Thực hiện gấp 5 nhiệm vụ cấp bách tại tâm dịch Cẩm Giàng
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống dịch ở huyện Cẩm Giàng, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Giàng thực hiện gấp 5 nhiệm vụ cấp bách.
Tiếp tục phong tỏa nghiêm ngặt
Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu huyện tiếp tục tổ chức phong tỏa, cách ly y tế toàn huyện thật nghiêm ngặt. Giao Công an tỉnh Hải Dương tăng cường lực lượng, kiểm soát chặt chẽ các chốt trên địa bàn.
Huyện Cẩm Giàng chỉ đạo các xã, thị trấn siết chặt kỷ luật trong các khu phong tỏa, kỷ luật người đứng đầu nếu để xảy ra lây nhiễm chéo.
Rà soát và thành lập thêm tổ COVID cộng đồng, bảo đảm từ 50-100 hộ dân/tổ và hoạt động theo quy định. Lực lượng công an cấp xã ngoài việc tham gia các chốt gác cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong khu phong tỏa.
Thành lập Tổ công tác tăng cường phòng chống dịch
Để tập trung cao độ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương quyết định thành lập Tổ công tác tăng cường chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 tại huyện Cẩm Giàng do đồng chí Lưu Văn Bản, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.
Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo huyện cần tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch tại các doanh nghiệp. Yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 15/1 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Tất cả các doanh nghiệp phải tiến hành tự đánh giá, tự chấm điểm, nếu đủ các điều kiện cho phép thì mới được hoạt động. Thành lập đoàn kiểm tra kiểm tra tất cả các nhà máy, phân xưởng, cơ sở kinh doanh, nếu không bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch thì xử lý theo quy định.
Xét nghiệm toàn bộ công nhân làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của huyện, ưu tiên xét nghiệm cho doanh nghiệp có F0, nhiều F1. Giao Tiểu ban Hậu cần và Tổ chức cách ly tham mưu để ban hành văn bản hướng dẫn tình huống xử lý khi doanh nghiệm xuất hiện ca dương tính với SARS-CoV-2.
Tổ công tác phối hợp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Cẩm Giàng tổ chức lấy mẫu, ưu tiên xét nghiệm trên diện rộng trên cơ sở đánh giá nguy cơ của từng khu vực, trước mắt là thị trấn Lai Cách và xã Tân Trường. Kết quả xét nghiệm phải được trả sau 24 giờ tính từ thời điểm lấy mẫu. Nhanh chóng khoanh vùng, truy vết khi xuất hiện F0.
Tập trung cao độ dập dịch ở Công ty Kuroda Kagaku
Tập trung cao độ dập dịch ở Công ty TNHH Kuroda Kagaku Việt Nam theo các giải pháp: Tăng tần suất xét nghiệm những công dân đang cách ly tập trung, chuyển bớt công nhân sang địa điểm khác để tránh nguy cơ lây nhiễm chéo, toàn bộ các khu cách ly công dân của công ty giao cho quân đội trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động.
Kiểm tra tất cả các cơ sở cách ly tập trung trên địa bàn. Các cơ sở phải bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch thì mới được đón người mới vào. Thường xuyên khử khuẩn và bảo đảm giãn cách, đồng thời siết chặt kỷ cương, kỷ luật, xử lý nghiêm các vi phạm trong khu cách ly.
Huy động tối đa các cơ sở có thể làm nơi cách ly
Huy động tối đa các cơ sở có thể làm nơi cách ly, bảo đảm tối thiểu có thể cách ly tập trung được 6.000 người. Giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh huy động các cơ sở quân đội trên địa bàn tỉnh bố trí sẵn sàng đón người cách ly tập trung của huyện Cẩm Giàng.
Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo tiếp tục tăng cường lực lượng, trang thiết bị, cơ sở vật chất cho huyện Cẩm Giàng.
Giao Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hải Dương tăng cường lực lượng, chủ trì quản lý các khu cách ly tập trung trên 100 người. Công an tỉnh Hải Dương tăng cường lực lượng truy vết.
Sở Y tế tỉnh Hải Dương tăng cường lực lượng, trang thiết bị y tế. Tiểu ban Hậu cần và Tổ chức cách ly bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất theo đề nghị của huyện.
Đề nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí chống dịch
UBND tỉnh Hải Dương vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ có cơ chế hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho các địa phương Hải Dương (nơi có tâm dịch) kinh phí mua kit, test, vật tư, hóa chất, chi phí xét nghiệm và chi phí khác.
Ngay khi xuất hiện dịch COVID-19, mặc dù tỉnh đã chủ động sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp tại chỗ để phục vụ công tác phòng chống dịch nhưng hiện nay kinh phí phục vụ chống dịch quá lớn vượt quá khả năng ngân sách địa phương.
Theo thống kê, kinh phí mua kit, test, vật tư, hóa chất, chi phí xét nghiệm và chi phí khác chiếm khoảng 60% trong tổng kinh phí phòng, chống dịch.
Mặc dù Bộ Y tế đã hỗ trợ về hiện vật cho Hải Dương nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.