Thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương: Tạo động lực phát triển từ công tác cán bộ (Kỳ 2)

Kỳ 2: Hiệu quả từ thực tiễn

Từ việc triển khai chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương đã mang đến luồng gió mới, góp phần thay đổi và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Đồng thời qua đây cũng tạo môi trường rèn luyện giúp cán bộ trưởng thành, tích lũy nhiều kinh nghiệm công tác.

Qua tìm hiểu thực tế, nhiều bí thư cấp ủy đã phát huy được năng lực, sở trường, cống hiến, khẳng định được dấu ấn cá nhân trong đóng góp vào sự phát triển của địa bàn công tác..

Đồng chí Hoàng Văn Trung (thứ 2 từ phải sang), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu khảo sát thực tiễn công trình mở rộng trụ sở xã

Đồng chí Hoàng Văn Trung (thứ 2 từ phải sang), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Hữu khảo sát thực tiễn công trình mở rộng trụ sở xã

Những “đầu tàu” thúc đẩy sự phát triển

Tháng 8/2021, đồng chí Trần Thanh Nhàn (quê quán huyện Nhân Lý, tỉnh Hà Nam), từ vị trí Chánh Văn phòng Tỉnh ủy được Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy luân chuyển, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, BTV Huyện ủy và giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Chi Lăng nhiệm kỳ 2020 – 2025. Tiếp tục phát huy những đổi mới, sáng tạo trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế – xã hội đã được đồng chí bí thư tiền nhiệm cùng tập thể Ban Chấp hành, BTV Huyện ủy xây dựng, đồng chí Nhàn và tập thể cán bộ, lãnh đạo huyện đã thống nhất triển khai thêm những cách làm mới, góp phần quan trọng vào việc củng cố nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức cơ sở đảng trên địa bàn như: tổ chức hội thi bí thư chi bộ giỏi chuyên đề sinh hoạt chi bộ đến tất cả các đảng bộ xã, thị trấn trên địa bàn; thành lập tổ thẩm định để tham mưu BTV Huyện ủy đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và gợi ý, định hướng các đảng ủy cấp xã xây dựng các nhiệm vụ trọng tâm sát thực tiễn… Nhờ đó, công tác xây dựng đảng của huyện luôn đạt kết quả tích cực, tình hình kinh tế – xã hội phát triển ổn định, hai năm qua Đảng bộ huyện được xếp loại hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trong công tác xây dựng đảng nhiệm kỳ này, BTV Huyện ủy Chi Lăng cũng chú trọng luân chuyển, điều động cán bộ, bám sát chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Theo lời giới thiệu của Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phan Thị Phương, tháng 10/2023, chúng tôi đã đến xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng để tìm hiểu những đổi thay tích cực đang diễn ra sau khi có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND mới là đồng chí Hoàng Văn Trung (nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bằng Mạc).

Là người từ Bằng Mạc sang công tác (từ tháng 4/2022), ngay từ những ngày đầu đến công tác đồng chí Trung đã chỉ đạo rà soát quy chế làm việc, rà soát các nhiệm vụ khó, đang tồn tại của xã và chủ động về các chi bộ, thôn để tìm hiểu thực tiễn, nắm bắt tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của các đảng viên, người dân. Chị Nông Thị Thùy, thôn Cao Minh, xã Bằng Hữu phấn khởi: Điểm khác biệt rõ rệt chúng tôi cảm nhận được đó là sự sâu sát địa bàn. Từ khi đến xã nhận công tác, đồng chí Trung thường xuyên đi khảo sát thực tiễn, kể cả ngày nghỉ đồng chí cũng đến thôn trò chuyện với người dân, người uy tín tại các thôn để hiểu hơn về địa bàn xã. Do đó, tuyến đường nào còn khó khăn, hộ nào còn gặp vướng mắc, trên địa bàn phát sinh, tồn tại vấn đề gì đồng chí đều nắm được và nghiên cứu, từng bước giải quyết.

Đặc biệt, nếu trước đây mỗi năm cấp ủy, chính quyền xã tổ chức được 1 – 2 cuộc đối thoại thì trong hơn một năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã đã tổ chức được 10 cuộc đối thoại để giải quyết các vấn đề về đất đai, làm đường, hỗ trợ vay vốn sản xuất với người dân. Bên cạnh đó, xã đã bê tông hóa được thêm gần 8 km đường, xã hội hóa xây dựng được một cầu dân sinh, trụ sở xã đang tiếp tục được mở rộng, xã phấn đấu năm 2024 đạt chuẩn nông thôn mới.

Rời Chi Lăng, chúng tôi đến công tác tại với một xã biên giới huyện Tràng Định – xã Quốc Khánh. Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với đồng chí Lê Văn Vỹ, Bí thư Đảng ủy xã. Nhớ lại thời điểm tháng 4/2020 khi vừa chuyển công tác từ xã Tri Phương đến xã Quốc Khánh, đồng chí Lê Văn Vỹ, Bí thư Đảng ủy chia sẻ: Trước đó, nội bộ xã xảy ra một số mâu thuẫn do một số cán bộ chủ chốt xã chưa chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tác phong lề lối làm việc của cán bộ chưa chuẩn chỉnh, còn xảy ra tình trạng tổ chức ăn uống, hội hè, việc sử dụng một số nguồn vốn còn bất hợp lý, dẫn đến làm mất lòng tin của nhiều người dân. Sau khi nắm được những vấn đề tồn tại, tôi cùng tập thể đã từng bước gỡ “nút thắt” để giải quyết vấn đề. Trước hết đó là chỉ đạo rà soát quy chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, tác phong lề lối làm việc của cán bộ, công chức, quan tâm đến việc chỉnh trang công sở, nơi làm việc của cán bộ công chức, thực hiện việc phân bổ các nguồn vốn chặt chẽ, đúng quy định. Nếu cán bộ, công chức nào không hoàn thành nhiệm vụ sẽ đưa ra cuộc họp kiểm điểm, xếp loại lao động. Để nắm rõ hơn đặc điểm địa bàn, tôi cũng đã đến thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo, người uy tín trên địa bàn xã và chủ động đến sinh hoạt tại các chi bộ thôn để ghi nhận thực tiễn, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

Hơn 3 năm qua, đồng chí Vỹ cùng cán bộ, công chức xã xây dựng tập thể đoàn kết, chung sức thực hiện tốt các nhiệm được giao. Với kinh nghiệm chỉ đạo trong xây dựng nông thôn mới ở xã Tri Phương (đạt chuẩn năm 2016), đồng chí đã có sự phân công đúng việc đúng người, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sức dân, sự hỗ trợ các doanh nghiệp để hoàn thành 19/19 tiêu chí, đưa Quốc Khánh đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021 và tiếp tục duy trì các tiêu chí đến nay.

Không chỉ mang đến những luồng gió mới cho cơ sở, qua việc thực hiện chủ trương này cũng là giải pháp để rèn luyện cán bộ, giúp cán bộ trưởng thành từ thực tiễn.

Tạo môi trường rèn luyện, phát huy năng lực cán bộ

Còn nhớ, năm 2017, trong một lần chúng tôi ghé thăm trụ sở xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng công tác, nhưng khi đến nơi, lúc gần 11 giờ trưa, trụ sở vắng tanh, hỏi một số người dân gần xã mới biết hôm đó gia đình một đồng chí công chức xã có đám cỗ nên cán bộ, công chức xã đã về sớm dù chưa hết giờ làm. Nhưng đó đã là việc của 6 năm trước còn trong những năm gần đây, việc chấp hành các quy định, kỷ cương, kỷ luật hành chính được cán bộ, công chức xã thực hiện nghiêm túc. Cùng với những đổi thay tác phong, lề lối làm việc, hiện diện mạo xã nông thôn Hòa Sơn cũng có nhiều khởi sắc, trên địa bàn xã đang dần hình thành một số mô hình sản xuất như nuôi ong lấy mật, trồng thanh long, chăn nuôi gia súc bán chăn thả, hiện cơ bản các tuyến đường thôn đã được bê tông hóa, khang trang, sạch sẽ… Những kết quả đó ghi nhận đóng góp quan trọng của đồng chí Lý Hoàng Long, Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy được Ban Thường vụ Huyện ủy được điều động, luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã từ năm 2020. Được biết, sau 3 năm công tác tại Hòa Sơn, mới đây, từ ngày 15/11, đồng chí Long đã được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ Chánh Văn phòng Huyện ủy.

Chia sẻ về khoảng thời gian công tác tại Hòa Sơn, đồng chí Long cho rằng đây là quãng thời gian có ý nghĩa quan trọng, giúp bản thân học hỏi, tích lũy được thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Khi về xã làm Bí thư Đảng ủy, bản thân mình phải học hỏi, bao quát tất cả các lĩnh vực bao gồm cả công tác xây dựng Đảng, kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng. Cũng theo đồng chí, khi đến công tác tại địa bàn mới, nơi mình không có mối quan hệ thân thiết, họ hàng, cán bộ, đảng viên, người dân ở đây luôn dõi theo mình do đó bản thân mình cần phải giữ gìn, nỗ lực khẳng định, làm việc một cách công tâm, hiệu quả.

Thực tế, việc đánh giá kết quả thực tiễn công tác của các đồng chí bí thư cấp ủy là một trong những cơ sở để các cấp cấp ủy cấp trên tiếp tục xem xét, bố trí cán bộ. Đồng chí Nguyễn Quốc Khánh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết: Qua thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương, nhiều địa bàn đã khắc phục được một số hạn chế tồn tại, tiếp tục xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết, phát huy tiềm năng, thế mạnh, vươn lên trong phát triển kinh tế – xã hội. Việc thực hiện chủ trương này cũng đã tạo môi trường để rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, thử thách cán bộ, giúp các đồng chí tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh công tác, trưởng thành toàn diện, khẳng định được trình độ và tạo dựng được uy tín. Nhiều đồng chí đã phát huy năng lực, sở trường, kịp thời nắm bắt tình hình, khắc phục khó khăn, tiếp cận nhanh công việc, cùng tập thể cơ quan, đơn vị, địa phương mang lại nhiều đổi thay tích cực tại địa bàn công tác, nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Sau luân chuyển, không ít đồng chí đã được bổ nhiệm ở chức vụ cao hơn, đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Việc triển khai chủ trương đúng đắn trong công tác cán bộ đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, củng cố hệ thống Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Như sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, mỗi năm, Đảng bộ tỉnh kết nạp được trên 2.100 đảng viên, vượt khoảng 9% so với chỉ tiêu đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) giai đoạn 2021 – 2022 đạt 6,95%, cao hơn 1,5% so với bình quân giai đoạn 2015 – 2020; thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2021 – 2022 đạt 49,26 triệu đồng, cao hơn 29,3% so với giai đoạn 2015 – 2020. Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trong cả nước triển khai thành công cửa khẩu số, ứng dụng “Công dân số Xứ Lạng” trên quy mô toàn tỉnh; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 xếp thứ 15/63, tăng 34 bậc so với năm 2020… Những kết quả nổi bật trên là nền tảng vững chắc, là động lực to lớn, cơ sở quan trọng tạo đà cho việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Thời gian tới, các cấp ủy tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy không phải người địa phương. Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 116-NQ/TU và Đề án 08-ĐA/TU ngày 4/7/2023 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý nhất là người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu của nghị quyết và đề án phấn đấu đến năm 2025 bố trí 100% bí thư, chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương. Song song đó, các huyện ủy, thành ủy cũng tập trung đẩy mạnh thực hiện chủ trương này đối với các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Từ đó, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong công tác cán bộ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà nhanh và bền vững.

Xem Kỳ 1

PHƯƠNG DUNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/chinh-tri/634300-thuc-hien-chu-truong-bi-thu-cap-uy-khong-phai-nguoi-dia-phuong-tao-dong-luc-phat-trien-tu-cong-tac-can-bo-ky-2.html