Thực hiện chuyển đổi số ở xã nông thôn mới nâng cao

Xác định chuyển đổi số có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, xã Khánh Nhạc (Yên Khánh) đang bước vào thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" xã Khánh Nhạc.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "Một cửa" xã Khánh Nhạc.

Được chọn là 1 trong 13 xã trong tỉnh thực hiện mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã năm 2021, xã Khánh Nhạc có nhiều thuận lợi khi trụ sở làm việc khang trang, các trang thiết bị phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình một cửa được trang bị đầy đủ, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ.

Đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa của xã nhiều lần, với chị Vũ Thị Lan, xóm 4 xã Khánh Nhạc việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 không còn xa lạ gì.

Chị Vũ Thị Lan cho biết: Quy trình thực hiện thủ tục nhanh gọn, cán bộ nhiệt tình, hướng dẫn cụ thể nên tôi không phải đi lại nhiều, giải quyết chỉ tầm 5-10 phút là xong, so với trước đổi mới hơn nhiều…

Với dân số hơn 14.500 người, nhu cầu về việc giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn xã Khánh Nhạc tương đối lớn. Từ đầu năm đến nay tại bộ phận một cửa của xã đã tiếp nhận hơn 3.400 hồ sơ, trong đó chỉ có 0,47% hồ sơ quá hạn.

Chị Phạm Thị Hà, công chức Văn phòng-Thống kê, UBND xã Khánh Nhạc cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trên địa bàn về thủ tục hành chính, cùng với các trang thiết bị được đầu tư, mua sắm mới, 100% cán bộ, công chức xã được cấp chứng thư số và cơ bản thực hiện ký văn bản điện tử theo quy định. Do đó đã thực hiện tốt quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản trong hệ thống chuyển nhận văn bản và đáp ứng được việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3.

Thực hiện chuyển đổi số tại Khánh Nhạc, không chỉ hoạt động tại bộ phận một cửa với các thủ tục hành chính triển khai trên môi trường mạng, mà với 100% thôn, xóm trên địa bàn xã được kết nối internet là điều kiện thuận lợi để xã đẩy mạnh chuyển đổi số ở các lĩnh vực khác, nhất là kinh tế số.

Như tại hợp tác xã nông nghiệp Hợp Tiến, là hợp tác xã tiêu biểu trong việc đảm nhận hiệu quả các khâu dịch vụ, đã thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ vào các quy trình sản xuất, canh tác như đầu tư mấy sấy, máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo hạt… góp phần làm giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Chuyển đổi số đối với hợp tác xã đã thực sự mở hướng đi mới trong việc đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo chất lượng cao của địa phương.

Ông Vũ Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Hợp Tiến cho biết: HTX đã sản xuất thành công một số sản phẩm chất lượng cao như: gạo ST25, gạo Tiến Vua…Tuy nhiên, khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm vẫn còn hạn chế nên chưa tiếp cận được với nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh. Thực hiện chuyển đổi số, HTX sẽ chú trọng việc tiếp thị, hướng tới đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chất lượng cao của địa phương.

Làm hàng cói xuất khẩu tại Công ty TNHH Xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa.

Còn đối với Công ty TNHH Xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa, là doanh nghiệp có truyền thống và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sản xuất cói, chuyển đổi số đã và đang được xác định là "bàn đạp" để doanh nghiệp tiến tới thực hiện xuất khẩu trực tiếp.

Ông Phạm Đăng Khuyến, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa cho biết: Thời gian qua, tỉnh, huyện và xã đều có định hướng giúp doanh nghiệp phát triển, duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Công ty đang tiếp cận với các nội dung của chuyển đổi số để ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sao cho đạt hiệu quả trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như hướng tới xuất khẩu trực tiếp. Từ năm 2019 sản phẩm cói xuất khẩu của Công ty đã dược công nhận sản phẩm OCOP 4 sao…

Thời gian qua, mặc dù ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng do mọi giao dịch với đối tác hoàn toàn thông qua môi trường internet nên công ty Thành Hóa vẫn duy trì hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trung bình một tháng công ty xuất hơn 100 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho hơn 100 lao động tại chỗ, kết nối 75 vệ tinh để thu hút từ 4.000- 5.000 lao động nông nhàn tại Yên Khánh, Yên Mô và Kim Sơn.

Trên đây là những nội dung chuyển đổi số tiêu biểu mà xã Khánh Nhạc đang tập trung triển khai thực hiện. Vẫn còn nhiều lĩnh vực, công việc phải làm, nhưng cấp ủy, chính quyền và cả các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong xã đều xác định cùng chung tay thực hiện chuyển đổi số để thực sự làm chuyển biến và thúc đẩy kinh tế- xã hội của địa phương phát triển thông qua việc ứng dụng hiệu quả mạng internet.

Hoàng Hiệp - Đinh Duy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/thuc-hien-chuyen-doi-so-o-xa-nong-thon-moi-nang-cao/d20211216144739982.htm