Thực hiện học bạ số, Giám đốc Sở GD TPHCM nêu một số đề xuất, kiến nghị

Những lợi ích mà học bạ số mang lại sẽ giải quyết được rất nhiều các trở ngại của sử dụng và khai thác học bạ giấy đang tồn tại.

Bắt đầu từ năm học 2023 – 2024, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai thí điểm học bạ số cho gần 133.000 học sinh lớp 1 tại các trường tiểu học.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, học bạ số là hệ thống dữ liệu học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số.

Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại trường. Đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ phát hành (không thể thay đổi thông tin).

Đây có thể được xem là bước khởi đầu quan trọng, hướng đến việc thực hiện học bạ số cho tất cả các khối lớp ở bậc phổ thông.

Theo kế hoạch, trong năm học sắp đến (2024 – 2025), thành phố sẽ tiếp tục áp dụng thí điểm học bạ số ở 128.000 học sinh khối lớp 6, năm học 2025 – 2026 thí điểm áp dụng ở khối lớp 10.

Về quá trình triển khai thí điểm học bạ số cho học sinh lớp 1 tại các trường học trên địa bàn thành phố, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dưới sự điều hành của cơ quan quản lý, ngành giáo dục trên địa bàn thành phố là Sở Giáo dục và Đào tạo, các yêu cầu kỹ thuật, quy chế quản lý và vận hành đã được ban hành, hướng dẫn đầy đủ và các sản phẩm thí điểm cũng đã được kiểm tra, đánh giá.

 Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: CTV)

Người đứng đầu ngành giáo dục và đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đây là một giải pháp mang tính phổ cập rộng rãi, cần vận dụng nhiều nền tảng công nghệ và hành lang pháp lý, nên cũng cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả triển khai một cách tổng quát”.

Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã giới thiệu 3 sản phẩm học bạ số của 3 doanh nghiệp công nghệ lớn, uy tín để các trường có thể lựa chọn, sử dụng thí điểm.

Nhìn chung, học bạ số là sản phẩm về công nghệ, cộng với nguồn nhân lực, các quy định chung, nhất là các thành tựu được kế thừa của Đề án 06/CP của Chính phủ năm 2022 (Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 20022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030) đã đáp ứng đủ các điều kiện để triển khai thí điểm một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Học bạ số là một giải pháp hiện đại, lưu trữ và xác minh hồ sơ học bạ của học sinh. Hồ sơ này có giá trị pháp lý tương đương với quy trình học bạ bằng giấy truyền thống”.

Với học bạ số, việc chuyển trường, xác minh các thông tin về học bạ của học sinh được thực hiện trên môi trường số rất đáng tin cậy. Khi hồ sơ học bạ số được hình thành, và cập nhật đúng theo quy trình quản lý, học bạ số có thể giảm tối đa nhất các thủ tục truyền thống, gây mất nhiều thời gian, lãng phí công sức của phụ huynh và học sinh trong quá trình sử dụng.

Về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thí điểm triển khai học bạ số cho học sinh ở thành phố, ông Nguyễn Văn Hiếu cho hay, về mặt kỹ thuật, học bạ số đã được áp dụng ở nhiều nơi, tích hợp trong nhiều giải pháp.

Mô hình học bạ số được triển khai thí điểm cho học sinh khối lớp 1 là một mô hình rất mới cả về mặt kỹ thuật, công nghệ lẫn pháp lý. Để triển khai mô hình này cần sự tham gia của nhiều tổ chức, ứng dụng nhiều công nghệ và phải vận dụng nhiều quy định của pháp luật.

Ngành giáo dục và đào tạo có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp về công nghệ, các sản phẩm đạt yêu cầu về mặt nghiệp vụ, thao tác vận hành đơn giản. Thành phố cũng đã có nền tảng cơ sở dữ liệu ngành lưu trữ tập trung hồ sơ học sinh, giáo viên, phân công, kết quả học tập nên việc triển khai thí điểm không gặp nhiều khó khăn.

Nói về tâm lý ngại thay đổi, khó khăn khách quan khi thí điểm triển khai học bạ số, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết: “Học bạ số là một hệ thống liên quan đến nhiều yếu tố kỹ thuật như ghi nhận thông tin, lưu trữ, quy trình khởi tạo, cập nhật và xác minh bằng chữ ký số. Đây là một quy trình tương đối dài, thực hiện hoàn toàn trên hệ thống. Vì vậy, việc triển khai giải pháp đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, kiến thức đối với đội ngũ giáo viên, quản lý cũng như yêu cầu cao về mặt năng lực phát triển sản phẩm đối với các doanh nghiệp công nghệ”.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu, tâm lý e ngại sự thay đổi là luôn luôn có. Tuy nhiên, ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có đội ngũ giáo viên, nhân viên đủ năng lực, trình độ về công nghệ thông tin, đã được làm quen với cơ sở dữ liệu ngành, các nội dung về Đề án 06/CP, văn bản điện tử, chữ ký số, nên khi triển khai, thầy cô cũng không bị bỡ ngỡ.

Bên cạnh đó, những lợi ích mà học bạ số mang lại sẽ giải quyết được rất nhiều các trở ngại của sử dụng và khai thác học bạ giấy. Những ưu điểm của học bạ số là những điều mà phụ huynh, học sinh thành phố cần có.

“Tôi tin tưởng vào sự đón chờ, ủng hộ của nhà trường và phụ huynh trong công tác cải cách này” – ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.

Nêu lên những kiến nghị của ngành giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đối với thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc áp dụng học bạ số, ông Nguyễn Văn Hiếu đề xuất, ngành cần được cho cơ chế tự chủ để kết nối, tiếp nhận, chia sẻ dữ liệu dân cư quốc gia, để cập nhật kịp thời tình hình dân số ngoài nhà trường, phục vụ công tác làm sạch dữ liệu.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát nhằm thống nhất quy định liên quan đến việc ghi nhận kết quả học tập, cũng như lưu trữ kết quả học tập trên học bạ số.

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến học bạ, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ ngành khác rà soát, sớm ban hành các quy định, hướng dẫn về công nhận học bạ số đối với lĩnh vực phụ trách.

Kiến nghị Thành phố bố trí ngân sách để đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyển đổi số của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cũng như ngân sách để đầu tư trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của ngành.

Việt Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thuc-hien-hoc-ba-so-giam-doc-so-gd-tphcm-neu-mot-so-de-xuat-kien-nghi-post244509.gd