Thực hư ăn cơm nguội có thể gây ung thư
Thói quen ăn cơm nguội đã tồn tại từ lâu trong các gia đình Việt. Tuy nhiên, nhiều người hoang mang trước tin đồn ăn cơm nguội gây ung thư. Vậy thực hư thế nào?
Nhiều gia đình có thói quen ăn cơm nguội nhưng gần đây xuất hiện nhiều tin đồn cho rằng việc này có hại cho sức khỏe. Điều này khiến nhiều người hoang mang, lo lắng nhất là dân văn phòng hay mang cơm đi ăn trưa.
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, cơm nguội hoàn toàn an toàn và không có nguy cơ ung thư hay gây ngộ độc nếu được nấu chín và bảo quản đúng cách trong vòng một ngày (24 giờ).
“Tất nhiên, cũng phải nhấn mạnh một vấn đề rằng, ăn cơm nguội dù vẫn an toàn và được hâm nóng lại, nhưng chắc chắn chất dinh dưỡng sẽ không được bằng cơm mới nấu”, PGS Thịnh cho biết.
Đồng thời, PGS Thịnh cho biết thêm, những thắc mắc của người dân về việc ăn cơm rang ở các hàng quán nguy cơ xảy ra ngộ độc cao là hoàn toàn có cơ sở. Bởi, tình trạng sử dụng cơm nguội để chiên rang ở các cửa hàng ăn uống là rất phổ biến, việc họ có sử dụng cơm nguội lâu ngày hay không khó mà kiểm chứng được.
Do vậy, việc ăn cơm rang thường xuyên là điều không nên vì thực tế cơm rang cùng dầu mỡ có thể gây những triệu chứng khó tiêu cho người sử dụng. Chưa kể việc bảo quản cơm nguội và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm ở những quán cơm bình dân còn rất nhiều vấn đề cần phải được lưu tâm.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Dược sĩ Lê Hồng Dũng - Trưởng Khoa Hóa thực phẩm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, những tin đồn về tác hại đối với sức khỏe khi ăn cơm nguội chưa có căn cứ khoa học.
Để xảy ra ngộ độc thực phẩm khi ăn cơm nguội không phải vì cách làm nóng mà vì cơm đó được bảo quản không đúng cách trước khi ăn.
Do trong gạo có thể có bào tử vi khuẩn Bacillus cereus, bào tử này có thể sống sót trong cơm đã nấu chín, nếu để cơm ở nhiệt độ phòng càng lâu thì càng có nguy cơ bào tử vi khuẩn này phát triển thành vi khuẩn và sinh ra độc tố gây ngộ độc.
Triệu chứng ngộ độc của độc tố vi khuẩn Bacillus cereus là gây buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy 1-5 giờ sau khi ăn.
Theo ThS. DS. Lê Hồng Dũng, cơm thừa của bữa trước có thể bảo quản và dùng lại cho bữa tiếp theo nếu bảo quản và thực hiện đúng cách, ví dụ làm nóng lại bằng cách hấp hay quay lò vi sóng.
- Khi làm nóng cơm nguội cần chú ý đảm bảo cơm được làm nóng đều và đủ nước để tạo hơi nóng đủ. Ví dụ có thể thêm một ít nước đều lên cơm trước khi làm nóng bằng lò vi sóng.
- Không nên ăn cơm thừa sau khi bảo quản quá 1 ngày.
- Không nên làm nóng lại cơm nguội quá 1 lần trước khi ăn.
Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/thuc-hu-an-com-nguoi-co-the-gay-ung-thu-d194477.html