Thực hiện 'tối hậu thư' tháng 6/2020 phải xong GPMB cao tốc Bắc - Nam
Triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ GTVT hiện nay. Các địa phương, ban QLDA tiếp tục đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đấu thầu, thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam để tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công.
Chỉ đạo về công tác GPMB cao tốc Bắc - Nam mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các địa phương, ban QLDA tập trung bám sát sự chỉ đạo, yêu cầu của Chính phủ phải có mặt bằng sạch trong tháng 6/2020 để triển khai khởi công đồng loạt các gói thầu cao tốc Bắc - Nam trên cả nước trong tháng 8/2020.
“Trách nhiệm của Bộ GTVT và các địa phương trong giai đoạn tới rất nặng nề. Nếu chúng ta không vào cuộc quyết liệt, không có giải pháp hiệu quả sẽ rất khó hoàn thành công tác GPMB trong tháng 6/2020 theo chỉ đạọ của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng đề nghị các địa phương có dự án đi qua cần đưa công tác GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam vào chương trình làm việc của Ban Thường vụ tỉnh ủy để tập trung chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị địa phương cùng vào cuộc quyết liệt, phân công trách nhiệm rõ ràng cho các tập thể, cá nhân để hoàn thành toàn bộ công tác GPMB các dự án cao tốc Bắc - Nam trong tháng 6/2020.
11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài 654km, đi qua 13 tỉnh với diện tích đất cần thu hồi khoảng 4.835 ha, khoảng 3.690 hộ dân phải tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, tổng kinh phí phục vụ GPMB khoảng 12.401 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng được khoảng 457,42km (đạt 70%). Trong số 114 khu tái định cư phải xây dựng, hiện các địa phương đã phê duyệt xong 36 khu, đang triển khai xây dựng 35 khu. Còn lại, 78 khu tái định cư đang được các địa phương tiến hành công tác khảo sát, thiết kế, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế. Về các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB, 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phải di dời 1.245 vị trí hạ tầng đường điện, 25.436m đường ống nước các loại và 46.529m cáp viễn thông.
Đơn cử, đối với Dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn, ông Bùi Văn Rạng - Phó Giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, đến nay công tác GPMB đã được các hội đồng GPMB nơi dự án đi qua đã cơ bản thực hiện xong việc kiểm kê và bồi thường đất nông, lâm nghiệp; cơ bản hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, hoa màu, vật kiến trúc và đã có thông báo thu hồi đất. Mặt bằng đã hoàn thành khoảng 25,3km/43,28km (chủ yếu là đất nông lâm nghiệp) và 5,7km tuyến nối QL45 với đường Nghi Sơn - Thọ Xuân đạt khoảng 60%. Trong đó, huyện Nông Cống đã hoàn thành khoảng 19,8km/28,2km tuyến chính (đạt 70%) và 5,7km tuyến nối (đạt 99%); tổng diện tích đất thu hồi là 269,19 ha. Công tác phê duyệt phương án bồi thường đất ở, hoa màu, vật kiến trúc và giải ngân kế hoạch 2020 đạt 193,745 tỷ đồng và đang tiến hành công tác chi trả cho người dân. Đối với huyện Tĩnh Gia đã hoàn thành khoảng 5,5km/15km, đạt 36,7%. Tổng chiều dài tuyến là 14,8km, tổng diện tích đất thu hồi 127,05 ha. Công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ đang được tập trung đẩy nhanh tiến độ theo kế hoạch được giao.
Đối với Dự án thành phần đoạn Phan Thiết - Dầu Giây do Ban QLDA Thăng Long đại diện Chủ đầu tư đến nay đã bàn giao GPMB với tổng diện tích là 480,13 ha trên tổng số 749,02 ha diện tích thu hồi dự kiến, đạt 64,1% (tỉnh Bình Thuận là 317,63/365,86 ha; tỉnh Đồng Nai là 162,5/386,16 ha). Về chiều dài tuyến, hiện có thể bàn giao mặt bằng 61,7km trên tổng số 99km, đạt 62,3% (tỉnh Bình Thuận là 41,5/47,7km, tỉnh Đồng Nai là 20,2/51,3km).
Đối với công tác thiết kế kỹ thuật và lập dự toán, đến nay, Bộ GTVT đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Đối với công tác lập dự toán, Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đã có báo cáo thẩm định. Hiện nay, Ban đã trình và Bộ GTVT đang thẩm định tổng dự toán của dự án. Sau khi Bộ phê duyệt tổng dự toán, Ban sẽ cập nhật lại tổng mức đầu tư và phương án tài chính để trình Bộ GTVT phê duyệt làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Dự án thành phần đoạn Mai Sơn - QL45 cũng do Ban QLDA Thăng Long quản lý, đến nay đã GPMB là 300,00 ha/535,86 ha diện tích thu hồi dự kiến, đạt 56,0% (tỉnh Ninh Bình là 34,1/145,29 ha, tỉnh Thanh Hóa là 265,9/390,57km). Về chiều dài tuyến, hiện có thể bàn giao mặt bằng 46,81km trên tổng số 63,37km, đạt 73,9% (tỉnh Ninh Bình là 11,91/14,41km, tỉnh Thanh Hóa là 34,9/48,96km). Đến nay, đã giải ngân được 1.079,108 tỷ đồng (năm 2019 là 777,569 tỷ đồng, năm 2020 là 301,539 tỷ đồng), đạt 50% vốn đã bố trí. Hiện nay, Ban đang tập trung phối hợp với các đơn vị của Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ để trình và Bộ GTVT đang thẩm định tổng dự toán của dự án. Sau khi Bộ phê duyệt tổng dự toán, Ban sẽ cập nhật lại tổng mức đầu tư và phương án tài chính để trình Bộ GTVT phê duyệt làm cơ sở để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Tại Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Ban QLDA 85 đang bám sát địa phương để đẩy nhanh công tác GPMB. Tại đoạn đi qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận, đến đầu tháng 4/2020 đã bàn giao được 52,27/61,5 km (đạt khoảng 85%).
Tỉnh Bình Thuận có 3 phân đoạn dự án gồm Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây hiện công tác GPMB đang được triển khai rốt ráo, đến giữa tháng 4/2020 đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt 100% hồ sơ; đã chi trả tiền bồi thường cho 2.401/2.683 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 89,5%. Tổng vốn đã giải ngân đến nay đạt hơn 1.383/2.018 tỷ đồng. Diện tích mặt bằng tỉnh Bình Thuận đã bàn giao cho các ban QLDA của Bộ GTVT gồm: đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo bàn giao đạt 91/%, Vĩnh Hảo - Phan Thiết 90%, Phan Thiết - Dầu Giây đạt 87%.
Đối với dự án cao tốc Bắc- Nam, công tác giải phóng mặt bằng được giao cho chính quyền địa phương có đường cao tốc đi qua triển khai thực hiện và tách thành dự án riêng.