Thực hư chuyện chồng bị 'yếu' do vợ cho ăn nhiều trứng vịt lộn
Sau những ngày liên tiếp ăn trứng vịt lộn, Hưng thấy cơ thể mình khang khác. Anh không còn nhiều hứng thú 'chuyện ấy' với vợ. Kèm theo đó, thời gian cho mỗi cuộc 'yêu' giảm đi rõ rệt…
Cách đây không lâu, Đình Hưng (sống tại Hà Nội) bị suy nhược cơ thể do làm việc quá sức. Thương chồng vất vả, Lam – vợ Hưng thường xuyên mua các món ăn bổ dưỡng để bồi bổ cho chồng.
Nghe chị bạn mách ăn nhiều trứng vịt lộn rất tốt cho người mới ốm dậy, người đang trong giai đoạn hồi phục sức khỏe, Lam liền áp dụng, ngày nào cũng mua về cho Hưng ăn.
Sau khoảng 10 ngày tẩm bổ, Lam mừng vì thấy chồng dần "hồi người". Còn về phía Hưng, dù thấy sức khỏe có nhiều cải thiện nhưng Hưng lại cảm nhận cơ thể mình có gì đó khang khác. Anh không còn nhiều hứng thú mỗi khi "gần gũi" với vợ. Không những thế, thời gian kéo dài cho mỗi cuộc "yêu" của Hưng cũng giảm rõ rệt so với trước đây.
Dĩ nhiên Lam nhận ra điều đó. Nhưng cô chỉ nghĩ chồng vẫn còn dư âm từ đợt suy nhược nên tiếp tục mua trứng về bồi bổ cho Hưng. Tuy nhiên, tình trạng "chưa đi đến chợ đã tiêu hết tiền" của Hưng ngày càng tăng.
Cảm thấy có lỗi với vợ nhưng Hưng không có cách nào để lý giải về sự thay đổi này trong cơ thể mình. Bởi lẽ, chính anh cũng không thể hiểu, mình bị "yếu" là do đâu.
Đắn đo mãi mới dám thổ lổ tình trạng của mình với một nam đồng nghiệp, Hưng bị người bạn cười phá lên phán rằng: "Ai bảo ngày nào cũng trứng vịt lộn kèm rau răm. Không yếu mới là lạ" (?!)
"Thủ phạm" là rau răm, không phải trứng vịt lộn
Trước những nghi vấn về việc ăn nhiều trứng vịt lộn có thể gây yếu sinh lý ở nam giới, theo lương y đa khoa Bùi Hồng Minh, Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình (Hà Nội), điều này là không đúng.
Vị chuyên gia này lý giải, theo Đông y, trứng vịt lộn không chỉ là món ăn bổ dưỡng tốt cho sức khỏe mà còn có thể cải thiện khả năng sinh lý. Chính vì món ăn này làm tăng ham muốn tình dục nên người ta phải ăn kèm chúng với rau răm. Đây là cách ăn có từ lâu đời và là một sự kết hợp hài hòa đem để cân bằng âm dương cho cơ thể.
Tuy nhiên, đó là công dụng khi ăn kèm rau răm ở mức vừa phải. Bởi lẽ, nếu ăn quá nhiều rau răm với trứng hoặc ngày nào cũng ăn sẽ lại mang tác dụng ngược, tức là làm giảm ham muốn tình dục.
Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong rau răm chứa một số tinh dầu và chất ức chế dục tính. Do đó, lương y Bùi Hồng Minh cho rằng, nếu nói ăn nhiều trứng vịt lộn làm giảm chức năng sinh lý của nam giới thì có thể là do đã ăn kèm theo quá nhiều rau răm. "Thủ phạm" là rau răm, không phải do trứng.
Ăn trứng vịt lộn thế nào để tốt cho sức khỏe?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trứng vịt lộn là món ăn rất bổ dưỡng. Trong trứng có 182 kcal năng lượng, 13,6 gam protein; 12,4 gam lipit; 82 mg canxi; 212 gam photpho và 600 mg cholesterol. Ngoài ra còn có rất nhiều các vitamin, sắt…
Tuy nhiên, không nên lạm dụng ăn quá nhiều vì sẽ dẫn đến nguy cơ tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây ra các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, tăng lượng protein, không tốt cho người có bệnh gout.
Bên cạnh đó, đây cũng là món ăn khó tiêu do chứa hàm lượng chất đạm và cholesterol cao. Vì vậy, không nên ăn vào buổi tối để tránh bị đầy bụng, có hại cho hệ tiêu hóa. Tốt nhất nên ăn vào buổi sáng. Mỗi tuần chỉ cần ăn 2 trứng vịt lộn là đủ.
Trứng vịt lộn thường ăn cùng gừng và rau răm vì có tác dụng làm ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn. Nhưng lưu ý, không nên ăn nhiều các loại gia vị này. Nếu ăn 2 trứng, chỉ ăn kèm tối đa khoảng 5g gừng tươi thái chỉ và 5g rau răm tươi.
Những người béo phì, người cao tuổi, bệnh nhân cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, tim mạch nên hạn chế ăn trứng vịt lộn. Với phụ nữ mang thai, không nên ăn kèm trứng với rau răm và gừng vì dễ gây hại cho thai nhi trong bụng.