Thực hiện nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Những năm gần đây, mặc dù tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhưng tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật vẫn diễn biến phức tạp. Cần có những biện pháp căn cơ để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng.

Thực trạng công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng

Tỉnh Bắc Kạn có tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 417.539ha, chiếm 86% tổng diện tích tự nhiên; diện tích đất có rừng là 356.740ha (năm 2021 độ che phủ rừng đạt 73,4%); diện tích rừng tự nhiên là 272.790ha; rừng trồng đã thành rừng là 83.950ha và có 16.340ha diện tích đất mới trồng rừng. Trên địa bàn tỉnh có 03 khu rừng đặc dụng và nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên có trữ lượng gỗ, lâm sản lớn, giá trị cao.

Cán bộ kiểm lâm và người dân tham gia tuần tra bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Ba Bể.

Cán bộ kiểm lâm và người dân tham gia tuần tra bảo vệ rừng Vườn Quốc gia Ba Bể.

Trong thời gian vừa qua, Chi cục Kiểm lâm đã kịp thời tham mưu cho sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; cho người dân ký cam kết bảo vệ rừng, không vi phạm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Cùng với đó, ngành tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Trong 10 tháng năm 2022, lực lượng Kiểm lâm đã kiểm tra, phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm 562 vụ vi phạm pháp luật (tăng 182 vụ so với cùng kỳ năm 2021) trong đó 29 vụ có dấu hiệu tội phạm đã lập hồ sơ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra. Hành vi vi phạm chủ yếu là phá rừng trái pháp luật với 433 vụ (chiếm 77% tổng số vụ vi phạm) với tổng diện tích thiệt hại 111,31ha (tăng 237 vụ so với cùng kỳ năm 2021, diện tích rừng thiệt hại tăng 46,51ha).

Diện tích rừng bị phá chủ yếu là rừng sản xuất, là rừng tự nhiên có trữ lượng thấp hoặc rừng tái sinh chưa có trữ lượng. Các loại hình vi phạm khác như tàng trữ, khai thác, vận chuyển, mua, bán lâm sản trái pháp luật là 129 vụ (giảm 52 vụ so với cùng kỳ năm 2021).

Nguyên nhân, số vụ vi phạm phát, phá rừng trái pháp luật trong năm 2022 tăng cao là do người dân (chủ rừng) được giao đất rừng tự nhiên nhưng cơ bản không được hưởng lợi từ rừng tự nhiên, do vậy nhiều người dân bất chấp các quy định của pháp luật, phá rừng để lấy đất sản xuất, canh tác, trồng rừng; các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên trong giai đoạn đóng cửa rừng hiện nay chưa kịp thời, mức hỗ trợ còn thấp.

Trong 2 năm (2021 và 2022), người dân chưa được chi trả kinh phí nhân công khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tự nhiên. Cùng với đó, đời sống của người dân sống trong rừng, gần rừng còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về lâm nghiệp, việc xử lý trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra mất rừng vẫn còn hạn chế…

Giải pháp ngăn chặn phá rừng trái pháp luật

Trước tình trạng phát phá rừng trái pháp luật gia tăng, các đại biểu đại diện các cấp, ngành chức năng tham dự Hội thảo chuyên đề về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã thống nhất đề ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh tình trạng trên.

Cụ thể, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trách nhiệm các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về quản lý lâm nghiệp, bảo vệ nghiêm diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn. Kiên quyết xử lý trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã, huyện nếu để xảy ra tình trạng phá rừng trái pháp luật trên địa bàn mà không có giải pháp ngăn chặn kịp thời, hiệu quả; xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật.

Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cấp phát lợn giống cho các hộ dân vùng đệm.

Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cấp phát lợn giống cho các hộ dân vùng đệm.

Tăng cường thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp với nhiều nội dung, hình thức phù hợp với nhiều đối tượng, trong đó trọng tâm là rà soát, tổ chức ký cam kết lại đối với toàn bộ các cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh. 100% các cơ sở chế biến phải được tuyên truyền và ký cam kết sử dụng gỗ hợp pháp, không vi phạm các quy định về quản lý lâm sản. Tập trung xử lý dứt điểm các hành vi phá rừng trái pháp luật, kiên quyết đôn đốc nộp phạt vi phạm hành chính và áp dụng các biện pháp thống kê tài sản, cưỡng chế tài sản để đảm bảo việc thực thi quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các cơ sở chế biến vi phạm Luật Lâm nghiệp.

Tích cực phát triển kinh tế lâm nghiệp trong rừng tự nhiên. Cụ thể, khai thác bền vững lâm sản ngoài gỗ trong rừng tự nhiên (vầu, nứa, măng vầu, măng nứa, song, mây, dây gắm, giảo cổ lam...). Trồng cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng tự nhiên (chè hoa vàng, khôi nhung tía, thảo quả, cát sâm, gừng đá, bò khai, giảo cổ lam...). Làm giàu rừng tự nhiên bằng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, trồng bổ sung các loài cây trồng lâm nghiệp đa mục đích, giá trị kinh tế cao như cây hồi, giổi xanh, lim, dẻ ván ghép, trám, sấu…

Hỗ trợ người dân vùng đệm rừng đặc dụng cây con, con giống để phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đây là các giải pháp cốt lõi nhằm vừa đảm bảo diện tích rừng tự nhiên, vừa phát triển kinh tế bền vững trên diện tích đất rừng được giao, tăng hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp.../.

Phan Quý

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202211/thuc-hien-nhieu-giai-phap-quan-ly-bao-ve-va-phat-trien-rung-5b90f37/