Thực hiện hiệu quả, tránh phiền hà cho người dân khi liên thông kết quả xét nghiệm
Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đã tăng cường các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc tránh lạm dụng xét nghiệm cũng như nâng cao chất lượng khám bệnh, chữ bệnh.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận chất vấn liên quan tới phản ánh của cử tri phản ánh tình trạng lạm dụng chỉ định các dịch vụ kỹ thuật lâm sàng như: Xét nghiệm, nội soi, chẩn đoán hình ảnh, chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao, thuốc… gây tốn kém cho người dân.
Từ đó, đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Trả lời chất vấn ý kiến ĐBQH nêu, Bộ Trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay, trong lĩnh vực y khoa, những thiết bị cận lâm sàng, đặc biệt những thiết bị hiện đại hỗ trợ rất nhiều cho các thầy thuốc trong quá trình chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh và theo dõi sau khi điều trị.
Với sự phát triển của khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực y khoa, thời gian qua đã có rất nhiều thiết bị tốt giúp quá trình phát hiện bệnh ngay từ lúc mới, giai đoạn đầu giúp việc điều trị cho bệnh nhân tốt hơn. Vì vậy, trong thời gian qua, ngành y tế cũng tăng cường để có được những thiết bị tốt phục vụ người bệnh.
Về nguyên nhân dẫn tới tình trạng lạm dụng xét nghiệm, gây tốn kém chi phí, bức xúc cho người dân, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đã chỉ rõ mấy vấn đề chính:
Đó là do nhận thức, trình độ của người chỉ định xét nghiệm. Nhiều khi người chỉ định xét nghiệm muốn nhanh và chính xác cũng đẩy việc xét nghiệm nhiều hơn; Bất cập từ việc xã hội hóa liên doanh, liên kết; Bản thân nhiều người bệnh cũng có nhu cầu cần được xét nghiệm. Cụ thể, có những trường hợp người dân kiện là tại sao 2 tháng trước đi khám chưa phát hiện bệnh, bây giờ bệnh lại nặng thế này. Vì vậy, nếu không có những xét nghiệm phù hợp thì người dân không hài lòng.
Để khắc phục tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng, về phía Bộ Y tế đã tăng cường các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc tránh lạm dụng xét nghiệm cũng như nâng cao chất lượng khám bệnh, chữ bệnh. Điển hình là Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có nhiều các quy định liên quan đến nội dung trên.
Thứ nữa, tại Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề liên quan đến xét nghiệm, làm sao nâng cao được chất lượng của các cơ sở xét nghiệm, vấn đề liên thông giữa các cơ sở xét nghiệm, tránh việc người dân phải xét nghiệm nhiều lần, từ năm 2016 đến nay vàđược triển khai đến năm 2025.
"Chúng tôi nghĩ đây là những giải pháp hết sức thiết thực định hướng cho các cơ sở y tế triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, các thông tư, các quy định liên quan đến các định mức kinh tế kỹ thuật, các trần thanh, quyết toán cũng đã được ban hành, công tác tăng cường giám định BHYT, kết nối liên thông về công nghệ thông tin giữa BHYT, BHXH Việt Nam với các cơ sở y tế để kiểm soát được các chi phí cũng đã được triển khai trong thời gian vừa qua", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo những giải pháp này để thực hiện một cách có hiệu quả hơn, tránh phiền hà cho người dân nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, khám, chữa bệnh cho người dân.
Tại Quyết định số 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường năng lực hệ thống quản lý chất lượng xét nghiệm y học giai đoạn 2016-2025 nêu lên mục tiêu chung là: Nâng cao chất lượng xét nghiệm y học để bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác, kịp thời, chuẩn hóa, làm cơ sở cho việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở y tế có thực hiện xét nghiệm, nhằm giảm phiền hà, chi phí cho người bệnh, tiết kiệm nguồn lực của xã hội, đồng thời hội nhập mạng lưới kiểm chuẩn chất lượng xét nghiệm trong khu vực và thế giới.
Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tại Đề án đó là: Đến năm 2025, mạng lưới phòng xét nghiệm tham chiếu có đủ năng lực thực hiện hoạt động tham chiếu cho 100% các xét nghiệm thông thường; Đến năm 2025 liên thông kết quả xét nghiệm đối với các phòng xét nghiệm trên phạm vi toàn quốc…