Thực hiện trường học không khói thuốc
Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) vừa phê duyệt Tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá trong bài giảng môn học, hoạt động giáo dục cấp THPT.
Giáo dục lồng ghép với 3 môn học
Ghi nhận thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng học sinh hút thuốc lá trong trường học gia tăng. Một bộ phận học sinh sử dụng các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường, nhưng một số khác sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, như thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng.
Theo Điều tra năm 2019 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong học sinh 13-17 tuổi tại Việt Nam là 2,6%. Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh năm 2022 cho thấy tỷ lệ sử dụng TLĐT độ tuổi 13 -15 là 3,5%. Các chuyên gia WHO cảnh báo, học sinh sử dụng một trong các loại trên sẽ dẫn đến tình trạng nghiện thuốc lá, gặp phải những căn bệnh nguy hiểm, nguy cơ phát sinh tệ nạn xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, kết quả học tập và tương lai sau này.
Vì vậy, theo Bộ GDĐT, việc lồng ghép phòng chống thuốc lá vào hoạt động giáo dục cấp THPT là một trong những nhiệm vụ quan trọng, giúp học sinh nhận thức hệ lụy nghiêm trọng trong việc hút thuốc lá, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, không khói thuốc.
Cụ thể, nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá sẽ được lồng ghép vào bài giảng 3 môn học: Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Sinh học. Tài liệu nêu chi tiết về tác hại của thuốc lá truyền thống, TLĐT với con người nói chung, với thanh thiếu niên nói riêng.
Tập huấn cho giáo viên, học sinh
Đến thời điểm này, nhiều địa phương đã triển khai tập huấn cho giáo viên, học sinh về việc nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng chống thuốc lá mới cho học sinh các cấp học.
Cuối tháng 10 vừa qua, tại Thái Nguyên Sở GĐĐT phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức tập huấn cho trên 120 giáo viên các trường tiểu học, THCS trên địa bàn về kỹ năng phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học. Các giáo viên tham dự lớp tập huấn được cập nhật các giải pháp ngăn chặn TLĐT, thuốc lá nung nóng xâm nhập học đường. Từ đó, các thầy cô giáo tăng cường truyền thông, giáo dục và nhắc nhở học sinh không hút thuốc lá, triển khai nhân rộng mô hình “trường học không khói thuốc”.
Đầu tháng 11, tỉnh Bắc Giang tổ chức chương trình tập huấn sử dụng tài liệu hướng dẫn giáo dục lồng ghép phòng, chống tác hại của thuốc lá cấp THCS cho gần 500 thày cô của 10 huyện, thành phố. Chuyên đề này cũng được truyền thông trực tiếp cho gần 1.500 học sinh, giáo viên Trường THPT Việt Yên số 2. Đây là chương trình do Bộ GDĐT phối hợp với Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) và Sở GDĐT Bắc Giang tổ chức. Tại buổi tập huấn, giáo viên, học sinh được tiếp cận những thông tin mới nhất về tác hại của thuốc lá, đặc biệt là nhóm thuốc lá mới đang phát triển rất nhanh trong cộng đồng.
Tại buổi tập huấn do Bộ GDĐT phối hợp với Tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam và Sở GDĐT Hà Nội tổ chức vừa rồi, ông Nguyễn Nho Huy – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất (Bộ GDĐT) nhấn mạnh, tác hại của thuốc lá đối với trẻ em, học sinh hiện nay là vấn đề thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhiều gia đình và tạo sự bất an trong xã hội. Trong số các giải pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là TLĐT đối với học sinh, cần lưu ý phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ tư vấn tâm lý học đường; tinh thần, trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên trong việc nắm bắt tâm lý, kịp thời phát hiện, hỗ trợ, ngăn chặn hành vi hút thuốc lá điện tử của học sinh. Bên cạnh đó phối hợp giáo dục, định hướng nhận thức của các em, để từ đó các em thay đổi hành vi theo những chuẩn mực tốt đẹp.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/thuc-hien-truong-hoc-khong-khoi-thuoc-10267547.html