Thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Từ đầu năm 2022 đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc với nhiều biện pháp tích cực để phòng ngừa, hạn chế các điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Bến Lức

Ban Thường vụ Tỉnh ủy kiểm tra công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Bến Lức

Theo đó, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị đã thực hiện công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách, tài sản công, đầu tư xây dựng; thực hiện nghiêm túc việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện tham nhũng,… Nhờ đó, phát huy được hiệu lực, hiệu quả của công tác PCTN trên tất cả lĩnh vực.

Công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc sai phạm, tham nhũng được tăng cường. Các vụ án tham nhũng được phát hiện và tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe đối với hành vi tham nhũng; công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng được thực hiện thường xuyên, chủ động và hiệu quả. 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh điều tra, xử lý 2 vụ, 3 bị can; truy tố 1 vụ; xét xử 5 vụ, 9 bị cáo.

Bên cạnh đó, công tác PCTN vẫn còn những hạn chế. Cụ thể, việc phát hiện các hành vi tham nhũng qua công tác thanh, kiểm tra nội bộ còn hạn chế. Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực dù đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện nhưng chất lượng và hiệu quả chưa thật rõ nét. Việc tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong công tác PCTN còn hạn chế. UBND tỉnh chưa kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn chung về thực hiện công tác PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước.

Nguyên nhân là do công tác lãnh, chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, PCTN của người đứng đầu tại một số cơ quan, đơn vị thiếu quyết liệt; năng lực, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ còn hạn chế. Hành vi tham nhũng ngày càng tinh vi hơn; cơ chế, chính sách pháp luật thực thi vẫn còn có bất cập; nhiều người dân, cán bộ, công chức còn né tránh trong công tác đấu tranh PCTN. Nội dung PCTN trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước là nội dung mới của Luật PCTN năm 2018; do đó, UBND tỉnh đang tiến hành triển khai, thực hiện.

Để thực hiện công tác PCTN trong năm 2022, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả giám sát, kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong doanh nghiệp nhà nước” theo Quyết định số 695/QĐ-TTg, ngày 10-5-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Nỗ lực hoàn thành ở mức độ cao nhất các chỉ tiêu đã đặt ra; xây dựng, tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch PCTN năm 2022 cùng chương trình, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, các văn bản, kế hoạch cụ thể khác về công tác PCTN. Quan tâm thực hiện tốt công tác thanh, kiểm tra, giám sát nội bộ. Thông qua công tác thanh, kiểm tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh để từng bước nâng cao hiệu quả việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại từng địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục tham gia xây dựng, đóng góp hoàn thiện các quy định của pháp luật về PCTN, nhất là các quy định về bảo vệ người tố cáo, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; qua đó, tạo sự an tâm, tin tưởng, khuyến khích người dân, doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong đấu tranh PCTN./.

Lê Đức

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thuc-hien-hieu-qua-cac-giai-phap-phong-ngua-tham-nhung-a139283.html