Thực hiện tốt việc dạy môn Tin học trong trường tiểu học

Năm học 2022- 2023, theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, môn Tin học đã trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 trong các trường tiểu học. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhưng việc dạy môn Tin học trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vẫn được triển khai khá tốt, góp phần vào việc giúp học sinh tiểu học làm quen với môn học cũng như khả năng sử dụng máy tính phục vụ việc học tập và tham gia các cuộc thi dành cho học sinh tiểu học được tổ chức trên mạng internet.

Năm học 2022- 2023, theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, môn Tin học đã trở thành môn học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 trong các trường tiểu học. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ nhưng việc dạy môn Tin học trong các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vẫn được triển khai khá tốt, góp phần vào việc giúp học sinh tiểu học làm quen với môn học cũng như khả năng sử dụng máy tính phục vụ việc học tập và tham gia các cuộc thi dành cho học sinh tiểu học được tổ chức trên mạng internet.

Tại huyện Thanh Liêm, thực hiện dạy và học môn Tin học cấp tiểu học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) địa phương chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn tiếp tục tổ chức dạy học môn học này cho học sinh lớp 4, lớp 5 đối với những trường dạy học 2 buổi/ngày, có đủ điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất.

Theo đó, trong năm học 2022-2023, huyện Thanh Liêm thực hiện tổ chức dạy học môn Tin học cho 1.742 học sinh lớp 4 và 2.112 học sinh lớp 5 của 14 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với thời lượng 70 tiết/lớp/năm học; dành thời gian thích hợp cho học sinh lớp 5 được tiếp cận Chương trình môn Tin học theo Chương trình GDPT 2018 để tạo tâm thế sẵn sàng cho học sinh học lên lớp 6 cấp THCS.

Đối với học sinh các khối lớp 1, 2 được tiếp cận với chương trình giáo dục Tin học thông qua việc tham gia các câu lạc bộ (CLB) Tin học, CLB giải toán qua internet, CLB Trạng nguyên Tiếng Việt, CLB Tiếng Anh trên internet IOE… Đặc biệt, đối với học sinh khối lớp 3, phòng đã chỉ đạo 100% trường tiểu học trên toàn huyện thực hiện dạy Tin học cho 2.228 học sinh khối lớp 3 (đạt 100%) theo Chương trình GDPT 2018 và sách giáo khoa mới.

Tại Trường Tiểu học A Kiện Khê, do bảo đảm được cơ sở vật chất với 1 phòng Tin học và 14 máy tính (đủ bố trí 3 học sinh/máy theo quy định), có 1 giáo viên đạt chuẩn trình độ nên việc dạy và học môn Tin học lớp 3 đã được thực hiện khá bài bản.

Thầy giáo Nguyễn Văn Du, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tuy là năm học đầu tiên môn Tin học trở thành môn học bắt buộc nhưng trước đó, cơ bản học sinh các lớp 1, 2 đã được làm quen với môn học này qua nhiều hình thức nên khi tiếp cận với việc học theo chương trình mới, học sinh lớp 3 không bị lúng túng, nhiều học sinh đã biết thao tác trên máy khá tốt.

Hơn thế, nhà trường có sự chỉ đạo sát sao, giáo viên bộ môn biết chủ động nghiên cứu, khai thác các nội dung của chương trình để có kế hoạch dạy học và tổ chức các hoạt động lớp học một cách tích cực. Tuy mới thực hiện được gần 2 tháng nhưng chương trình môn Tin học bắt buộc đối với học sinh lớp 3 của nhà trường được thực hiện khá thuận lợi.

Giáo viên Trường Tiểu học A Kiện Khê (Thanh Liêm) hướng dẫn học sinh thực hành trên máy vi tính. Ảnh: Hà Trần

Quá trình triển khai tổ chức dạy học môn Tin học, do có tỉ lệ trường tiểu học đạt chuẩn mức 2 khá cao (đạt hơn 76,4%) nên đã bảo đảm đủ phòng học Tin học, được trang bị tương đối đầy đủ từ 14 đến 16 máy tính/phòng học Tin và được kết nối internet để triển khai dạy tin học cho học sinh. Ngay cả với 4 trường mới đạt chuẩn mức độ 1 của huyện cũng đều có phòng học Tin học và có đủ máy tính để dạy Tin học theo yêu cầu.

Ở TP Phủ Lý, năm học này, thành phố triển khai dạy học môn Tin học bắt buộc đối với 3.224 học sinh lớp 3, với 89 lớp. Hiện tại, để đáp ứng yêu cầu dạy học, toàn thành phố bảo đảm có đủ 22/22 phòng học Tin học ở các trường tiểu học công lập, có 13 giáo viên Tin học.

Trước đó, Phòng GD&ĐT đã chủ động, tích cực tham mưu với UBND thành phố để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện về đội ngũ dạy Tin học; chỉ đạo các nhà trường vào cuộc tích cực để chuẩn bị tốt nhất trong điều kiện có thể về cơ sở vật chất như: bảo dưỡng, sửa chữa máy tính. Đội ngũ giáo viên bảo đảm về trình độ, có chuyên môn vững, nhiệt tình, trách nhiệm, được tập huấn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn Tin học theo Chương trình GDPT 2018.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Tổ Tiểu học, Phòng GD&ĐT TP Phủ Lý cho biết: Cùng với việc chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống các phòng học Tin học, có máy tính cho học sinh thực hành hiện có, Phòng GD&ĐT thành phố còn chỉ đạo các trường đăng kí mua sắm tập trung thiết bị Tin học đợt 1 năm 2022. Hiện nay, UBND thành phố đang thực hiện quy trình đấu thầu mua sắm máy tính phục vụ cho phòng học Tin học, dự kiến, đến tháng 11/2022, 100% các trường tiểu học trên địa bàn sẽ có đủ thiết bị cho phòng Tin học.

Về đội ngũ, tuy hiện tại toàn cấp còn thiếu giáo viên dạy Tin học nhưng trước mắt, phòng chỉ đạo ưu tiên giáo viên hiện có cho thực hiện dạy chương trình môn học đối với học sinh lớp 3, thực hiện chế độ biệt phái giáo viên và trưng tập giáo viên THCS tăng cường, hỗ trợ các trường chưa có giáo viên trong việc bảo đảm dạy học theo chương trình quy định.

Trên thực tế, được học môn Tin học, học sinh có thêm điều kiện làm quen và hình thành các kỹ năng sử dụng máy tính. Ngoài thời gian học môn Tin học trên lớp, học sinh còn được tham gia trong các CLB do nhà trường tổ chức, hoạt động trên cơ sở khai thác và sử dụng hệ thống máy tính. Qua đó, đã giúp nâng cao chất lượng dạy và học môn Tin học trong nhà trường.

Tuy vậy, theo bà Nguyễn Thị Thúy Hường, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học- Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT), điều kiện giảng dạy môn Tin học của một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh chưa thực sự thuận lợi, nhất là về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Phòng máy của các trường hiện thiếu về số lượng (bình quân chỉ có từ 10-15 máy/phòng), yếu về chất lượng do hệ thống máy có cấu hình thấp, hay hỏng, ít được bổ sung, sửa chữa, thay thế. Khó khăn này với gần 50% số trường chưa đạt chuẩn mức 2 còn nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên dạy Tin học cấp tiểu học còn thiếu khá nhiều. Hiện toàn cấp mới chỉ có 80 giáo viên môn học này, so với yêu cầu 1 giáo viên/trường thì còn thiếu tới hơn 30 giáo viên nữa.

Mặc dù đội ngũ giáo viên hiện tại được ưu tiên cơ bản cho thực hiện chương trình dạy học đối với lớp 3 nhưng sẽ rất khó khăn trong việc bố trí để tổ chức dạy học làm quen cho học sinh lớp 4, lớp 5. Trong khi đó, nguồn giáo viên Tin học qua nhiều năm đều không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng nên việc giải quyết khó khăn về đội ngũ của môn học này được cấp học thực hiện trên cơ sở chế độ biệt phái, tăng cường giáo viên.

Trong thời gian tới, ngành và các nhà trường xác định thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp để tăng cường các điều kiện về trang thiết bị phục vụ cho việc học tập, thực hành môn Tin học. Rà soát nhu cầu số giáo viên cần thiết dạy tin học ở mỗi đơn vị để có kế hoạch điều động giáo viên dạy liên trường, dạy hỗ trợ. Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc dạy học tin học ở các khối lớp để có phương án khắc phục kịp thời những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai, thực hiện. Trong đó, chủ động xây dựng kế hoạch sửa chữa, mua mới thay thế thiết bị cũ hỏng kịp thời để quá trình dạy học Tin học được thông suốt, không gián đoạn và tạo điều kiện cho giáo viên dạy Tin học tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng giờ dạy, bảo đảm yêu cầu môn học.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/thuc-hien-tot-viec-day-mon-tin-hoc-trong-truong-tieu-hoc-84357.html