức kinh tế-kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng các cấp độ.

Đáp ứng nhu cầu chất lượng lao động

Giai đoạn 2014-2023, toàn tỉnh tuyển sinh và đào tạo mới các trình độ GDNN cho trên 172 nghìn người, riêng năm 2024 dự kiến đào tạo nghề cho 17.500 người; trong đó: trình độ Cao đẳng, trung cấp là 5.500 người, sơ cấp và thường xuyên là 12.000 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng đều mỗi năm, cụ thể: Năm 2015 đạt 54%, năm 2020 là 65%, năm 2022 đạt 68%, năm 2023 đạt 69,5%, dự kiến năm 2024 đạt 71%; trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ dự kiến năm 2024 đạt 35,3%; phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra (đến hết năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36%).

Không chỉ tận dụng lực đẩy từ chính sách để làm tốt công tác tuyển sinh, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh còn chủ động nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, các nhà trường đã xây dựng, phát triển chương trình đào tạo theo các trình độ; tích cực đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất đạo đức, tác phong làm việc chuyên nghiệp và năng lực của người học; tích hợp kiến thức, kỹ năng, nhất là kỹ năng thực hành và làm việc theo nhóm; đồng thời phát huy tính tích cực, chủ động, khả năng sáng tạo của người học vào thực hành nghề nghiệp tại nhà trường và các doanh nghiệp.

Ông Dương Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ giới Ninh Bình chia sẻ: Nhà trường tập trung đẩy mạnh việc "Đào tạo gắn kết với doanh nghiệp", phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong việc đưa HSSV đến trải nghiệm và thực tập tốt nghiệp. Được tiếp xúc và làm việc trong môi trường thực tế tại các doanh nghiệp giúp các em hoàn thiện kỹ năng nghề, ý thức, tác phong làm việc công nghiệp. Ngoài các chương trình đào tạo được xây dựng theo quy định, Nhà trường đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp, xây dựng các mô đun nâng cao để đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề cho người lao động của các doanh nghiệp.

Một số cơ sở GDNN đã chủ động lựa chọn, áp dụng chương trình, tiêu chuẩn và công nghệ đào tạo tiên tiến, chất lượng cao của khu vực và quốc tế vào hoạt động giảng dạy nhằm đào tạo nhân lực có tay nghề cao phù hợp với điều kiện của đơn vị. Nhiều chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo quốc tế được các cơ sở GDNN chuyển thể song ngữ Anh-Việt để tham khảo, có trường đã thực hiện hiệu quả giáo trình đào tạo trong khuôn khổ Dự án hợp tác về đào tạo nghề của Cộng hòa Liên bang Đức áp dụng phù hợp vào Việt Nam.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tuyến, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Việc đổi mới phương thức đánh giá, xây dựng và ban hành các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo nhân lực có tay nghề cao được các cơ sở GDNN thực hiện theo quy định. Công tác đánh giá từ kiểm tra lý thuyết sang kiểm tra kỹ năng nghề nghiệp của người học dựa trên các tiêu chí đã được các nhà trường xây dựng và ban hành nhằm đáp ứng chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo… Qua đó đã đánh giá chính xác và toàn diện hơn về chất lượng cũng như tay nghề của người học, giúp người học thể hiện năng lực ngành, nghề và hệ thống hóa tổng thể kiến thức của người học trong suốt quá trình đào tạo. Tỷ lệ HSSV có việc làm (tại doanh nghiệp) sau tốt nghiệp hàng năm đều đạt trên 80%. Chỉ số về đào tạo lao động trong Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh Ninh Bình luôn đạt thứ hạng cao.

Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-hien-chi-thi-so-37-cua-ban-bi-thu-tao-nguon-nhan-luc/d2024080708123733.htm