Thực hiện phân cấp, phân quyền trong các cơ sở giáo dục

Bên cạnh việc thực hiện các hướng dẫn, chỉ đạo của ngành về công tác chuyên môn, phong trào thi đua, các nhà trường và các cấp học trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện phân cấp, tự chủ, đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền; tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình.

Bên cạnh việc thực hiện các hướng dẫn, chỉ đạo của ngành về công tác chuyên môn, phong trào thi đua, các nhà trường và các cấp học trên địa bàn tỉnh còn đẩy mạnh thực hiện phân cấp, tự chủ, đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền; tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình.

Ở cấp học mầm non, hiện nay 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, bao gồm 113 trường mầm non công lập, 6 cơ sở mầm non tư thục và hàng chục nhóm, lớp… được thành lập và tổ chức hoạt động theo đúng quy định tại điều lệ trường mầm non. Thực hiện phân cấp trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động giáo dục mầm non (GDMN), thời gian qua, các cấp quản lý của tỉnh đã xây dựng kế hoạch và thực thi chính sách GDMN; quy định, thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy cơ sở GDMN theo từng loại hình, hạng trường; quy định định mức biên chế, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ theo vị trí việc làm. Về phía các nhà trường, thực hiện quy định về phân cấp, tự chủ đã nâng cao tính chủ động tự quyết, tự chịu trách nhiệm trong việc triển khai nội dung, chương trình, kế hoạch giảng dạy, đánh giá chất lượng trên cơ sở căn cứ khung nội dung, chương trình, kế hoạch chung.

Sinh hoạt chuyên môn tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên Kim Bảng. Ảnh: Hà Trần

Với các cấp học phổ thông, hoạt động phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục cũng được quan tâm đẩy mạnh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Trên địa bàn thị xã Duy Tiên, những đổi mới trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nhất là việc phân cấp quản lý, tự chủ trong các cơ sở giáo dục đã được chỉ đạo thực hiện có hiệu quả. Theo ông Bùi Đình Thanh, Trưởng phòng GD&ĐT thị xã Duy Tiên, việc phân cấp, tự chủ trong giáo dục đã giúp đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, tự chủ, minh bạch; tăng cường thực hiện dân chủ cơ sở, phát huy vai trò và tiếng nói của đội ngũ nhà giáo trong các nhà trường. Từ đó, giúp ngành tập trung xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức triển khai các quy hoạch, kế hoạch, nhiệm vụ, đề án, chương trình cụ thể hóa các chủ trương, định hướng phát triển GD&ĐT bảo đảm tính hiệu quả, khả thi để hoàn thành các mục tiêu năm học và đưa ra các định hướng 5 năm, tầm nhìn 10 năm; tập trung sớm rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển giáo dục phổ thông và mầm non theo hướng tích hợp với quy hoạch của thị xã…

Thực tế cho thấy, các cơ sở giáo dục của Duy Tiên đã thực hiện tốt kỷ cương nền nếp, không còn tình trạng thực hiện sai chức năng nhiệm vụ, thủ trưởng cơ quan tự chịu trách nhiệm trong điều hành công việc. Các nhà trường thực hiện tốt việc phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về xây dựng thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với từng cơ sở; chủ động trong việc xây dựng đề án vị trí việc làm, phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.

Ngành giáo dục các huyện, thành phố cũng chủ động triển khai thực hiện đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở GD&ĐT; giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD&ĐT; phát huy vai trò của hội đồng trường; tạo điều kiện để các nhà trường thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, các nhà trường, cấp học cũng tăng cường quản lý hiệu quả về kế hoạch giáo dục, tài chính, tài sản, đội ngũ, hoạt động chuyên môn; chủ động khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong lĩnh vực chuyên môn, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục; thực hiện phân cấp quản lý đi đôi với kiểm tra, giám sát và đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của các trường về tổ chức, bộ máy, quy mô phát triển, tài chính cũng như quản lý giáo dục. Tập trung chấn chỉnh nền nếp, kỷ cương các cấp học ngay từ đầu năm học; từng giáo viên thực hiện bàn giao học sinh lớp mình phụ trách cho giáo viên dạy năm học tiếp theo, khi bàn giao có biên bản và báo cáo hiệu trưởng về chất lượng học sinh ở lớp học được giao nhận. Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có chất lượng định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh; thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo; tổ chức thực hiện nội dung dạy học theo hướng tiếp cận định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Ông Trần Đình Cảnh, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bình Lục cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT huyện chỉ đạo các trường thực hiện tốt sinh hoạt chuyên môn, bổ sung nội dung giáo dục phù hợp với thực tế địa phương, năng lực học sinh. Các trường hoàn toàn được phép thay đổi ngữ liệu một phần hoặc thay đổi tất cả nội dung của các bài trong sách giáo khoa, bổ sung, lồng ghép các nội dung giáo dục..., phù hợp với nhu cầu và gắn với thực tế địa phương. Do đó, trong các năm học đã có 100% cơ sở xây dựng được kế hoạch giáo dục nhà trường có sự bố trí sắp xếp lại nội dung giáo dục phù hợp với thực tế địa phương.

Trường Tiểu học Tiên Sơn A và các trường học trên địa bàn thị xã Duy Tiên thực hiện tốt việc phân cấp quản lý trong giáo dục.

Trường Tiểu học Tiên Sơn A và các trường học trên địa bàn thị xã Duy Tiên thực hiện tốt việc phân cấp quản lý trong giáo dục.

Thông qua việc phân cấp, tự chủ kế hoạch hoạt động chuyên môn, các nhà trường, cụm trường đã tích cực triển khai thực hiện các chuyên đề sinh hoạt chuyên môn theo từng năm học, tập trung xây dựng và thực hiện các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học đối với công tác bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh có học lực trung bình, yếu, kém. Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ giáo dục, toàn ngành đề cao vai trò chủ động của nhà trường và giáo viên trong xây dựng kế hoạch thực hiện các chương trình giáo dục theo hướng phân bổ hợp lí về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học và hoạt động giáo dục không để quá tải, đáp ứng nhu cầu triển khai chương trình mới theo hướng mở, linh hoạt; giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học. Trong đó, các nhà trường làm tốt vai trò quản lý, phân phối các hoạt động giáo dục, có sự chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Đối với giáo viên, bên cạnh việc nắm vững nội dung chương trình giáo dục, nhất là chương trình mới, thay đổi nhận thức và phương thức dạy học còn xác định rõ được vai trò, trách nhiệm của cá nhân trong việc tham gia xây dựng kế hoạch nhà trường, kế hoạch giáo dục bảo đảm tính thực chất.

Quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục bảo đảm chất lượng theo chương trình giáo dục phổ thông các cấp học, hiệu trưởng các nhà trường còn có trách nhiệm xây dựng kế hoạch phát triển năng lực nghề nghiệp cho giáo viên, nhân viên; động viên và tạo điều kiện cho giáo viên và nhân viên tham gia các hoạt động đổi mới giáo dục. Khuyến khích, động viên giáo viên tự chịu trách nhiệm về quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và chất lượng, hiệu quả giáo dục từng học sinh của lớp mình phụ trách. Tính chủ động và linh hoạt trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai các hoạt động giáo dục trong phạm vi trường học sẽ được nâng cao về chất lượng.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/thuc-hien-phan-cap-phan-quyen-trong-cac-co-so-giao-duc-102828.html