Thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 140/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW Của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Chính phủ nêu rõ thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Chính phủ nêu rõ thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật

Nghị quyết nêu rõ, năm 2025 cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những “điểm nghẽn” do quy định pháp luật; Năm 2027, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản pháp luật bảo đảm cơ sở pháp lý đồng bộ cho hoạt động của bộ máy nhà nước theo mô hình chính quyền 3 cấp; Năm 2028, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN.

Chính phủ yêu cầu đổi mới tư duy, định hướng xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực phát triển; dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Đồng thời, phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; bảo đảm sự cân đối, hợp lý giữa mức độ hạn chế quyền với lợi ích chính đáng.

Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng giải pháp đột phá nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; thực hiện chính sách đặc thù, vượt trội, áp dụng chế độ thù lao, thuê khoán tương xứng để thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia các nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật.

Cùng với đó, thực hiện cơ chế, chính sách kéo dài thời gian công tác, không giữ chức vụ cho một số cán bộ, công chức đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tiễn sâu sắc về xây dựng pháp luật; thực hiện việc thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công theo quy định.

Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đổi mới cơ chế phân bổ, quản lý, sử dụng ngân sách dành cho công tác xây dựng pháp luật trên nguyên tắc kịp thời, đúng, đủ và gắn với khoán chi theo kết quả, sản phẩm của từng nhiệm vụ, hoạt động.

Người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ, hoạt động xây dựng pháp luật được quyền chủ động và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng kinh phí được giao.

PHAN THẢO

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thuc-hien-co-che-tai-chinh-dac-biet-cho-cong-tac-xay-dung-va-thi-hanh-phap-luat-post795905.html