Thực hư câu chuyện nhiều người rầm rộ luộc đũa gỗ trên mạng xã hội

Gần đây trên mạng xã hội truyền tai nhau về cách làm sạch đũa gỗ bằng phương pháp luộc đũa trong nồi nước sôi, tuy nhiên sau khi luộc xong lại thấy nước luộc có màu khiến nhiều người bàn luận sôi nổi.

Theo các clip trên mạng xã hội, luộc đũa giúp tiêu diệt tận gốc các loại vi khuẩn và mùi hôi do nấm mốc bám trên đồ gỗ. Nhiều chị em nội trợ cũng đồng tình với cách làm như thế này vì đây là cách dân gian từ thời xa xưa ông bà truyền lại. Tuy nhiên, khi luộc đũa trong nồi nước sôi khoảng mấy phút thì nước lại ra màu đỏ nâu khiến nhiều người hoang mang.

Trên mạng xã hội Tiktok, tài khoản H.M chia sẻ, thấy nhiều người hướng dẫn làm sạch đũa bằng cách luộc với nước, khi đun được 5 phút bắt đầu thấy nước có màu đỏ nên cảm thấy sợ và đã vứt đũa đi. Thế nhưng ngay dưới bình luận, nhiều người lại bày tỏ quan điểm rằng đây là lớp sơn chống mốc, khi luộc lên như thế sẽ làm mất lớp sơn khiến đũa bị mốc hơn. Nhiều người lại tỏ ra lo lắng vì sợ lớp sơn này có hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình khi sử dụng.

Hình ảnh luộc đũa gỗ trên mạng xã hội (ảnh cắt từ video).

Hình ảnh luộc đũa gỗ trên mạng xã hội (ảnh cắt từ video).

Theo tiến sĩ Ngô Quốc Quyền, Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, trên đũa gỗ công nghiệp ít nhiều được sơn một lớp bảo vệ chống ẩm mốc. Trong quá trình luộc sơn dầu bị tách ra hòa với nước khiến cho nước đổi màu sang nâu đỏ và nổi ít váng.

Đũa gỗ là sự lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình người Việt, tuy nhiên nhiều người không quan tâm đến việc bảo quản đũa gỗ đúng cách khiến nó trở thành nguồn lây bệnh tiềm ẩn trong bữa cơm hàng ngày.

Khi sử dụng đũa gỗ hàng ngày, mọi người đều phải quan sát bề mặt đũa có các vết mốc, nấm hay không. Đũa tre và đũa gỗ là môi trường sống ưa thích của nấm mốc. Đặc biệt khi đũa trong môi trường ướt, độ ẩm cao và chỉ cần thời gian là vi khuẩn có thể sinh sôi.

Một vài cách làm sạch đũa gỗ đơn giản

Thường xuyên phơi nắng đũa gỗ sau khi được rửa sạch là cách thông dụng nhất tránh tình trạng đũa bị ẩm mốc. Nhiệt độ ánh nắng mặt trời sẽ tiêu diệt những vi khuẩn ẩn nấp trong đũa. Trong trường hợp thời tiết âm u hay trời tối, nên phơi đũa thoáng mát hoặc hơ đũa qua lửa.

Việc ngâm đũa và bát đĩa sau ăn quá lâu với nước chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đũa bị nấm mốc. Khi ngâm đũa gỗ trong nước, lượng dầu mỡ cùng thức ăn dư thừa khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập hơn. Đây là khoảng thời gian mà đũa gỗ dễ bị nhiễm vi khuẩn nhiều nhất gây nên tình trạng bị ẩm mốc.

Khi rửa đũa, không nên chà xát mạnh vào thân gỗ tránh tình trạng đũa bị trầy xước. Tại những vết trầy xước, vết rãnh này sẽ là nơi cư trú của nhiều vi khuẩn. Khi dùng đũa gỗ này để gắp thức ăn, lượng vi khuẩn sẽ xâm nhập vào cơ thể theo đường tiêu hóa.

Không nên chà xát mạnh tránh gây xước đũa gỗ.

Không nên chà xát mạnh tránh gây xước đũa gỗ.

Đối với đũa gỗ được nhuộm màu bởi lá cây, khi sử dụng lần đầu tiên nên ngâm với muối loãng, sau đó rửa sạch đem phơi nắng. Vì trong quá trình sản xuất và vận chuyển, đũa dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn hay chất hóa học. Ngoài ra thường xuyên luộc đũa với nước sôi và chút giấm, chanh hay muối để loại trừ vi khuẩn gây bệnh.

Theo ý kiến của các chuyên gia khuyến cáo, nên thường xuyên thay đũa gỗ trong nhà. Nên thay đũa gỗ hay đũa tre khi sử dụng trên 3 tháng, đặc biệt khi xuất hiện những chấm đen hoặc những vệt màu trắng thì nên thay đũa mới sử dụng. Ống đựng đũa cũng không bị đọng nước, thường xuyên được rửa sạch và khử trùng.

Khi nấu nướng, không nên sử dụng đũa để xào nấu thức ăn vì khi nhiệt độ cao, các hóa chất ở bên ngoài đũa dễ bị phân hủy, gây ngộ độc kim loại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng.

Cơ Quan Chức Năng Lên Tiếng Vụ Đỉa Trong Bình Nước Nguyên Tem Cấp Cho Trường Mầm Non | SKĐS

Hồng Ngọc

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/thuc-hu-cau-chuyen-nhieu-nguoi-ram-ro-luoc-dua-go-tren-mang-xa-hoi-169230511104625185.htm