Thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm: Không cấm nhưng quản chặt

Ngày 14/2, Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định về dạy thêm, học thêm đã chính thức có hiệu lực. Ngành giáo dục tỉnh và các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, nghiêm túc thực thi các nội dung được quy định tại thông tư.

Học sinh Trường THCS Vĩnh Trại đọc sách trong giờ ra chơi

Học sinh Trường THCS Vĩnh Trại đọc sách trong giờ ra chơi

Cụ thể, ngày 30/12/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư này có nhiều điểm mới so với quy định hiện hành tại Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012, nhằm quản lý tốt hơn các hoạt động dạy thêm và đảm bảo nhu cầu học thêm tự nguyện của học sinh. Sau khi thông tư được ban hành, Sở GD&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.

Khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2/2025, nhiều ý kiến lo ngại rằng việc siết chặt quản lý có thể khiến học sinh mất đi cơ hội học tập bổ sung. Tuy nhiên, trên thực tế, thông tư này không cấm dạy thêm mà hướng đến một môi trường minh bạch, công bằng hơn, vừa bảo đảm quyền lợi học tập chính đáng của học sinh, vừa hạn chế những tiêu cực trong giáo dục.

Trên địa bàn tỉnh, ngay sau khi thông tư được ban hành, Sở GD&ĐT đã chủ động triển khai các biện pháp nhằm quán triệt, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả. Theo bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện sở đang xây dựng kế hoạch chi tiết để tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định cụ thể về dạy thêm, học thêm, dự kiến trình vào tháng 5/2025. Song song với đó, sở đã chỉ đạo các trường học tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung thông tư đến toàn thể giáo viên, học sinh và phụ huynh thông qua nhiều hình thức.

Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, về dạy và học thêm do Bộ GD&ĐT ban hành có 6 điểm mới. Cụ thể, thông tư quy định: 3 trường hợp được dạy thêm trong nhà trường gồm học sinh giỏi, học sinh có kết quả chưa đạt và học sinh cuối cấp; việc dạy và học thêm trong nhà trường không được thu tiền; ngoài nhà trường, giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, không được dạy thêm thu tiền học sinh chính khóa dù ở nhà hay ở trung tâm. Các tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh để chịu sự quản lý theo quy định của Luật Doanh nghiệp; việc dạy thêm là hoạt động dạy học phụ thêm, góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học; giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục; việc dạy thêm thu tiền phải đóng thuế.

Những thay đổi quan trọng trong quy định lần này nhằm đảm bảo việc dạy thêm không còn tràn lan và mang tính bắt buộc như trước đây. Theo đó, đối với cấp tiểu học không được tổ chức dạy thêm, trừ trường hợp học các lớp bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao hoặc kỹ năng sống. Giáo viên đang giảng dạy trong trường không được dạy thêm thu phí học sinh mình phụ trách, giúp tránh tình trạng ép buộc học sinh phải học thêm. Giáo viên trường công lập cũng không được tham gia quản lý hay điều hành các cơ sở dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng vẫn có thể tham gia giảng dạy tại các cơ sở này nếu tuân thủ đầy đủ quy định.

Ông Mông Thanh Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Chu Văn An, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Thông tư 29 là một bước tiến quan trọng trong việc quản lý dạy thêm, học thêm, vừa đảm bảo tính minh bạch, vừa hạn chế tiêu cực. Việc nghiêm cấm giáo viên dạy thêm thu phí cho chính học sinh mình phụ trách sẽ giúp ngăn chặn tình trạng ép buộc hoặc dạy trước chương trình để thu hút học sinh học thêm. Chúng tôi đã phổ biến đầy đủ nội dung thông tư đến giáo viên và yêu cầu báo cáo khi tham gia giảng dạy tại các cơ sở ngoài nhà trường để đảm bảo tuân thủ quy định. Nhà trường cũng khuyến khích giáo viên tổ chức các tiết ôn tập miễn phí, đặc biệt là bồi dưỡng học sinh giỏi và các lớp ôn thi quan trọng như thi tốt nghiệp THPT.

Song song với việc kiểm soát dạy thêm, ngành giáo dục Lạng Sơn cũng tập trung nâng cao chất lượng dạy học chính khóa để giúp học sinh tiếp thu bài ngay tại lớp, giảm sự phụ thuộc vào học thêm. Các trường học đã điều chỉnh kế hoạch giáo dục linh hoạt, tập trung vào nội dung cốt lõi, đồng thời sắp xếp những giáo viên có năng lực tốt để hỗ trợ học sinh yếu kém và học sinh cuối cấp. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, đổi mới phương pháp học tập, khuyến khích học sinh rèn luyện kỹ năng tự học đang được đẩy mạnh, giúp các em chủ động tiếp thu kiến thức mà không cần đến các lớp học thêm ngoài giờ.

Học sinh Trường THPT Việt Bắc tự ôn tập kiến thức tại thư viện trường

Học sinh Trường THPT Việt Bắc tự ôn tập kiến thức tại thư viện trường

Minh bạch trong quản lý dạy thêm

Trái với lo ngại ban đầu rằng Thông tư 29 sẽ "cấm cửa" hoàn toàn dạy thêm, quy định mới vẫn cho phép dạy thêm nhưng yêu cầu công khai minh bạch, tránh lạm dụng và biến tướng.

Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Một trong những yêu cầu quan trọng của Thông tư 29 là tất cả các hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường có thu phí đều phải công khai đầy đủ thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở. Nội dung công khai bao gồm: môn học, thời gian, địa điểm, danh sách giáo viên, hình thức tổ chức và mức thu phí. Điều này giúp phụ huynh và học sinh có đầy đủ thông tin để lựa chọn lớp học phù hợp, tránh bị ép buộc hoặc tham gia các lớp học chất lượng không cao.

Để kiểm soát hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên tham gia dạy thêm phải báo cáo với hiệu trưởng hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục về nội dung giảng dạy, thời gian, địa điểm và hình thức tổ chức. Giáo viên trường công lập không được điều hành hoặc quản lý các trung tâm dạy thêm để đảm bảo tính công bằng, tránh xung đột lợi ích.

Ông Đậu Trường Huân, Hiệu trưởng Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Việc không cấm dạy thêm nhưng kiểm soát chặt chẽ, công khai thông tin sẽ giúp cha mẹ học sinh cân nhắc lựa chọn lớp học phù hợp, tránh bị ép buộc. Đồng thời, nhà trường cũng có thể tổ chức các lớp bồi dưỡng miễn phí cho học sinh yếu kém và ôn thi chuyển cấp một cách chính thức mà không lo vi phạm quy định. Hiện tại, Trường THCS Chi Lăng đã có 12 giáo viên đăng ký dạy miễn phí cho học sinh yếu kém, giúp các em củng cố kiến thức mà không gây áp lực tài chính lên gia đình.

Ngoài ra, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, ôn thi vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT vẫn được tổ chức trong trường nhưng không thu học phí và giới hạn không quá hai tiết mỗi tuần. Điều này giúp đảm bảo chất lượng ôn tập nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc công bằng, tránh thương mại hóa giáo dục.

Cô Bạch Thu Trang, giáo viên môn Toán, Trường THPT Văn Lãng là giáo viên đã đăng ký dạy miễn phí tiết ôn tập cho học sinh cuối cấp lớp 12 tại trường chia sẻ: Tôi rất đồng tình với những quy định minh bạch trong quản lý dạy thêm hiện nay. Việc công khai đầy đủ thông tin từ môn học, thời gian, địa điểm, danh sách giáo viên cho đến mức thu phí đã giúp phụ huynh và học sinh có thể lựa chọn lớp học một cách chủ động và chính xác, đồng thời ngăn chặn những hành vi lạm dụng. Đặc biệt, tổ chức các lớp ôn thi tốt nghiệp THPT không thu học phí, giới hạn không quá hai tiết mỗi tuần là một giải pháp thiết thực. Nó không chỉ đảm bảo chất lượng ôn tập mà còn giữ vững nguyên tắc công bằng, tránh việc thương mại hóa giáo dục. Tôi tin rằng với sự minh bạch và quản lý chặt chẽ như vậy sẽ tạo ra một môi trường học tập lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho học sinh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, Thông tư 29 không chỉ giúp minh bạch hóa hoạt động dạy thêm mà còn tạo cơ hội để các trường học nâng cao chất lượng giáo dục chính khóa. Để thực hiện hiệu quả quy định này, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều bên. Phụ huynh cần thay đổi nhận thức, không chạy theo tâm lý đám đông mà nên khuyến khích con em học tập hiệu quả ngay trong giờ chính khóa. Học sinh cần rèn luyện kỹ năng tự học, chủ động tìm hiểu kiến thức thay vì phụ thuộc vào giáo viên dạy thêm. Nhà trường cần chủ động tổ chức các lớp hỗ trợ miễn phí, giám sát chặt chẽ hoạt động dạy thêm của giáo viên để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.

Với sự chủ động của ngành giáo dục, việc triển khai Thông tư 29 hứa hẹn sẽ tạo ra một môi trường học tập công bằng, minh bạch và hiệu quả hơn. Học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách toàn diện mà không còn áp lực học thêm như trước; giáo viên yên tâm giảng dạy đúng trách nhiệm, còn phụ huynh cũng sẽ nhẹ gánh lo toan về chi phí học thêm ngoài giờ. Đây chính là bước tiến quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo công bằng cho tất cả học sinh.

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/lang-son-thuc-hien-thong-tu-29-quan-ly-chat-che-nhung-khong-cam-day-them-5038602.html