Thực hiện Quy hoạch ĐBSCL: Những ưu tiên hàng đầu để phát triển bền vững toàn khu vực
PGS.TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội nhấn mạnh, Quy hoạch vùng ĐBSCL thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ, tận dụng được nhiều chất xám của các chuyên gia, các nhà khoa học cùng sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương.
PGS.TS. Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kiến trúc Hà Nội: Quy hoạch vùng ĐBSCL thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Chính phủ, chắc chắn khi triển khai sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng nói riêng và cả nước nói chung - Ảnh: VGP/Diệp Anh
Là quy hoạch vùng đầu tiên được ban hành theo Luật Quy hoạch, đây cũng là bản quy hoạch của một vùng đầy đủ nội dung, mạch lạc nhất đến nay, chắc chắn khi triển khai sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội toàn vùng nói riêng và cả nước nói chung. Thực tế cho thấy Chính phủ đang triển khai các giải pháp với mục tiêu thực hiện bằng được các khung sườn hạ tầng giao thông của toàn bộ vùng.
Vấn đề sinh thái được đặt lên hàng đầu
PGS.TS. Trần Trọng Hanh cho rằng, ĐBSCL được chọn để thực hiện quy hoạch vùng đầu tiên là do vị trí và tầm quan trọng của ĐBSCL đối với cả nước, với khu vực và quốc tế. Quy hoạch được xây dựng theo tư tưởng thuận thiên, trong đó tính thích ứng và bền vững được đặt lên hàng đầu.
Việc xây dựng và triển khai Quy hoạch vùng ĐBSCL là công việc tiếp nối Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần triển khai Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc tổ chức Hội nghị cũng giúp nhân dân cả nước, trước hết là người dân ở 13 tỉnh ĐBSCL và các tỉnh lân cận, có nhận thức đúng đắn về vai trò và tầm quan trọng của vùng ĐBSCL đối với cả nước, cũng như các nước trong khu vực và quốc tế, từ đó có hành động đúng.
Theo PGS.TS. Trần Trọng Hanh, bên cạnh những thành quả đã đạt được, ĐBSCL đang đối diện nhiều vấn đề như tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sụt lún; yêu cầu áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, sử dụng hợp lý lao động, tài nguyên thiên nhiên… để thúc đẩy năng suất lao động, thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; vấn đề di dân sang vùng khác, đô thị hóa…
"Quan trọng hơn cả và bao trùm lên tất cả là vấn đề sinh thái và bảo vệ môi trường. Nếu nói đến phát triển bền vững thì cần phải đề cập đến 3 trụ cột: Hiệu quả về kinh tế, công bằng tiến bộ xã hội và môi trường. Riêng đối với ĐBSCL, vấn đề sinh thái được đặt lên hàng đầu theo đúng quan điểm của Chính phủ là thuận thiên, lấy thích ứng làm trọng, chứ không chống lại thiên nhiên", ông Trần Trọng Hanh nói.
Về những đột phá của Quy hoạch này, PGS.TS. Trần Trọng Hanh cho rằng, phát triển kết cấu hạ tầng là điểm mấu chốt, trong đó giao thông phải đi trước, tiếp đến là năng lượng và cấp nước.
Chính phủ đang hết sức quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có tuyến đường cao tốc để kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ. Về đường thủy, cảng Trần Đề được xác định là cửa ngõ của cả vùng ĐBSCL ra phía biển.
Về bảo vệ môi trường, Quy hoạch đã phân được bản đồ phân vùng tương đối tốt và hoàn chỉnh để các cơ quan của Chính phủ có thể hoạch định những chính sách tương ứng với các vùng nhằm bảo vệ tốt nhất vùng ĐBSCL trước những đe dọa của thiên tai và biến đổi khí hậu.
Việc triển khai Quy hoạch sẽ giúp hình thành trên địa bàn này các đầu mối kỹ thuật kinh tế, ở cả cấp vùng, khu vực và cơ sở, trong đó đầu mối cấp cơ sở là tiền đề tạo ra đô thị nông nghiệp. Các nông sản có thể được thu mua, thu gom tại các trung tâm phân phối, trung tâm chuyển giao công nghệ, là cơ sở sơ chế, chế biến để lên cấp cao hơn là trung tâm logistic với mục tiêu đưa các sản phẩm xuất khẩu sang các nước trên thế giới.
Vùng sẽ hình thành những trung tâm lớn, đặc biệt là Cần Thơ với đầy đủ chức năng cần thiết, từ cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở kỹ thuật, trung tâm công nghiệp, nông nghiệp... Đây là đột phá hết sức quan trọng.
Cuối cùng là điểm đột phá về đổi mới thể chế, chính sách đặc thù để giữ dân ở lại, trong đó có xây dựng quy chế và phương thức tổ chức các đầu mối để thực hiện đầy đủ tư tưởng phát triển bền vững của vùng ĐBSCL.
PGS.TS. Trần Trọng Hanh cũng đánh giá Chính phủ đang triển khai các giải pháp với mục tiêu thực hiện bằng được các khung sườn hạ tầng giao thông của toàn bộ vùng. Đây sẽ là tiền đề quan trọng, vững chắc để thu hút đầu tư.
Cùng với đó, Quy hoạch đã phân vùng tương đối rõ ràng. Hiện nay chúng ta đang triển khai quy hoạch từng tỉnh để cụ thể hóa thêm một bước nữa. Đây là cơ sở quan trọng để thu hút đầu tư trên các lĩnh vực, từ kết cấu hạ tầng, đến xây dựng đô thị nông thôn và thu hút dự án về sản xuất kinh doanh, đặc biệt là về phát triển dịch vụ.
Phát huy nguồn lực lớn nhất là con người
Còn TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách NN&PTNT nhìn nhận Quy hoạch vùng ĐBSCL đã cho thấy rõ sự bố trí về không gian, thể hiện được lợi thế của ĐBSCL, nhất là về nông nghiệp, kinh tế nông thôn và kinh tế biển.
Quy hoạch cũng cho thấy cái nhìn tổng hợp để có thể phát triển ĐBSCL bền vững; tổng thể giữa phát triển nông nghiệp, nông thôn với phát triển đô thị và công nghiệp, dịch vụ, công nghệ và logistics; gắn bó giữa các trục kinh tế chính và toàn bộ các vùng chuyên canh nguyên liệu xung quanh…
Một điểm nữa có thể thấy rõ trong quy hoạch là sự liên kết rất chặt chẽ về cơ sở hạ tầng. Ông phân tích: "Những điểm nghẽn về đường sắt, đường bộ, đường thủy… theo quy hoạch này đã có lối thoát. Yếu tố hạ tầng ở đây không chỉ liên kết với nhau trong tỉnh, trong vùng mà còn liên kết với kinh tế cả nước và quốc tế".
Nói về những chính sách cụ thể của các địa phương để thực hiện quy hoạch vùng, TS. Đặng Kim Sơn cho rằng: "Quy hoạch là bức tranh dài hạn, là khung để theo đó phát triển, còn chính sách là những hành động cụ thể của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương… để định hướng cho cư dân làm theo quy hoạch, đảm bảo quy hoạch đi vào cuộc sống".
Ông Đặng Kim Sơn lấy ví dụ về vấn đề bảo vệ tài nguyên được đưa ra trong Quy hoạch này. Cần có chính sách để người dân, chính quyền địa phương có động lực, điều kiện và có khả năng bảo vệ môi trường, giữ gìn cân bằng sinh thái, chống lại các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu nhưng vẫn duy trì được đà phát triển kinh tế.
ĐBSCL cũng là vùng duy nhất cả nước có chuyện "di cư âm" (người dân trong vùng đi ra ngoài kiếm việc làm quy mô lớn). Muốn giải quyết vấn đề này, phải tạo đủ việc làm để người dân yên tâm ở lại quê hương, có được cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Thông thường nói đến quy hoạch là nói đến việc bố trí và phân bổ các tài nguyên tự nhiên. Theo TS. Đặng Kim Sơn, tài nguyên ở ĐBSCL rất đa dạng, gồm đất, nước, rừng, biển... Tuy nhiên, tài nguyên quan trọng nhất và quý báu nhất vẫn là con người, như Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh.
"Trong quy hoạch này chúng ta thấy đến năm 2030, tỷ trọng dịch vụ chiếm 50% trong tổng nền kinh tế, cao hơn tỷ trọng nông nghiệp và công nghiệp. Như vậy vai trò của con người đã được nhấn mạnh. Tuy nhiên muốn biến định hướng đó thành thực tế thì ngoài chuyện giao thông, thủy lợi, điện, nước…, cần chú ý đến hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, nếp sống… để nâng cao chất lượng sống của con người ở ĐBSCL và phát huy bản lĩnh, trí tuệ con người nơi đây", TS. Đặng Kim Sơn phân tích.
Hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long không cần phải đi qua Vũng Tàu, TPHCM… mà cần đi thẳng ra các cảng quốc tế. TS. Đặng Kim Sơn
Cùng với đó là thúc đẩy đô thị hóa đúng hướng để phần lớn nông dân sẽ rút khỏi lĩnh vực nông nghiệp, phát triển được kinh tế phi nông nghiệp, dịch vụ, bao gồm cả du lịch, công nghệ thông tin, nghề thủ công… Hệ thống logistics, cảng biển, đường sắt, chuỗi lạnh… phải thông suốt.
"Để phát huy vai trò nông dân ở ĐBSCL, không có cách phát huy nào tốt hơn là "cơ cấu lại" nông dân, nghĩa là nông dân phải nằm trong các HTX, tham gia chuỗi giá trị. Người lao động phải nằm trong các nghiệp đoàn, hiệp hội hoạt động có tổ chức và tự chủ. Chúng ta phải thực sự làm được vấn đề như Nghị quyết 26-NQ/TW (khóa X) về tam nông đã nói, nông dân phải là chủ thể của quá trình phát triển".
"Các chính sách cần kêu gọi được đầu tư, nhất là đầu tư quốc tế. Có như vậy, người dân mới phát triển được tại chỗ", TS Đặng Kim Sơn tóm lược.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ: "Từ quy hoạch đến chính sách là khoảng cách lớn, từ chính sách đến thực hiện có thể còn là khoảng cách lớn hơn nữa. Nhưng chúng ta đã có quy hoạch rồi, vì thế, chúng ta cần ngồi lại với nhau để bàn bạc và xây dựng lộ trình cụ thể giúp ĐBSCL chuyển mình tích cực trong tương lai".