Thực hiện giấc mơ an cư cho công nhân lao động
Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội (NƠXH) cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030 là đề án vừa được Chính phủ phê duyệt đang tạo sự phấn khởi trong nhiều công nhân, cán bộ Công đoàn.
Nếu đề án này sớm được triển khai, có thể hiện thực hóa ước mơ có nhà của nhiều lao động xa quê để ổn định cuộc sống.
* Nhiều lao động kỳ vọng
Đến nay, vợ chồng anh Lê Văn Vũ quê ở tỉnh Đồng Tháp đã có hơn 5 năm làm công nhân tại Đồng Nai. Đó cũng là chừng ấy thời gian anh gắn bó với nhà trọ. Gia đình anh vẫn luôn mơ giấc mơ có căn NƠXH riêng cho mình. Tuy vậy, với thu nhập chỉ hơn 12 triệu đồng/tháng của cả vợ chồng, giấc mơ ấy còn quá xa vời.
Anh Vũ cho biết, dãy trọ của anh tại P.Tam Hòa (TP.Biên Hòa) có hơn 40 lao động sinh sống. Nhiều lao động thuê trọ ở đây đã trên 20 năm. Do đó, lao động xa quê rất phấn khởi khi nghe tin về đề án 1 triệu căn NƠXH sẽ được triển khai. Mong rằng, sau khi Chính phủ phê duyệt đề án, Đồng Nai sẽ sớm triển khai các dự án nhà ở, đáp ứng sự kỳ vọng của nhiều lao động xa quê.
Tại buổi làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh đầu năm 2023, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh cần rà soát nhu cầu nhà ở của NLĐ và cùng các ngành tham mưu giải quyết vấn để nhà ở cho công nhân, những người có thu nhập thấp.
Anh Trần Sang Đại Phúc, công nhân giày da tại H.Trảng Bom cho hay, sở hữu một căn NƠXH và được trả góp phù hợp túi tiền là mong ước rất lâu của người lao động (NLĐ). Song đến nay, nhiều người vẫn phải ở trong các khu nhà trọ ẩm thấp, nóng bức và môi trường sống khó đảm bảo để yên tâm làm việc.
“Lực lượng lao động tại Đồng Nai rất đông và phần lớn đều đang ở trọ. Tôi mong địa phương sẽ sớm có các dự án NƠXH được xây dựng gần các khu công nghiệp với giá phù hợp để nhiều NLĐ có thể sở hữu căn nhà ở của riêng mình và yên tâm gắn bó với địa phương” - anh Phúc chia sẻ.
Khảo sát tại các khu nhà trọ đông công nhân lao động có thể thấy, chất lượng cuộc sống còn thấp, nhiều khu nhà trọ ẩm ướt, chật hẹp được cả gia đình 4-5 người ở. Thu nhập thấp, áp lực cuộc sống khiến ước mơ sở hữu căn nhà của họ quá xa vời.
* Mong đề án sớm đi vào hiện thực
Đề án NƠXH được Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu phát triển nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của NLĐ trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành hơn 1 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 hoàn thành khoảng 428 ngàn căn; giai đoạn 2025-2030 hoàn thành khoảng 634 ngàn căn.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 20 ngàn cơ sở cho thuê nhà trọ với 150 ngàn phòng. Đa số là các phòng nhỏ, chật chội, chưa đảm bảo các yêu cầu về môi trường, phòng, chống cháy nổ…
Để đề án sớm triển khai, Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở. Trong đó, làm rõ các mục tiêu về NƠXH dành cho người thu nhập thấp, công nhân lao động. Bên cạnh đó, công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư NƠXH cho các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư. Về tín dụng phát triển, trước mắt, tập trung phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai thực hiện chương trình tín dụng khoảng 120 ngàn tỷ đồng và các gói tín dụng cụ thể để chủ đầu tư và NLĐ vay với lãi suất thấp.
Tại Đồng Nai, tổng số lao động trong các khu công nghiệp có nhu cầu nhà ở hiện nay khoảng 410 ngàn người, trong đó lao động ngoại tỉnh là khoảng 321 ngàn người. Thời gian qua, địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề nhà ở của NLĐ, nhất là lao động có thu nhập thấp và coi đây là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song đến nay, các dự án NƠXH dành cho đối tượng trên còn hạn chế, số căn hộ dành cho NLĐ còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu, mong muốn, nguyện vọng của phần lớn lao động.
Chị Lê Thị Ngọc, ở trọ tại P.Hóa An (TP.Biên Hòa) cho hay, 10 năm nay, chị vẫn ở trọ để mưu sinh. Tuy phòng trọ đã cũ kỹ, xuống cấp nhưng vì giá thuê khá rẻ, chỉ hơn 800 ngàn đồng/tháng nên gia đình chị Ngọc gồm 3 người vẫn phải chấp nhận thuê. Từ cuối năm 2022 đến nay, vợ chồng chị Ngọc đều bị giảm việc làm nên việc trang trải chi tiêu hàng ngày trở nên khó khăn hơn. “NLĐ đang rất trông chờ vào các dự án NƠXH của địa phương triển khai với giá ưu đãi để chia sẻ bớt chi phí thuê trọ và đảm bảo an sinh cho NLĐ” - chị Ngọc chia sẻ.
Ông Đăng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cho hay, công ty hiện có trên 40 ngàn lao động đang làm việc. Những năm qua, Công đoàn và công ty luôn quan tâm đến vấn đề nhà ở cho NLĐ. Hàng năm, Công đoàn đặt ra mục tiêu xây dựng tối thiểu 10 mái ấm Công đoàn; đồng thời vận động NLĐ thực hành tiết kiệm để xây dựng nhà riêng cho mình. Hiện nhiều NLĐ tại công ty vẫn đang ở trọ với giá thuê rẻ nhưng môi trường sống, an ninh trật tự không đảm bảo.
“Tôi rất phấn khởi với đề án hơn 1 triệu căn NƠXH dành cho NLĐ và mong muốn Chính phủ sớm triển khai để NLĐ có chỗ ở ổn định, gắn bó với doanh nghiệp” - ông Tú chia sẻ.
Tại Công ty CP TKG Taekwang Vina (TP.Biên Hòa), hiện có hơn 10/35 ngàn NLĐ đang sinh sống tại các khu nhà trọ xung quanh công ty. Đại diện công ty cho biết, nhu cầu về nhà ở của NLĐ trong công ty hiện nay rất lớn, nhưng hầu như họ không thể mua được nhà vì giá nhà cao trong khi đồng lương có hạn. Do vậy, Nhà nước cần có những chính sách đặc biệt, quyết liệt thực hiện để đề án sớm đi vào cuộc sống.
Ông LÊ NHẬT TRƯỜNG, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pousung Việt Nam (H.Trảng Bom): Nhà ở cần phù hợp với tài chính của NLĐ
Những năm qua, vấn đề NƠXH cho công nhân đã được nói đến rất nhiều, tuy nhiên thực tế chưa thực hiện được bao nhiêu. Do vậy, để NLĐ có thể mua được NƠXH cần có nhiều giải pháp đồng bộ từ việc tạo quỹ đất sạch đến thiết kế nhà phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của công nhân… Những giải pháp này sẽ giúp làm giảm giá nhà và chỉ khi đó công nhân mới mua được NƠXH.
Chị NGUYỄN THỊ SI, quê tỉnh Thái Bình, đang làm công nhân tại TP.Biên Hòa: Mong có nơi ở ổn định để an cư lạc nghiệp
Tôi đã có hơn 20 năm làm việc, gắn bó với mảnh đất Đồng Nai và từng ở qua nhiều phòng trọ. Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định nên không biết đến bao giờ mới chạm được vào giấc mơ có nhà của riêng mình. Do vậy, mong ước lớn nhất của tôi là có nơi ở ổn định để an cư lạc nghiệp.
Nguyễn Hòa(ghi)