Thực hiện dịch vụ công trực tuyến: Tiện ích từ những mô hình
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình hay hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến, không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện dịch vụ công, không dùng tiền mặt trong một số các dịch vụ công thiết yếu…
Hướng về dân phục vụ
Mới đây, khu phố Đông Nhì, phường Lái Thiêu, TP.Thuận An đã tổ chức lễ ra mắt mô hình điểm hỗ trợ DVC trực tuyến, tạo chữ ký số và thanh toán không dùng tiền mặt. Sau 2 tháng thực hiện, mô hình đã hỗ trợ trên 500 người dân có thói quen sử dụng DVC trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt.
Từ mô hình này, lực lượng tình nguyện viên (TNV), tổ công nghệ số cộng đồng của phường Lái Thiêu đã tuyên truyền cho tổ chức, cá nhân hiểu được lợi ích, ý nghĩa của việc đăng ký tài khoản DVC, cách thức tạo tài khoản DVC. Thông qua mô hình, người dân cũng hiểu thêm các phương thức nộp, tra cứu, nhận kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm chi phí, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thành Úy, Phó Chủ tịch UBND TP.Thuận An nhấn mạnh, mô hình được ra mắt nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên có thói quen sử dụng DVC trực tuyến, hướng đến hình thành công dân điện tử trên địa bàn TP.Thuận An. “Đây là mô hình điểm của TP.Thuận An. Theo kế hoạch, trong năm 2024, TP.Thuận An sẽ triển khai đến 56/56 khu phố, ấp để hình thành những quen cho người dân, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC trên môi trường mạng tại nhà đối với các TTHC thiết yếu trên cổng DVC quốc gia và của tỉnh”, ông Nguyễn Thành Úy chia sẻ.
Tại các phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một cũng đã thực hiện hàng chục mô hình hướng về nhân dân phục vụ trong giải quyết TTHC thời 4.0. Cụ thể, UBND phường Phú Lợi đã thực hiện khá thành công mô hình “Mỗi hộ dân một tài khoản” sử dụng DVC trực tuyến trên địa bàn. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã đạt chỉ tiêu 50% số hộ dân toàn phường có tài khoản DVC, 100% cán bộ, công chức, lực lượng cán bộ công an, quân sự, tổ bảo vệ dân phố, dân phòng, người lao động của phường có tài khoản DVC trên cổng DVC quốc gia.
Ông Lê Thành Tựu, ngụ khu phố 5, phường Phú Lợi, cho biết: “Khi có tài khoản DVC, có chữ ký số, tôi có thể đăng ký TTHC tại bất kỳ thời gian, địa điểm nào chỉ với thiết bị có kết nối internet phù hợp và tôi được nhận lại kết quả tại nhà”.
Hướng đến công dân số
Chuyển đổi số (CĐS) trong giải quyết TTHC không thể thành công nếu không hình thành được những công dân số. Nhà nước đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, chuẩn bị nguồn lực con người nhưng người dân lại không sớm cập nhật công nghệ, hòa cùng nhịp bước CĐS sẽ là bài toán khó cho chính quyền các cấp. Do vậy, công tác tuyên truyền đến nhân dân luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện.
Thực tế cho thấy, tại 91 xã, phường, thị trấn đã thực hiện nhiều mô hình tuyên truyền không phải khai báo thông tin nhiều lần trong thực hiện DVC, không dùng tiền mặt trong một số DVC thiết yếu. Cụ thể, 91 xã, phường, thị trấn đã chỉ đạo 100% cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở các khu phố, ấp phối hợp với các đơn vị viễn thông, ngân hàng mở tài khoản, cài đặt các app vào điện thoại cho người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, dịch vụ môi trường, thanh toán phí khi thực hiện DVC.
Riêng tại phường Tân Bình, TP.Dĩ An, đến nay đã có trên 95% người dân đã có tài khoản định danh điện tử và biết sử dụng tài khoản định danh điện tử để truy cập thực hiện DVC quốc gia đối với DVC toàn trình. Còn về công dân số, gần như người dân đã có tài khoản ngân hàng, có chữ ký số, có tài khoản để thực hiện TTHC trên nền tảng số đối với các TTHC đủ điều kiện giải quyết trên môi trường mạng. Đây là thành công của phường Tân Bình trong quá trình xây dựng, từng bước hoàn thành mục tiêu công dân số.
Để phát huy những giá trị từ thực tế, 91 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đang phấn đấu mỗi người dân trưởng thành có một tài khoản thực hiện DVC và chữ ký số cá nhân. Để làm tốt vấn đề này, UBND tỉnh đang khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để ký hợp đồng lao động; ban hành các chính sách khuyến khích sử dụng chữ ký số; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số tổ chức các chiến dịch cấp chữ ký số miễn phí cho người dân.