Có lầm tưởng cứ học xong ngành Quản lý Công nghiệp là trở thành lãnh đạo

SV Quản lý Công nghiệp cần bồi dưỡng thêm kiến thức nền tảng về kỹ thuật để nhanh chóng bắt nhịp với môi trường làm việc mang tính công nghiệp sau khi ra trường.

Việc đào tạo nhân sự ngành Quản lý Công nghiệp, để có đội ngũ kỹ sư có năng lực quản lý là vô cùng cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vẫn đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, đây cũng là ngành học đặt ra yêu cầu về khối lượng kiến thức ở nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau.

Ngành học với sự kết hợp của kỹ thuật và kinh tế

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Trần Duy Thanh - Phó khoa Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Vào những năm 1990, Giáo sư Phạm Phụ đã sáng lập khoa Quản lý Công nghiệp với mục đích đào tạo kiến thức về kinh tế, kinh doanh, quản trị cho người kỹ sư. Trước đây, nhiều người xem quản trị là nghệ thuật nhưng từ những năm đầu của thế kỷ 20 đó là công việc quản trị vận hành theo khoa học. Tư tưởng chung của quản lý công nghiệp là quản lý quy trình trong tổ chức một cách khoa học".

 Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Hiện nay, chương trình đào tạo cử nhân Quản lý Công nghiệp của Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh bao gồm 3 chuyên ngành: Quản trị Kinh doanh, Quản lý Công nghiệp, Quản trị Chuỗi cung ứng và vận hành.

Hai chuyên ngành Quản lý Công nghiệp và Quản trị kinh doanh được đưa vào từ năm 2005. Gần đây, mô hình kinh doanh thay đổi, xu hướng hiện tại là quản lý cả chuỗi giá trị, kiểm soát nhà cung ứng, kênh phân phối, logistics do vậy khoa mở thêm chuyên ngành Quản trị Chuỗi cung ứng và vận hành”.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền - Phó Trưởng khoa Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên cho hay, sinh viên theo học ngành Quản lý công nghiệp cần có kiến thức ở cả lĩnh vực kinh tế và kỹ thuật.

"Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp có một thách thức khá lớn so với sinh viên khối ngành Kinh tế và Quản lý là các bạn cần phải bồi dưỡng thêm một số kiến thức nền tảng về kỹ thuật để có thể nhanh chóng bắt nhịp với môi trường làm việc mang tính công nghiệp sau khi ra trường. Ngoài ra, sinh viên cũng cần có kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn.

Thực tế, bất kỳ ngành nghề nào cũng đều cần có kiến thức này để có thể ứng dụng trong giao tiếp và đời sống. Đối với khối ngành kinh tế và quản lý thì kiến thức đó lại càng vô cùng cần thiết vì để ra các quyết định quản lý thì luôn cần phân tích và đánh giá môi trường kinh doanh. Và để làm được điều này ngoài các kiến thức về kỹ thuật, kinh tế còn cần các kiến thức về xã hội trên những khía cạnh khác nhau", cô Huyền nói.

 Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền - Phó Trưởng khoa Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền - Phó Trưởng khoa Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên. Ảnh: NVCC

Ngày 07/06/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định về Danh mục ngành đào tạo thí điểm các trình độ của giáo dục đại học. Trong danh mục ngành đào tạo thí điểm trình độ đại học có ngành Quản lý Kinh tế (mã ngành: 7310110).

Bàn về vấn sự khác biệt giữa Quản lý Kinh tế và Quản lý Công nghiệp, Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền bày tỏ: "Quản lý Kinh tế là một khái niệm khá rộng và có thể hiểu theo nhiều khía cạnh khác nhau. Có trường sẽ đào tạo quản lý kinh tế theo hướng quản lý nhà nước về kinh tế trong khi một số trường khác có thể đào tạo quản lý kinh tế theo hướng tài chính và kinh doanh nhiều hơn.

Chính vì vậy, việc chỉ ra các điểm khác biệt giữa các ngành rộng ngày càng trở nên khó hơn mặc dù mỗi chuyên ngành tại mỗi trường sẽ có những thế mạnh đào tạo riêng. Đối với ngành Quản lý Công nghiệp của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), sinh viên sẽ được tiếp cận thêm các kiến thức kỹ thuật nền tảng để có thể bắt nhịp tốt hơn với môi trường làm việc công nghiệp".

Đừng mang tâm lý học quản lý ra làm nhà quản lý

Không ít bạn học sinh nhìn thấy từ "quản lý" sẽ nghĩ đến việc học ngành này để sau khi tốt nghiệp sẽ đảm nhận vai trò của một người quản lý, lãnh đạo. Tuy nhiên, "quản lý" ở đây không mang nghĩa này mà muốn nói đến quá trình lập kế hoạch, điều phối, kiểm soát nguồn lực, hoạt động của tổ chức.

Thạc sĩ Trần Duy Thanh chia sẻ: "Những sinh viên mới ra trường tất nhiên không thể ngay lập tức làm quản lý mà sẽ làm việc ở bộ phận sản xuất, quản lý chất lượng với các chức năng như điều độ sản xuất, phân tích sản xuất, cải tiến chất lượng quy trình, chuyên viên nhân sự, chuyên viên mua hàng, chuyên viên marketing... Khi làm tốt các bạn sẽ chắc chắn sẽ được cất nhắc lên quản lý nhưng trước hết các bạn đừng mang tâm lý học quản lý ra làm nhà quản lý.

Còn về vấn đề làm đúng ngành, hầu hết các bạn ra trường làm trong kinh doanh công nghiệp đều là đúng chuyên ngành. Thực tế, cách dạy và học của nhà trường là trang bị cho các bạn phương pháp tiếp cận vấn đề và giải quyết vấn đề, để các bạn biết mình học để làm gì, tự học và phát triển tùy theo sở thích, theo đuổi nghề nghiệp mà các bạn hướng tới. Thị trường luôn thay đổi và chúng ta cần có năng lực để thích ứng với sự thay đổi đó”.

Ở vị trí doanh nghiệp, anh Trần Minh Đức, Trưởng phòng Thu hút nhân tài - Công ty Cổ phần Sản xuất Nhựa Duy Tân cho biết: "Công ty tuyển khá nhiều các bạn sinh viên từ ngành Quản lý Công nghiệp của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Các bạn có thể làm việc ở vị trí trợ lý sản xuất, giám sát sản xuất hoặc khối nhân sự.

Mỗi năm chúng tôi tuyển mới, tuyển thay thế từ 15-20 người với mức lương khởi điểm 12-13 triệu đồng/tháng. Sau một thời gian làm việc, rất nhiều người nắm giữ vai trò trưởng phòng, giám đốc".

Cũng nói về cơ hội nghề nghiệp đối với sinh viên theo học ngành Quản lý Công nghiệp, Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền bày tỏ: "Ngành Quản lý Công nghiệp đào tạo hướng tới rất nhiều vị trí việc làm khác nhau. Hiện nay có khoảng 55% sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp của khoa Kinh tế Công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) đang công tác tại các doanh nghiệp, công ty, đặc biệt là ở các khu công nghiệp trải khắp cả nước ở mọi lĩnh vực từ quản trị sản xuất, quản trị chất lượng, quản lý nhân sự, nhân viên kinh doanh,…

Bên cạnh đó có khoảng 12-15% đã khởi sự và trở thành các chủ doanh nghiệp ở các quy mô khác nhau, khoảng 7-10% đang làm việc tại các ngân hàng thương mại, ngoài khoảng 9-10% các bạn làm trong các lĩnh vực không liên quan đến kinh tế và quản lý thì số còn lại đang công tác trong các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước ở vị trí chuyên viên, lãnh đạo phòng ban, thậm chí lãnh đạo xã, huyện".

 Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp. Ảnh: NTCC

Theo cô Huyền, một trong những vị trí công việc mà sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp có thể đảm nhiệm đó là giảng viên đại học.

Qua đó có thể thấy, sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp có thể tiếp cận với rất nhiều vị trí công việc khác nhau tại các đơn vị, tổ chức chứ không phải chỉ làm việc trong các doanh nghiệp mới được coi là làm đúng ngành nghề được đào tạo.

Hướng nội hay hướng ngoại không phải là vấn đề

Hiện tại, thế hệ trẻ nhắc nhiều đến "hướng nội" - "hướng ngoại" và dùng nó làm thước đo, xem xét mức độ phù hợp với ngành học, công việc. Nhắc đến vai trò quản lý, có không ít mặc định rằng người này là hướng ngoại với khả năng hùng biện, tự tin nói trước đám đông. Điều trên dẫn đến hiểu lầm rằng ngành Quản lý Công nghiệp không phù hợp với những bạn hướng nội.

 Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham quan nhà máy. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tham quan nhà máy. Ảnh: NTCC

Trước thực tế này, Thạc sĩ Trần Duy Thanh nêu quan điểm: "Hướng nội hay hướng ngoại thực tế không phải vấn đề. Đặc thù của người học ở Trường Đại học Bách khoa nói chung và ngành Quản lý Công nghiệp nói riêng là sinh viên có năng lực tự học và khả năng làm việc với các con số. Điều này rất quan trọng trong quản trị, trong việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Nó gọi là năng lực cứng còn trong quá trình đào tạo, kỹ năng mềm là cái cần lặp đi lặp lại để bổ sung cho kỹ năng cứng.

Trong 4 năm học ở Trường Đại học Bách khoa, môn nào các bạn cũng phải viết báo cáo, trình bày, làm việc nhóm. Trường và khoa cũng có rất nhiều câu lạc bộ sinh viên đồng thời tổ chức các sinh hoạt động ngoại khóa như cuộc thi The Manager to Be, Đêm hội quản lý, Mùa hè xanh, Xuân tình nguyện để giúp các bạn trải nghiệm các kỹ năng và giải quyết vấn đề. Thực tế khi các bạn sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp đến các doanh nghiệp được đánh giá cao ở việc thể hiện được điều các bạn làm".

Minh chứng cho điều này, anh Trần Minh Đức bày tỏ: “Tôi thấy các bạn học Trường Đại học Bách khoa có năng lực tốt, được đào tạo bài bản phù hợp với thị trường và yêu cầu của xã hội. Ngoài ra, vì chúng ta đang hướng đến công nghệ 4.0 nên các bạn cần cập nhật về AI, nắm thêm về kỹ thuật mới, tăng cường khả năng ngoại ngữ. Điều này sẽ giúp ích cho các bạn nhiều hơn trong tương lai”.

Là người từng theo học ngành Quản lý Công nghiệp - bạn Phan Châu Dung, cựu sinh viên (khóa 2014 - 2018) Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, hiện đang đảm nhận vị trí Export Coordinator (Điều phối viên Xuất khẩu) tại Pymepharco – Stada Group chia sẻ: "Các bạn sinh viên nên chủ động bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công việc. Hành trình học tập luôn là mãi mãi nhưng ít nhất mình cần biết đích đến của bản thân là gì để lên kế hoạch rèn luyện.

Chương trình đào tạo ở Trường Đại học Bách khoa chủ yếu là tự học. Nếu sinh viên vẫn học như cấp ba, thầy cô nói gì mình nghe thế sẽ cảm thấy chương trình rất nặng, không giúp ích được gì, Mình phải hiểu rằng mình đang cần kiến thức đó nên bản thân phải tự tìm hiểu trước sau đó hỏi thầy cô, thầy cô cũng mới biết được sinh viên đang có nhu cầu gì để truyền đạt thêm" - Châu Dung nói.

Cùng bàn về vấn đề trên, Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền nêu quan điểm: "Tư duy tốt, năng động, giao tiếp khéo léo và khả năng chịu được áp lực công việc sẽ là những lợi thế trong cả quá trình học tập cũng như làm việc ở bất kỳ lĩnh vực nào. Cá nhân tôi không cho rằng sinh viên ngành Quản lý công nghiệp cần có phẩm chất hay tố chất gì đặc biệt, vì chỉ cần bạn thực sự quyết tâm rèn luyện, bạn hoàn toàn có thể trở thành người phù hợp với lĩnh vực này”.

Nhiều cơ hội đi trao đổi, cập nhật liên tục kiến thức mới

Được biết, ngành Quản lý Công nghiệp của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên còn có chuyên ngành Nghiệp vụ Ngoại thương thuộc khoa Quốc tế. Tiến sĩ Trần Thị Thu Huyền cho hay, đây là chuyên ngành mới thuộc ngành Quản lý Công nghiệp sẽ đào tạo các bạn để có thể đáp ứng các công việc liên quan đến kinh doanh quốc tế, xuất nhập khẩu… Trong khi chuyên ngành Quản lý Công nghiệp hướng tới các công việc quản trị sản xuất, quản lý dự án, marketing, quản trị chuỗi cung ứng trong các tổ chức, doanh nghiệp…

 Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên học tập tại thư viện. Ảnh: NTCC

Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên học tập tại thư viện. Ảnh: NTCC

Do chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh, nên những bạn có năng lực tiếng Anh tốt rất phù hợp. Dĩ nhiên nếu tiếng Anh chưa tốt nhưng các bạn có đam mê thì đây không phải vấn đề vì trong năm thứ nhất, nhà trường có chương trình đào tạo bổ trợ cho các sinh viên theo học các chương trình bằng tiếng Anh.

Chương trình này cũng hướng đến đối tượng chủ yếu là các bạn sinh viên nước ngoài. Hiện nay nhà trường đang có khá nhiều chương trình tương tự để thu hút các bạn du học sinh đến với Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Thái Nguyên.

Còn với Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng có rất nhiều cơ hội học tập dành cho các bạn sinh viên theo hướng liên ngành, trao đổi quốc tế. Thạc sĩ Trần Duy Thanh cho biết, các bạn sinh viên Trường Đại học Bách khoa luôn có được môi trường học tập nghiêm túc, cách làm việc logic và với bề dày truyền thống. Lực lượng sinh viên của khoa đang nắm giữ rất nhiều vị trí quan trọng trong ngành công nghiệp.

Trong chương trình đào tạo, từ khóa 2019 của Trường Đại học Bách khoa, ngoài các môn tự chọn chuyên ngành, các bạn còn có 9 tín chỉ tự chọn tự do. Sinh viên có thể chọn học các môn cơ sở ngành hay chuyên ngành của các khoa khác theo mong muốn.

Trong mảng nghiên cứu khoa học, dự án sinh viên thường không phải là một ngành mà luôn là liên ngành để các bạn sinh viên giúp nhau giải quyết các bài toán thực tiễn của xã hội. Sinh viên ngành Quản lý Công nghiệp là cầu nối để sinh viên kỹ thuật có thể định hướng khách hàng và “thương mại hóa” các sáng kiến kỹ thuật.

Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh còn có rất nhiều mối quan hệ hợp tác với các trường đối tác từ Mỹ, châu Âu, Úc. Với xu thế quốc tế hóa, sinh viên Việt Nam có cơ hội được đi trao đổi, giành được học bổng từ bán phần đến toàn phần từ các trường đối tác và ngược lại cũng có rất nhiều sinh viên quốc tế đến Việt Nam theo học.

Điều này tạo điều kiện cho các bạn sinh viên giao lưu học hỏi từ văn hóa đến phong cách học tập. Từ năm 2010 đến nay, năm nào cũng có từ 8 đến 10 sinh viên khoa Quản lý Công nghiệp đi trao đổi ở châu Âu. Ngoài ra còn có các chương trình giao lưu văn hóa ngắn hạn đến Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Hồng Linh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/co-lam-tuong-cu-hoc-xong-nganh-quan-ly-cong-nghiep-la-tro-thanh-lanh-dao-post243541.gd