Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn
Thời gian qua, việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đầy đủ các nội dung theo Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã được quán triệt thực hiện tốt, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Qua đó, ý thức làm chủ của người dân được nâng lên, góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
* Phát huy quyền làm chủ của nhân dân
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ xã Phước An (H.Nhơn Trạch) đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đặc biệt, xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước 1 năm so với kế hoạch vào năm 2019. Cán bộ và nhân dân xã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba…
Những thành quả đó có được là nhờ những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã. Trong đó, không thể không kể tới “bí quyết” coi trọng phát huy dân chủ ở cơ sở, chú trọng quyền làm chủ của nhân dân.
Theo Đảng ủy xã Phước An, Ban chỉ đạo quy chế dân chủ được thường xuyên củng cố kiện toàn, bổ sung quy chế hoạt động. Xã tập trung xây dựng kế hoạch quán triệt thực hiện Thông tư 04 của Tỉnh ủy về Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Pháp lệnh số 34 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn.
Nhờ phát huy được quy chế dân chủ đã tạo đồng thuận xã hội, vận động toàn dân chung tay góp sức xây dựng địa phương. Ông Nguyễn Văn Hồi, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Phước An cho hay, trong 5 năm qua, đã có hơn 600 triệu đồng được người dân đóng góp xây dựng quỹ vì người nghèo; xây dựng được 15 căn nhà tình thương cho người nghèo, hộ khó khăn về nhà ở; vận động được 127 lượt hộ khá giúp 152 lượt hộ khó khăn số tiền hơn 600 triệu đồng cho vay không tính lãi để phát triển sản xuất, chăn nuôi góp phần giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, vận động được gần 1 tỷ đồng tiền đóng góp từ nhân dân để sửa chữa, nâng cấp đường giao thông nông thôn; 97% hộ đăng ký thu gom tự hủy rác thải để bảo vệ môi trường…
Cùng sự đồng lòng góp sức trên các mặt khác của đời sống xã hội, đã góp sức tạo nên diện mạo mới cho địa phương. Nhiệm kỳ qua, 43/43 chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra; Đảng bộ xã liên tục công nhận là Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,1 lần so với đầu nhiệm kỳ; hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao… là những kết quả rất đáng ghi nhận và tự hào.
* Tăng cường tiếp xúc, lắng nghe dân
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thực hiện nghiêm pháp lệnh về thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn, trong các hoạt động có liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân, chính quyền cơ sở đã quán triệt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, công khai cho dân biết, tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các nội dung theo quy định tại Pháp lệnh 34. Các nội dung do nhân dân bàn bạc, quyết định thực hiện chủ yếu thông qua hình thức phổ biến trong các cuộc họp dân. Các nội dung như: huy động đóng góp làm nhà tình thương, xây dựng đường giao thông nông thôn, xây dựng quy ước, hương ước, lập thu chi các quỹ, điều chỉnh địa giới hành chính… đều được đưa ra dân bàn bạc công khai.
Bên cạnh đó, để thực hiện tốt quy chế dân chủ, các xã, phường, thị trấn thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, khó khăn ngay từ cơ sở.
Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ cán bộ tiếp dân và giải quyết các thủ tục hồ sơ cho nhân dân kịp thời, hiệu quả; xây dựng tác phong, thái độ trong quan hệ với nhân dân. Tăng cường công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhân dân để giải quyết kịp thời những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân ngay từ cơ sở.
Đơn cử như tại xã Xuân Tâm (H.Xuân Lộc), trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã tổ chức được 5 buổi đối thoại giữa đồng chí Bí thư Đảng ủy với nhân dân; tiếp 520 lượt công dân (trong đó: Chủ tịch UBND xã tiếp được 120 lượt, các phó chủ tịch UBND xã tiếp được 220 lượt, công chức tiếp công dân được 180 lượt). Tỷ lệ giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo hằng năm đạt 100%. Công tác giáo dục, tuyên truyền và phổ biến pháp luật trong cán bộ, đảng viên và nhân dân được duy trì thường xuyên; quan tâm củng cố các tổ hòa giải ở cơ sở, kết quả hòa giải thành đạt trên 75%...
Những nỗ lực đó đã góp phần tạo dựng được sự tin tưởng, đồng thuận trong dân. Tính đến hết nhiệm kỳ 2015-2020, xã Xuân Tâm đã xây dựng và sửa chữa được 62 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng kinh phí 74 tỷ đồng, trong đó huy động từ nhân dân gần 25 tỷ đồng. Xây dựng, nâng cấp phân hiệu Trường tiểu học Xuân Tâm 1, xây mới Trường tiểu học Xuân Tâm 2 và Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu với tổng kinh phí hơn 34 tỷ đồng, trong đó huy động sức dân trên 2,5 tỷ đồng… cùng nhiều công trình khác có đóng góp lớn về mặt công sức, tiền của của nhân dân.
Việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở ở xã, phường, thị trấn đã góp phần tạo được sự đồng thuận trong dân, phát huy vai trò, trách nhiệm cũng như sự chung sức đồng lòng của người dân tham gia các cuộc vận động, các phong trào, đóng góp xây dựng quê hương. Kết quả, trong năm 2019, nhân dân trong tỉnh đã đóng góp trên 58,3 tỷ đồng và hơn 33,7 ngàn ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn; đóng góp xây mới và sửa chữa 347 căn nhà tình thương, trị giá khoảng 13,4 tỷ đồng…