Thực hiện việc khó, nhiệm vụ trọng tâm: Tập trung cao, rõ trách nhiệm

Thời gian qua, các cấp ủy trên địa bàn tỉnh đã tập trung cao lãnh đạo, tổ chức thực hiện các việc khó, nhiệm vụ trọng tâm, tạo chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng, phát triển KT - XH của các địa phương.

Gỡ vướng từ cơ sở

Triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo và người có công, xã Yên Sơn (Lục Nam) coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm. Đảng ủy xã đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thường xuyên họp kiểm điểm tiến độ; gắn trách nhiệm, đánh giá thi đua đối với cán bộ, đảng viên được phân công hỗ trợ; huy động sự vào cuộc tích cực của chi ủy, ban lãnh đạo các thôn.

 Lãnh đạo Đảng ủy xã Yên Sơn (Lục Nam) kiểm tra tiến độ xây dựng nhà cho hộ nghèo, cận nghèo.

Lãnh đạo Đảng ủy xã Yên Sơn (Lục Nam) kiểm tra tiến độ xây dựng nhà cho hộ nghèo, cận nghèo.

Đồng chí Phùng Văn Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cho biết: “Mỗi ngôi nhà được chúng tôi coi như một dự án, trong đó nêu rõ mức đầu tư, thời gian khởi công, thời gian hoàn thành. Qua nắm bắt thực tế, nhận thấy do còn thiếu kinh phí đối ứng nên một số hộ chần chừ chưa triển khai, nguy cơ chậm tiến độ. Tháo gỡ khó khăn này, xã tạo điều kiện tạm ứng trước 50% kinh phí hỗ trợ để mua nguyên vật liệu; giao các tổ chức hội, đoàn thể hỗ trợ ngày công tháo dỡ, san gạt mặt bằng. Với sự nhất quán trong chỉ đạo, đến nay, xã đã khởi công 9/13 nhà. Dự kiến đến tháng 9 năm nay hoàn thành bàn giao nhà mới cho các hộ”.

Xử lý triệt để những trường hợp vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Chỉ thị số 19 - CT/TU của Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy là nhiệm vụ khó. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Mỹ Thái (Lạng Giang) đã dồn sức cho nhiệm vụ này. Quá trình xử lý, địa phương chú trọng tuyên truyền, vận động. Các đồng chí Thường trực Đảng ủy xã trực tiếp cùng tổ công tác đi xác minh hiện trường, gặp gỡ, nắm bắt thông tin, nguyện vọng của các hộ vi phạm. Từ hoạt động này, địa phương đã có cách làm riêng, đó là phối hợp với doanh nghiệp san lấp mặt bằng để giúp hộ dân vi phạm bốc dỡ, phá bỏ công trình. Xã đã kiểm tra lập hồ sơ xử lý 141/141 trường hợp vi phạm. Với các vi phạm phát sinh sau khi Chỉ thị số 19 được ban hành, địa phương đã lập biên bản ngăn chặn 13 trường hợp thay đổi hiện trạng đất, quyết định xử phạt 4 trường hợp.

Được biết, để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 19, BTV Huyện ủy Lạng Giang đã thành lập tổ công tác do các đồng chí ủy viên BTV, huyện ủy viên trực tiếp phụ trách các xã, thị trấn để chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn việc xử lý vi phạm. Hằng tuần tổ chức kiểm điểm, đánh giá tiến độ và bàn phương hướng thực hiện. Với những khó khăn, vướng mắc, tổ công tác đề xuất Huyện ủy yêu cầu cơ quan chuyên môn hướng dẫn hoặc trực tiếp hỗ trợ giải quyết.

Phân công rõ người, rõ việc

Một trong những điểm nhấn thể hiện sự đổi mới tác phong lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh là chủ động chọn việc khó, việc trọng tâm hay bức xúc, nổi cộm để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện. Năm 2023, các huyện, thị xã, TP đăng ký giải quyết 49 việc, nhiệm vụ trọng tâm. Các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn đăng ký giải quyết 1.343 việc. Số việc đã giải quyết đạt hơn 95% và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Năm nay, các huyện, thị xã, TP đăng ký thực hiện 58 việc, nhiệm vụ trọng tâm. Các cơ quan, đơn vị, xã, phường thị trấn đăng ký thực hiện 2.188 việc.

Kinh nghiệm của các địa phương là ngoài chọn đúng việc mà thực tiễn đặt ra, quá trình giải quyết cấp ủy chú trọng phân công nhiệm vụ cho đảng viên theo địa bàn phụ trách. Khuyến khích, đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy. Ở huyện Hiệp Hòa, giai đoạn 2023-2025, toàn huyện có 11 xã phải sáp nhập thành 5 xã. Đây cũng là địa phương có số lượng đơn vị hành chính sáp nhập nhiều nhất tỉnh giai đoạn này.

Đồng chí Dương Thanh Tùng, Bí thư Huyện ủy cho biết: Xác định đây là việc khó, cần tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, huyện thành lập Ban Chỉ đạo do Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban; thành lập 5 đoàn công tác của BTV Huyện ủy do các đồng chí Ủy viên BTV phụ trách 11 xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và các tổ giúp việc. Nhằm thống nhất về nhận thức, hành động, tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động nhân dân, BTV Huyện ủy yêu cầu đảng ủy các xã thuộc diện sáp nhập chỉ đạo các chi bộ thôn triển khai sinh hoạt theo chuyên đề. Nhờ vậy, tại 54 điểm bỏ phiếu của các thôn, đông đảo nhân dân đã đến bỏ phiếu, nhiều điểm tỷ lệ cử tri đồng ý sáp nhập đạt 100%.

Tại huyện Yên Thế, công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm luôn được Thường trực và BTV Huyện ủy kiểm điểm tiến độ, bàn biện pháp tháo gỡ. Riêng đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện được giao trực tiếp hằng tuần tổ chức hội nghị kiểm điểm tiến độ. Kết quả là nhiều dự án đã được triển khai như: Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế; cải tạo, nâng cấp tuyến đường từ thị trấn Bố Hạ qua xã Đông Sơn đi Trường Cao đẳng Nghề Đông Bắc...

Những vấn đề trọng tâm, việc khó ở cơ sở được giải quyết, xử lý hiệu quả đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để các huyện, thị xã, TP trong tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH ở địa phương.

Bài, ảnh: Tuệ An

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/thuc-hien-viec-kho-nhiem-vu-trong-tam-tap-trung-cao-ro-trach-nhiem-075833.bbg