Thực hiện kịp thời các biện pháp bảo hộ với công nhân Việt Nam bị cưỡng bức lao động
Chiều 7/7, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin về tình hình công nhân Việt Nam bị cưỡng bức lao động tại Campuchia, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết:
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương ở trong nước, đặc biệt là các địa phương giáp biên giới với Campuchia và các cơ quan chức năng của nước này thực hiện nhiều biện pháp bảo hộ, hỗ trợ các trường hợp công dân khó khăn, hoạn nạn để đưa về nước.
Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu ví dụ như việc lập các nhóm công tác chuyên trách để xử lý yêu cầu hỗ trợ của công dân, đăng cảnh báo lên hệ thống trang điện tử và tài khoản mạng xã hội của các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia và cơ quan chức năng Campuchia trong việc tiếp nhận thông tin hỗ trợ giải cứu công dân Việt Nam là nạn nhân một cách kịp thời và có hiệu quả.
Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã có đường dây nóng bảo hộ công dân 24/7, đường dây nóng của Cục Lãnh sự để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cũng như các thông tin cảnh báo khác; đồng thời phối hợp với cơ quan chức năng ở trong nước, đặc biệt là cơ quan báo chí để thông tin, tuyên truyền, cảnh báo và nâng cao nhận thức của người dân.
“Với sự phối hợp của các cơ quan trong nước, đặc biệt là sự phối hợp rất chặt chẽ của phía Campuchia, đến nay, các cơ quan của hai bên đã đưa về nước khoảng 400 trường hợp, đồng thời hướng dẫn can thiệp và hỗ trợ pháp lý cho khoảng 1.500 trường hợp công nhân gặp khó khăn trong xuất cảnh, đi lại, gia hạn cư trú hay có các hành vi vi phạm pháp luật sở tại”, Người Phát ngôn nêu cụ thể.
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước cũng như Campuchia tăng cường điều tra, triển khai biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh, với mục tiêu có thể giảm và sớm đẩy lùi tình trạng này.