Thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp ngành Hàng không vượt qua đại dịch
Dưới tác động của Covid-19, các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh, doanh thu của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) bị sụt giảm nghiêm trọng và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thực tế đặt ra Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ về tài chính kịp thời để giúp ngành hàng không nói chung và VATM nói riêng hồi phục, đón các cơ hội hậu dịch Covid-9.
Doanh thu sụt giảm mạnh
Dịch Covid-19 bùng nổ ngay từ những tháng đầu năm 2020 đã tác động nặng nề, ảnh hưởng rõ rệt đến ngành hàng không trong nước, cũng như quốc tế. Hơn thế nữa, đợt bùng phát dịch lần thứ tư tại Việt Nam vào cuối tháng 4/2021 với diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, mạnh mẽ trên nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã khiến ngành hàng không nói chung và VATM nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng, số lượng chuyến bay nội địa giảm mạnh, nhiều chuyến bay dù vẫn hoạt động nhưng rất phức tạp bởi phải triển khai nhiều biện pháp để ngăn ngừa dịch bệnh.
Kíp trực tại Đài Kiểm soát Không lưu Nội Bài. Ảnh: VATM
Năm 2021, sản lượng điều hành bay chỉ đạt 293.426 lần chuyến, đạt 107,42% kế hoạch năm, bằng 69,21% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020. Tổng doanh thu chỉ đạt 1.437 tỷ đồng, bằng 82,82% so với thực hiện cùng kỳ năm 2020, tăng 5,56% so với kế hoạch năm 2021.
Nguyên nhân trực tiếp làm chỉ tiêu doanh thu bị sụt giảm là do sụt giảm sản lượng điều hành bay; áp dụng mức giảm giá điều hành bay đi, đến quốc nội bằng 50% mức giá quy định tại Thông tư số 53/2019/TT-BGTVT; các hãng hàng không trong nước và quốc tế gặp khó khăn về hoạt động sản xuất kinh doanh và tài chính dẫn tới khó khăn trong việc thanh toán tiền dịch vụ điều hành bay (đến 31/10/2021 các hãng bay nợ VATM 133 tỷ đồng).
Dẫn chứng một chuyến bay đi, đến quốc nội, VATM phải nộp phí nhượng quyền khai thác cả 2 lượt cất và hạ cánh với tổng mức chi trả là 330.000đồng/chuyến bay, tương ứng 10% mức thu giá điều hành bay đi, đến của một chuyến bay trong bối cảnh trên thực tế, mức thu giảm điều hành hay đi đến hiện nay không đủ bù đắp chi phí cung cấp dịch vụ.
Dòng tiền thu nhập từ doanh thu cung cấp dịch vụ bị sụt giảm nghiêm trọng, kéo theo khả năng thanh khoản của tổng công ty cũng chịu ảnh hưởng nặng nề.
Với mức sụt giảm doanh thu nghiêm trọng, VATM đã có các giải pháp quản trị chi phí để đảm bảo thu nhập cho người lao động ở mức duy trì mức lương cơ bản và tính khả thi trong việc hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh được Nhà nước giao.
Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất. Ảnh: VATM
Với khó khăn về tình hình tài chính, nguồn vốn tích lũy và cân đối cho hoạt động đầu tư phát triển vì thế bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong điều kiện tổng công ty đang triển khai, thực hiện hàng loạt các dự án trọng điểm, quan trọng và ưu tiên phải hoàn thành trong giai đoạn 5 năm 2021 - 2025, như dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; dự án Trung tâm Kiểm soát không lưu ATCC/HCM; đầu tư các Trạm radar tại Nội Bài, Vinh, Cà Mau, Quy Nhơn, Cam Ranh; các Đài Kiểm soát không lưu tại các sân bay địa phương....
Triển khai đồng bộ các giải pháp căn cơ hỗ trợ
Nhằm đảm bảo cân đối thu chi, quỹ tiền lương năm 2021, VATM phải tiếp tục cắt giảm 367 tỷ đồng so với thực hiện năm 2020, tiền lương giờ cho kiểm soát viên không lưu và chi ăn ca cho người lao động cũng phải tạm dừng chi trả trong 6 tháng cuối năm 2021.
Tuy đã cắt giảm chi phí, dồn nguồn lực để đảm bảo tiền lương cho người lao động nhưng với mức sụt giảm thu nhập lớn như vậy và khả năng vẫn phải kéo dài đến hết 2023, một vấn đề khó khăn hiện hữu trước mắt VATM phải đối mặt là việc giữ chân người lao động.
Mặt khác, để một người lao động mới tuyển dụng có thể đảm nhận vị trí làm việc độc lập trong dây chuyền thì cần thời gian khoảng 3 đến 5 năm (với kiểm soát viên không lưu) và khoảng 2 năm với các dịch vụ còn lại (thông tin, dẫn đường, giám sát; thông báo tin tức hàng không; khí tượng; tìm kiếm cứu nạn).
Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, nếu không có giải pháp thì VATM sẽ rơi vào tình trạng thiếu lao động cung cấp dịch vụ trong giai đoạn hiện tại và khi hoạt động bay hồi phục trở lại.
Sớm công nhận hộ chiếu vaccine với các quốc gia kết nối đường bay với Việt Nam
Để có thể phục hồi hoạt động trở lại, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine với các quốc gia kết nối đường bay với Việt Nam, đồng thời giảm chi phí xét nghiệm, giảm thời gian cách ly đối với khách quốc tế; cho phép các địa phương được chủ động xây dựng và áp dụng vùng, hành lang du lịch an toàn đối với khách du lịch quốc tế; đề nghị nghiên cứu, ban hành quy định cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được tự do đi lại, làm việc trên cơ sở đáp ứng các quy định về phòng dịch.
Để có thể phục hồi hoạt động trở lại, VATM đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan đàm phán công nhận hộ chiếu vaccine với các quốc gia kết nối đường bay với Việt Nam, đồng thời giảm chi phí xét nghiệm, giảm thời gian cách ly đối với khách quốc tế; cho phép các địa phương được chủ động xây dựng và áp dụng vùng, hành lang du lịch an toàn đối với khách du lịch quốc tế; đề nghị nghiên cứu, ban hành quy định cho phép những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được tự do đi lại, làm việc trên cơ sở đáp ứng các quy định về phòng dịch.
VATM đề nghị xã hội hóa sâu, rộng việc đầu tư xây dựng hạ tầng hàng không, cho phép các tập đoàn kinh tế tư nhân trong nước được đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác cảng hàng không; được đấu thầu quản lý, khai thác các cảng hàng không hiện có để ưu tiên vốn ngân sách cho các công trình, dự án quan trọng khác.
Tổng công ty đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngân hàng Nhà nước sửa đổi, kéo thời hạn giãn, hoãn, cơ cấu nợ và lãi quy định tại Thông tư 03 bởi nếu không sẽ chuyển thành nợ xấu. Đồng thời, đề nghị Chính phủ và Quốc hội ban hành Nghị quyết cho hãng hàng không vay lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ vay tối đa 3 năm); phê duyệt gói vay 25.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho các hãng hàng không; giảm 70% thuế bảo vệ môi trường; giảm từ 30% thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm năm 2022, giảm từ 50% thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân cho các hãng hàng không nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người dân, giảm thời gian nộp Bảo hiểm xã hội đến hết năm 2022 để hỗ trợ cho người lao động; giảm từ 50% thuế nhập khẩu phụ tùng sửa chữa máy bay.
VATM cũng đề nghị không tiếp tục áp dụng chính sách giảm giá điều hành bay đối với các chuyến bay quốc nội mà chỉ nên thực hiện trong ngắn hạn (6 tháng trong năm 2020) mang tính chất chia sẻ khó khăn về tài chính trong giai đoạn trước mắt giữa Tổng công ty và các hãng hàng không.
Ngoài ra, VATM cũng đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho VATM được áp dụng cơ chế vay thương mại với lãi suất vay thấp, thời gian dài ân hạn dài để thực hiện đầu tư các dự án trọng điểm; cấp vốn từ nguồn vốn ngân sách cho một số dự án đầu tư của Tổng công ty trong trường hợp phương án vay thương mại không khả thi; tăng vốn điều lệ cho VATM nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng được Nhà nước giao.