Thực hiện triệt để việc sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp quân đội

Ngày 25-10, tại Hội trường Bộ Quốc phòng đã diễn ra Hội nghị quán triệt Kết luận của Thường vụ Quân ủy Trung ương (QUTW) về thực hiện cổ phần hóa (CPH), thoái vốn đối với các doanh nghiệp (DN) quân đội. Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì hội nghị.

Việc cổ phần hóa, thoái vốn còn chậm so với kế hoạch

Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về cơ cấu lại, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, thời gian qua, Thường vụ QUTW, Bộ Quốc phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt 3 đề án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản số 1604/TTg-ĐMDN ngày 10-8-2013 (Đề án 1604), Văn bản số 25/TTg-ĐMDN ngày 30-3-2015 (Đề án 25), Văn bản số 80/TTg-ĐMDN ngày 04-10-2017 (Đề án 80).

 Thượng tướng Trần Đơn và trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Thượng tướng Trần Đơn và trao đổi với các đại biểu tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI.

Theo đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thực hiện và đã hoàn thành CPH được 32 doanh nghiệp/67 doanh nghiệp theo kế hoạch. Quá trình thực hiện tuân thủ đúng quy định của pháp luật, giải quyết tốt chế độ chính sách cho người lao động. Sau khi CPH, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước. Cùng với đó đã thực hiện thoái vốn tại 11 công ty/23 công ty cổ phần. Tổng số vốn nhà nước đã thoái vốn là 61,93 tỷ đồng, giá trị thực tế thu về là 441,61 tỷ đồng, tương đương 7,13 lần.

Để chuẩn bị cho CPH, Ban chỉ đạo đề án 80, Bộ Tổng tham mưu đã chỉ đạo rà soát việc quản lý và sử dụng đất quốc phòng tại 35 doanh nghiệp (có 6 doanh nghiệp thuộc đề án 25 và 29 doanh nghiệp thuộc đề án 80). Hiện các DN đang xây dựng phương án sử dụng đất báo cáo Bộ Quốc phòng. Công tác CPH, thoái vốn trong Bộ Quốc phòng đã tuân thủ đúng theo quy định của Nhà nước, quá trình thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch, đấu giá công khai cổ phần lần đầu ra công chúng đạt kết quả tốt. Giải quyết tốt chính sách đối với người lao động tại các doanh nghiệp khi cổ phần hóa. Công tác CPH đã nâng cao hiệu quả quản lý, quản trị tại doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Phần lớn DNQĐ sau CPH có kết quả sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao hơn, bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước.

Tuy nhiên, mặc dù đã triển khai rất quyết liệt nhưng nhìn chung các Đề án sắp xếp, đổi mới DNQĐ thực hiện còn chậm so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điều này cũng nằm trong một bình diện chung việc chậm CPH, thoái vốn đối với DNNN trên toàn quốc. Do thay đổi quy định, nhất là các quy định về phương án sử dụng đất nên một số DN thực hiện CPH phải xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định mới. Nhận thức của cấp ủy, chỉ huy các cấp chưa đầy đủ về công tác CPH; chưa quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chỉ thị, nghị quyết của Thường vụ QUTW, Bộ Quốc phòng.

Khi CPH do đặc thù DNQĐ có nhiều nhiệm vụ chính trị, hoạt động trước đây không có hiệu quả nên có nhiều công nợ phải xử lý, rất khó khăn khi xác định trách nhiệm cá nhân, tổ chức. Việc xử lý các vướng mắc về tồn đọng tài chính phải kéo dài.

Nhiều quy định mới đối với CPH, thoái vốn DNQĐ

Cơ chế, chính sách đối với CPH, thoái vốn các DNQĐ có nhiều vướng mắc, nhất là về cơ chế quản lý đất quốc phòng. Công tác CPH năm 2017 trở về trước, đất quốc phòng làm kinh tế thực hiện theo cơ chế quản lý được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại văn bản số 1231/CP-ĐMDN ngày 12-9-2003; văn bản số 1869/TTg-KTN ngày 04-11-2008 cho phép các DNQĐ được tiếp tục sử dụng đất quốc phòng sau CPH và giao Bộ Quốc phòng ký hợp đồng cho thuê đất theo hình thức trả tiền hằng năm. Tuy nhiên, theo quy định mới, đối với CPH, theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Nghị định 216/2017/NĐ-CP, khi thực hiện CPH doanh nghiệp, Bộ Quốc phòng phải phối hợp với địa phương triển khai thực hiện một số nội dung về sắp xếp, xử lý nhà, đất, phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi ban hành quyết định CPH. Sau khi CPH thoái vốn sẽ phải bàn giao các vị trí đất không còn sử dụng cho quốc phòng về địa phương quản lý, doanh nghiệp nộp tiền thuê đất về ngân sách địa phương.

 Thượng tướng Trần Đơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI

Thượng tướng Trần Đơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: TRỌNG HẢI

Trước đây khi thực hiện thoái vốn nhà nước tại DN không phải xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị DN, nhưng theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP khi thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần (CTCP) phải xác định giá trị được tạo bởi quyền sử dụng đất thuê vào giá trị thực tế vốn nhà nước tại CTCP. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định xác định giá trị quyền sử dụng đất quốc phòng cho DN đã CPH thuê.

Hiện nay, tại một số doanh nghiệp có tồn đọng về tài chính chưa xử lý được, nên chưa đủ điều kiện để CPH. Thường vụ QUTW đã chỉ đạo quyết liệt việc cơ cấu lại, xử lý tài chính đối với các doanh nghiệp này. Một thách thức nữa là để thực hiện việc cổ phần hóa, thoái vốn theo 3 đề án nêu trên sẽ phải giải quyết chế độ chính sách cho hàng nghìn quân nhân, CNVQP, với kinh phí dự kiến lên tới hàng nghìn tỷ đồng, do đó phải có cơ chế để bảo đảm kinh phí.

Tại hội nghị, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị đã thông báo các văn bản của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2019/NĐ-CP; số 126/2017/NĐ-CP; số 32/2018/NĐ-CP về quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước; cổ phần hóa; thoái vốn tại các công ty cổ phần; biên chế tổ chức, cơ chế, chính sách cho cán bộ, sĩ quan, người lao động... Đại diện một số DN cũng nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện CPH, thoái vốn.

Kết luận hội nghị, Thượng tướng Trần Đơn đã quán triệt các chỉ đạo của Thường vụ QUTW về báo cáo tình hình tài chính và thực hiện CPH, thoái vốn đối với các DNQĐ theo Đề án 80 (thông báo số 846-TB/VPQU). Theo đó, việc thực hiện CPH, thoái vốn phải chặt chẽ, có lộ trình, bước đi phù hợp, sát với từng loại hình doanh nghiệp và giữ ổn định tình hình đối với toàn quân nói chung và từng đơn vị, doanh nghiệp nói riêng. Kiên quyết CPH, thoái vốn đối với những DN không hoặc ít liên quan đến nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Việc CPH, thoái vốn của các DN phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, nhân viên, người lao động trong các DN sắp xếp lại, CPH, thoái vốn; nhất là các đối tượng chính sách, các đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, tránh để xảy ra đơn thư khiếu kiện. “Phải kiên quyết thực hiện triệt để việc sắp xếp, CPH, thoái vốn DNQĐ theo tinh thần chỉ đạo của Thường vụ QUTW. Khi thực hiện quá trình này phải bảo đảm giữ được ổn định chính trị của quân đội, giữ được ổn định, phát triển của DN, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự quốc phòng”, Thượng tướng Trần Đơn nói.

Thượng tướng Trần Đơn lưu ý phải rà soát chặt chẽ báo cáo thực hiện thu hồi, chuyển giao cho địa phương quản lý đối với đất không còn sử dụng cho quốc phòng để thực hiện CPH, thoái vốn theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Các vị trí còn cần thiết cho quốc phòng sẽ quản lý riêng. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần chủ động làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và xử lý kịp thời những vi phạm, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát vốn, đất đai, tài sản của Quân đội và Nhà nước trong việc sắp xếp lại, CPH, thoái vốn DN; kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức để xảy ra các khoản tồn đọng tài chính, các trường hợp sai phạm không khắc phục hậu quả, các vụ việc tham nhũng, tiêu cực tại các đơn vị, doanh nghiệp với mục tiêu cao nhất là bảo đảm quy định của pháp luật, thu hồi được vốn và tài sản cho Nhà nước và Quân đội.

QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/thuc-hien-triet-de-viec-sap-xep-doi-moi-co-phan-hoa-thoai-von-doanh-nghiep-quan-doi-598247