Thực hiện chiến lược phát triển năng lượng

Thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Sơn La đã thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, phát triển các nguồn năng lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng trên địa bàn, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thực hiện tốt khâu quy hoạch

Quy hoạch tỉnh Sơn La đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 25/12/2023, trong đó quy hoạch các nguồn năng lượng và phương án phát triển mạng lưới cấp điện tỉnh Sơn La đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nhà máy thủy điện Sơn La.

Nhà máy thủy điện Sơn La.

Theo đó,tỉnh quy hoạch 107 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất khoảng 1.200 MW. Đề xuất với Bộ Công Thương đưa vào kế hoạch thực hiện điện VIII, đến năm 2030, tỉnh Sơn La phát triển thêm khoảng 610 MW thủy điện nhỏ, 2.758 MW điện gió, 5.428 MW điện mặt trời, 41 MW điện sinh khối và 7 MW điện rác.

Trên cơ sở quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia, quy hoạch tỉnh Sơn La được cấp thẩm quyền phê duyệt, việc triển khai thực hiện phát triển năng lượng trên địa bàn tỉnh đảm bảo tuân thủ theo quy hoạch.

Ông Đoàn Văn Châu, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngay từ bước lập quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ đã được đánh giá, nhận diện kỹ các tác động ảnh hưởng tới môi trường và nhân dân vùng dự án trước khi xem xét đưa vào quy hoạch. Sở đã nghiên cứu hồ sơ đề xuất của doanh nghiệp, gửi văn bản xin ý kiến các sở, ngành, UBND cấp huyện, đồng thời đi thực địa để đánh giá sơ bộ về thủy năng và vị trí dự kiến công trình, các tác động đến môi trường, rừng tự nhiên, an ninh quốc phòng, khả năng đấu nối giải tỏa công suất… Và chỉ tham mưu trình UBND tỉnh xem xét trình cấp có thẩm quyền đối với các thủy điện đáp ứng các yêu cầu, có sự đồng thuận của địa phương.

Thu hút đầu tư các dự án

Các dự án năng lượng sau khi được phê duyệt quy hoạch đã được công bố công khai để thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện. Tỉnh khuyến khích các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn. Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tạo điều kiện, hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các dự án năng lượng. Việc phát triển thủy điện nhỏ đảm bảo hiệu quả, an toàn; giải quyết yêu cầu giữa phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển sản xuất, ổn định đời sống, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đến tháng 4/2025, tỉnh Sơn La đã cấp chủ trương đầu tư cho 70 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 843,8 MW, trong đó: 57 công trình đã hoàn thành (công suất 670,3 MW); 65 công trình đang triển khai xây dựng (công suất 103 MW); 7 công trình chuẩn bị đầu tư (Công suất 70,5 MW).

Hiện tại, tỉnh Sơn La đang chờ hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương để tiếp tục thẩm định cấp chủ trương đầu tư cho 6 dự án thủy điện nhỏ tổng công suất 44 MW, tổng mức đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng và 5 dự án điện gió tổng công suất 400 MW, tổng mức đầu tư khoảng 18.000 tỷ đồng.

Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở: Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, UBND các huyện thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật các công trình thủy điện đảm bảo phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, phù hợp với quyết định chủ trương đầu tư, đảm bảo môi trường, phù hợp với các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế hiện hànhvà phù hợp với tình hình thực tiễn tại thời điểm triển khai dự án. Hằng năm, Sở Công Thương xây dựng kế hoạch kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình đối với các công trình xây dựng thủy điện nhỏ, kịp thời hướng dẫn, nhắc nhở và xử lý vi phạm theo quy định.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến, cho biết: Nhà máy thủy điện Nậm Chiến được đầu tư xây dựng 7.700 tỷ đồng, tổng công suất 200 MW, sản lượng điện thiết kế 813 triệu kWh/năm tại địa bàn huyện Mường La. Quá trình đầu tư xây dựng và vận hành nhà máy thủy điện được các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo an toàn, hiệu quả phát điện.

Kỹ sư Nhà máy thủy điện Nậm Chiến trực vận hành sản xuất điện.

Kỹ sư Nhà máy thủy điện Nậm Chiến trực vận hành sản xuất điện.

Đảm bảo an ninh năng lượng

Hiện nay, tỉnh Sơn La có hạ tầng điện phong phú, đa dạng đã đảm bảo việc cung cấp điện đáp ứng nhu cầu sử dụng điện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Sơn La có 60 nhà máy thủy điện công suất 3.794 MW, 1 nhà máy điện sinh khối 9 MW, điện mặt trời áp mái 60 MWp, đạt 63,2% kế hoạch phát triển nguồn điện đến năm 2030.

Hằng năm, sản lượng điện sản xuất của tỉnh từ 12-15 tỷ kWh, chiếm 5-6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn quốc. Điện năng tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 6,2% lượng điện sản xuất ra. Tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo hiện có đạt 100%. Hệ thống lưới điện được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp cải tạo, đảm bảo khả năng truyền tải hết công suất các nguồn điện đã được đưa vào kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII. 100% các khách hàng quan trọng được sử dụng từ 2 nguồn, có khách hàng đặc biệt quan trọng được cấp điện từ 3 nguồn điện.

Nhà máy thủy điện Pá Chiến, xã Chiềng San, Mường La.

Nhà máy thủy điện Pá Chiến, xã Chiềng San, Mường La.

Bên cạnh phát triển điện năng, tỉnh còn quan tâm quản lý, khai thác hiệu quả năng lượng than. Tổng số mỏ than trên địa bàn tỉnh đã được phát hiện, tìm kiếm, thăm dò là 16 mỏ (1 mỏ than bùn và 15 mỏ than mỡ, than cám) với tổng trữ lượng 3,9 triệu tấn. Trong đó, 12/16 mỏ than được quy hoạch thăm dò, khai thác; 3/16 mỏ mới được phát hiện, chưa được điều tra, đánh giá. Trong 12 mỏ than được quy hoạch đã có 2/12 mỏ đã được cấp phép khai thác với trữ lượng đã cấp phép 2,7/3,97 triệu tấn, công suất khai thác khoảng 150.000 tấn/năm.

Về hệ thống dự trữ, cung ứng nhiên liệu, trên địa bàn tỉnh có 185 cửa hàng xăng dầu, trong có 179 cửa hàng đang hoạt động kinh doanh. Tại khu vực đô thị, các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh phát triển các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cơ bản đảm bảo đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và phục vụ phát triển kinh tế.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Sơn La hiện có hệ thống 44 cửa hàng xăng dầu, gas và kinh doanh tổng hợp và 40 cửa hàng thuộc các thương nhân nhượng quyền thương mại trên khắp 12 huyện, thành phố của tỉnh Sơn La, chiếm hơn 55% thị phần tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn.

Ông Phạm Bá Tiến, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Sơn La, cho biết: Định hướng phát triển từ năm 2025 đến năm 2030, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Sơn La là doanh nghiệp giữ vị trí chủ đạo trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sơn La, đảm bảo hoàn thành tốt vai trò điều tiết cung ứng nguồn xăng dầu, gas và các sản phẩm hóa dầu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, phục vụ sản xuất và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đặc biệt là đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn tỉnh.

Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Sơn La phục vụ khách hàng.

Nhân viên Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Sơn La phục vụ khách hàng.

Bám sát các mục tiêu theo lộ trình trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, tỉnh Sơn La tiếp tụcthực hiện tốt công tác quản lý quy hoạch, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng hạ tầng năng lượng đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu truyền tải, phân phối và sử dụng năng lượng, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của nhân dân.

Phạm Đức

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/kinh-te/thuc-hien-chien-luoc-phat-trien-nang-luong-Xc9XHAbHR.html