Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả quy định mới về dân chủ ở cơ sở

Ngày 15-2-2025, Thông tư số 122/2024/TT-BQP ngày 31-12-2024 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong Quân đội nhân dân Việt Nam (Thông tư 122) sẽ chính thức có hiệu lực. Làm gì để thực hiện hiệu quả quy định quan trọng này, góp phần phát huy tốt hơn nữa dân chủ ở cơ sở, tạo tiền đề xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh? Trang 'Ý kiến chiến sĩ' chia sẻ một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Đại tá VÕ XUÂN SƠN, Chính ủy Lữ đoàn Phòng không 283, Quân khu 4: Đa dạng hình thức tiếp nhận ý kiến của bộ đội

Ngay sau khi Thông tư 122 được ban hành, Lữ đoàn Phòng không 283 đã tiến hành phổ biến, quán triệt nghiêm túc bằng nhiều hình thức để cán bộ, chiến sĩ dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Thông tư này có nhiều điểm mới, tạo cơ sở vững chắc cho thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ ở cơ sở. Nhận thức đúng và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ góp phần giữ vững niềm tin, ổn định tư tưởng cán bộ, chiến sĩ, giúp cơ quan, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

 Cán bộ, chiến sĩ Trung đội Vệ binh, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 305, Quân khu 5 trong giờ giải lao. Ảnh: AN KHANG

Cán bộ, chiến sĩ Trung đội Vệ binh, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 305, Quân khu 5 trong giờ giải lao. Ảnh: AN KHANG

Điều này đòi hỏi cán bộ các cấp phải gương mẫu từ việc tạo không khí thoải mái trong đối thoại, tránh mệnh lệnh cứng nhắc; thực hiện đúng các nguyên tắc, quy định; biết lắng nghe ý kiến của cấp dưới và tuyệt đối tránh dân chủ hình thức... Đồng thời, cần thường xuyên đổi mới nội dung, biện pháp trong thực hiện dân chủ, nhất là cần đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận ý kiến của bộ đội, như: Thông qua hội nghị, đối thoại trực tiếp, gián tiếp, đối thoại theo nhóm, theo loại hình đơn vị hoặc phát phiếu khảo sát, điều tra, qua hòm thư góp ý... Cùng với đó là duy trì hiệu quả chức năng giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức quần chúng; quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ đi đôi với phân công cá nhân phụ trách, bảo đảm mọi hoạt động dân chủ và rèn luyện kỷ luật của đơn vị đều có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng.

-----------------------------------------------

Thượng tá HOÀNG TƯ THOAN, Phó chính ủy Lữ đoàn 172, Vùng 3 Hải quân: Phát huy tốt dân chủ mang lại nhiều lợi ích

Thông tư 122 quy định cụ thể, chi tiết hơn những nội dung thực hiện dân chủ ở cơ sở; nội dung chỉ huy, cơ quan đơn vị phải công khai và vấn đề quân nhân được bàn, quyết định, tham gia ý kiến, kiểm tra, giám sát. Điều này giúp cho việc tiếp cận, nắm nội dung và tổ chức thực hiện được dễ dàng và hiệu quả hơn. Cùng với đó, thông tư cũng làm rõ hơn về tổ chức và hoạt động của hội đồng quân nhân, giúp cho hội đồng quân nhân nâng cao hiệu quả hoạt động trong việc phát huy dân chủ của quân nhân trên các mặt công tác.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại Lữ đoàn 172 những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là đã phát huy tốt vai trò của hội đồng quân nhân để thực hiện dân chủ về quân sự-chuyên môn, chính trị, kinh tế-đời sống; giúp cho cấp ủy, chỉ huy các cấp kịp thời nắm bắt và giải quyết thỏa đáng những vướng mắc, giúp bộ đội thoải mái về tư tưởng, an tâm công tác. Việc phát huy tốt dân chủ cũng tạo không khí cởi mở, chân thành để cán bộ, chiến sĩ tham gia đóng góp ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến hay, hiệu quả giúp nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị; xây dựng tinh thần đoàn kết, môi trường làm việc thoải mái, tôn trọng lẫn nhau giữa cấp trên với cấp dưới, giữa đồng chí, đồng đội với nhau.

-----------------------------------------------

Thiếu tá NÔNG QUANG LẬP, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Sơn Vĩ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang: Khuyến khích quân nhân góp ý chân thành, có tính xây dựng

Thời gian qua, cùng với thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, chế độ công tác, giao ban, hội họp, kế hoạch công tác tuần, tháng, Đảng ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Sơn Vĩ còn có quy định về xây dựng các kế hoạch quản lý, chi tiêu, sử dụng ngân sách, tài chính, tài sản; về mở rộng dân chủ và tăng cường kỷ luật nhằm nâng cao vai trò, hiệu lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của người chỉ huy, chính trị viên. Đơn vị cũng tổ chức cho quân nhân tham gia đóng góp thực chất vào nghị quyết lãnh đạo, sự quản lý điều hành của chỉ huy, việc giữ gìn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên bằng nhiều hình thức phù hợp. Qua đó đã phát huy quyền làm chủ, tạo sức mạnh tổng hợp, ngăn chặn, khắc phục tình trạng mất dân chủ, các biểu hiện suy thoái, góp phần xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

Thực hiện Thông tư 122, chúng tôi tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo, hướng dẫn của trên về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; rà soát, bổ sung các quy chế, quy định của cấp ủy, chỉ huy để vừa bảo đảm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tuân thủ đúng nguyên tắc, kế hoạch, vừa phát huy quyền làm chủ của cán bộ, chiến sĩ trên các mặt công tác. Chúng tôi cũng tích cực đổi mới nội dung, phương pháp tổ chức sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt đối thoại để tạo không khí dân chủ, cởi mở, khuyến khích mọi quân nhân phát huy trí tuệ, tâm huyết, tham gia đóng góp chân thành, có tính xây dựng cao...

-----------------------------------------------

Thượng úy GIÀNG NGỌC QUANG, Đại đội trưởng Đại đội 8, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 297, Quân khu 2: Cán bộ chủ trì phải nêu gương

Phát huy tốt dân chủ ở cơ sở giúp cấp ủy, chỉ huy đơn vị thuận lợi hơn trong việc quản lý tư tưởng, nắm và định hướng dư luận; kịp thời điều chỉnh, nâng cao năng lực, trình độ, cách thức, phương pháp làm việc của cán bộ; bảo đảm tốt chế độ, tiêu chuẩn cho cán bộ, chiến sĩ...

Theo tôi, để thực hiện hiệu quả Thông tư 122 và phát huy tốt dân chủ ở cơ sở rất cần phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ chủ trì, xây dựng phong cách lãnh đạo, làm việc dân chủ, tránh độc đoán chuyên quyền, thiếu dân chủ trong sinh hoạt. Cũng cần gắn trách nhiệm của cán bộ chủ trì với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến Thông tư 122 và văn bản hướng dẫn; gắn với tình hình thực tiễn, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai trong phạm vi quản lý của đơn vị mình để việc thi hành đạt hiệu quả cao, thực chất.

-----------------------------------------------

Binh nhất BÙI VIỆT ANH, chiến sĩ Trung đội Hữu tuyến điện, Đại đội Thông tin 3, Tiểu đoàn Chỉ huy pháo binh 33, Bộ Tham mưu Quân khu 3: Tránh dân chủ quá trớn, vô nguyên tắc

Tôi đã được chỉ huy đơn vị phổ biến, quán triệt nội dung Thông tư 122 và nắm rõ quyền lợi, trách nhiệm của mình. Theo tôi, để góp phần thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, mỗi quân nhân cần nắm rõ các quy định, tránh biểu hiện dân chủ quá trớn, vô nguyên tắc. Khi phát biểu ý kiến phải trung thực, dựa trên hiểu biết về pháp luật, điều lệnh, điều lệ, quy định của Quân đội, luôn tôn trọng tập thể và đồng đội, thể hiện tinh thần đấu tranh nhưng mang tính xây dựng, không lợi dụng dân chủ để thực hiện mục đích cá nhân, cục bộ, gây mất đoàn kết, chia rẽ.

Tiểu đoàn Chỉ huy pháo binh 33 luôn duy trì nghiêm quy chế dân chủ cơ sở. Các chế độ, nền nếp sinh hoạt được duy trì đầy đủ như sinh hoạt tài chính công khai vào tuần đầu của tháng, sinh hoạt đối thoại dân chủ vào thứ năm tuần cuối tháng và sinh hoạt cấp đại đội, trung đội... Trong các buổi sinh hoạt đó, chúng tôi nêu những vấn đề còn thắc mắc và nguyện vọng trên các mặt công tác là quân sự-chuyên môn, chính trị, kinh tế-đời sống. Các thắc mắc đều được chỉ huy giải thích cụ thể và giải quyết trong thẩm quyền được phép nên chúng tôi đều cảm thấy thoải mái.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/thuc-hien-nghiem-tuc-hieu-qua-quy-dinh-moi-ve-dan-chu-o-co-so-815009