THỰC HIỆN HIỆU QUẢ CÁC THỎA THUẬN HỢP TÁC QUỐC TẾ HỖ TRỢ MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU

Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao, trong đó có vấn đề về thực trạng việc triển khai các thỏa thuận song phương, đa phương và giải pháp thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư; công tác hỗ trợ mở rộng thị trường hàng hóa xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tránh bị lừa đảo. Báo cáo trước thềm phiên chất vấn, Bộ Ngoại giao cho biết các lĩnh vực công tác mà các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Phiên họp lần thứ 31 đạt nhiều kết quả tiến bộ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đối ngoại và ngoại giao trong những năm qua.

Từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, tình hình thế giới trải qua những biến động lớn, phức tạp, có những diễn biến vượt khỏi dự bảo thông thường, mở ra nhiều cơ hội mới, song cũng đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nước ta, đồng thời đặt ra nhiều yêu cầu nhiệm vụ nặng nề hơn đối với công tác đối ngoại nói chung và ngành ngoại giao nói riêng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ, ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với đối ngoại Đảng, đối ngoại Quốc hội và đối ngoại Nhân dân, triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và đã đạt kết quả toàn diện, rất quan trọng như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII) và Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, công tác đối ngoại đã đạt được “nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng" trong thành tựu chung của đất nước. Các lĩnh vực công tác mà các đại biểu Quốc hội quan tâm tại Phiên họp lần thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đạt nhiều kết quả tiến bộ, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đối ngoại và ngoại giao trong những năm qua.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế

Bám sát chủ trương của Đảng về xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đặc biệt là Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 và Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW của Ban Bí thư, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động mở rộng xuất khẩu, đóng góp trực tiếp vào thành tựu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua.

Trong các trao đổi, tiếp xúc đối ngoại các cấp, đặc biệt là đối ngoại cấp cao, Bộ Ngoại giao cùng các bộ, ngành đã chủ động tham mưu, thúc đẩy nội dung hợp tác thương mại với các đối tác, nhất là vận động mở cửa thị trường, giảm hoặc dỡ bỏ rào cản thương mại đối với hàng hóa Việt Nam, bảo đảm và phát triển các chuỗi cung ứng, hợp tác nâng cao năng lực sản xuất... Trọng tâm là mở rộng các thị trường truyền thống (tăng kim ngạch hàng truyền thống, mở cửa cho mặt hàng mới), đồng thời đột phá, khơi thông mở thị trường mới ở các đối tác tiềm năng

Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ đẩy mạnh đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do (FTA), các thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại với các đối tác quan trọng, tiềm năng; hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA đã ký để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Từ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Việt Nam đã đàm phán, ký kết thêm 05 FTA song phương và đa phương, nâng tổng số FTA đang đàm phán, ký kết và thực thi đến nay là 19 FTA (trong đó 16 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, chiếm phần lớn GDP toàn câu), đưa Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu khu vực về tham gia các khuôn khổ hợp tác kinh tế quốc tế. Năm 2023, ta đã vận động thành công Anh công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, nâng tổng số đối tác đã công nhận Việt Nam có quy chế kinh tế thị trường lên 72 quốc gia, vùng lãnh thổ; đã đưa nội dung về công nhận kinh tế thị trường vào Tuyên bố chung nhân dịp nâng cấp quan hệ với Mỹ lên Đối tác chiến lược toàn diện.

Đẩy mạnh công tác phối hợp trong thúc đẩy xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp giữa các bộ, ngành

Xây dựng, tích cực triển khai Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế trongphát triển ngành Halal Việt Nam", thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác quốc tế về Halal, nhất là với một số nước có kinh nghiệm và vai trò quan trọng trong ngành Halal toàn cầu (như Indonesia, Ả-rập Xê-út...) để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam, thâm nhập thành công thị trường Halal nhiều tiềm năng (dự kiến khoảng 10.000 tỷ USD vào năm 2028).

Công tác phối hợp trong thúc đẩy xuất khẩu, kết nối doanh nghiệp giữa Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành được đẩy mạnh. Tháng 8/2023, Bộ Ngoại giao và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký Chương trình hành động triển khai công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp giai đoạn 2023-2026 với trọng tâm là quảng bá, xúc tiến, đàm phán mở rộng thị trường nông sản. Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương định kỳ tổ chức giao ban với các Cơ quan đại diện, Bộ phận Thương vụ và với các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành hàng chủ chốt như thủy sản, dệt may, da giày, gỗ và lâm sản... để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, tim các hướng đi, thị trường mới.

Tích cực tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp nhân dịp các hoạt động đối ngoại cấp cao; tăng cường thông tin, tư vấn cho các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đa dạng hóa thị trường, sản phẩm.

Tăng cường theo dõi sát tình hình thế giới, điều chỉnh chính sách, pháp luật của các nước để kịp thời thông tin cho các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp….

Những hoạt động nói trên đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thương mại của Việt Nam trong những năm qua. Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hàng đầu thế giới trong hơn 30 năm qua, ngay cả trong giai đoạn đại dịch COVID-19, với tốc độ bình quân 17,96%/năm. Từ năm 2016 đến nay, liên tục xuất siêu (năm 2023 xuất siêu gần 30 tỷ USD). Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng với gần 50 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; xuất khẩu tới gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; có chỗ đứng khá vững chắc tại các thị trường lớn, tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật Bản, EU. Gần đây, một số hàng nông sản tăng trưởng cao (năm 2023, xuất khẩu nông lâm sản đạt hơn 53 tỷ USD, xuất siêu đạt kỷ lục 12,07 tỷ USD, nổi bật là xuất khẩu sầu riêng vào thị trường Trung Quốc tăng hơn 3.000%)

Kết quả này phản ánh nỗ lực rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, trong đó có đóng góp của ngành Ngoại giao, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn, một số chuỗi cung ứng chưa phục hồi sau đại dịch COVID-19. Kết quả về xuất khẩu đã góp phần khẳng định hình ảnh Việt Nam là một nền kinh tế tự cường, có khả năng thích ứng với biến đổi của bên ngoài, là đối tác thương mại, đầu tư có nhiều tiềm năng ở châu Á-Thái Bình Dương.

Thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, thỏa thuận và thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác mới

Bên cạnh những kết quả đạt được, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vào một số thị trường lớn, chủ chốt như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...; chưa thâm nhập sâu rộng các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa như Trung Đông, Đông Âu, Nam Á, Mỹ Latinh...

Hiệu quả tận dụng ưu đãi của các FTA chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong thâm nhập một số thị trường lớn như EU, Canada, Anh... do các rào càn phi thuế quan về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn kinh phí cho các bộ, ngành, địa phương để thực thi FTA còn hạn chế.

Hàng hóa của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức khi các thị trường lớn như Mỹ, EU ngày càng đặt ra các tiêu chuẩn mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, độn môi trường, quản trị, nguồn gốc xuất xứ... đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Do đó, Bộ Ngoại giao xác định trong thời gian tới sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp quyết liệt triển khai, làm sâu sắc hơn các khuôn khổ quan hệ đối tác, nhất là các khuôn khổ quan hệ vừa nâng tầm hoặc nâng cấp, bằng các chương trình, dự án cụ thể nhằm tạo động lực mới cho mở rộng và nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Tiếp tục tham mưu, thúc đẩy ký kết, sửa đổi, bổ sung các hiệp định, thỏa thuận và thúc đẩy các khuôn khổ hợp tác mới nhằm tạo thuận lợi hơn cho hợp tác thương mại với các đối tác là thị trường lớn, chủ chốt của Việt Nam. Đảm phán, ký kết các FTA mới theo hướng chọn lọc, ưu tiên các FTA thế hệ mới trên nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia dân tộc và thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế theo chiều sâu, hiệu quả và thực chất. Tập trung thúc đây hoàn tất các FTA đang đàm phán với khối EFTA (Thụy Sỹ, Lichtenstein, Na Uy, Iceland), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA); nghiên cứu, khởi động đàm phán các FTA mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng ở khu vực Trung Đông (Thổ Nhĩ Kỳ), Nam Mỹ (Mercosur), Nam Á (An Độ)... tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các thị trường.

Triển khai hiệu quả các đề án phát triển quan hệ với các đối tác, trong đó có hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

Phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường chỉ đạo các Cơ quan đại diện và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nắm bắt thông tin thị trường, các quy định, chính sách mới của sở tại, kịp thời cảnh báo rủi ro, rào cản kỹ thuật, nguy cơ tranh chấp thương mại... để tham mưu Chính phủ, các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp trong nước về các cơ hội mới trong mở rộng thị trường, kịp thời điều chỉnh chính sách phù hợp, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các hiệp hội doanh nghiệp lớn hỗ trợ nâng cao năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam, cảnh báo các rủi ro, tư vấn pháp lý và hỗ trợ xác minh đối tác nước ngoài.

Bộ Ngoại giao cũng kiến nghị, cần bố trí nguồn lực bảo đảm đáp ứng yêu cầu triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong tình hình mới, trong đó có kinh phí thực thi các FTA.

Đẩy nhanh tiến độ rà soát, xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan để hoàn thiện hệ thống thể chế pháp luật, tháo gỡ các vưởng mặc, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thế mạnh từ mạng lưới các FTA đaã ký để đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp thúc đẩy kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các thị trường mới, còn nhiều dư địa hợp tác như Trung Đông - châu Phi, Mỹ Latinh, Nam Á; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dịch vụ logistic và thương mại điện tử, thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch; xây dựng, phát triển và quảng bá các sản phẩm thương hiệu quốc gia; đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật để duy trì, củng cố các thị trường truyền thống và thâm nhập các thị trường mới.

Các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương và các địa phương tăng cường phổ biến, nâng cao nhận thực, nghiệp vụ ngoại thương, cảnh báo rủi ro cho các doanh nghiệp trong làm ăn, kinh doanh với các đối tác quốc tế.

Bảo Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=85414