Thực hư chuyện hiếm muộn đến chùa cầu được con

Với người Á đông, nếu gia đình nào chẳng may hiếm muộn con cái thường bị điều tiếng khá nặng nề. Có lẽ vì thế, không phải ngẫu nhiên, khắp ba miền Bắc – Trung – Nam đều có những đền chùa cầu tự nổi tiếng.

Chùa Hương.

Chùa Hương.

Kinh Phật dạy rằng, những người ở kiếp trước sống tốt chắc chắn ở kiếp này sẽ có một gia đình ấm cúng đề huề con cháu. Ngược lại, những ai ác đức, thì ở kiếp này sẽ hiếm muộn, không có con cho tới suốt đời. Tuy nhiên, đức Phật luôn mở rộng vòng tay cho những ai biết thành tâm, hướng Phật…

Nườm nượp người tới “cầu con”

Thời xưa, vào tháng Giêng, tháng Hai, các vợ chồng hiếm muộn thường dắt nhau vào lễ chùa Hương Tích (ngày nay gọi là chùa Hương, ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cầu tự. Trong chùa có một hang đá, thạch nhũ mọc lổn nhổn hai bên, tục gọi là núi Cô, núi Cậu.

Những người muốn cầu tự đem hương oản, quả lễ vào chùa, đem quà bánh đến chỗ hang thạch nhũ đó, coi hòn nào thích mắt thì xoa tay vào đầu mà khấn: “Cậu về ở với vợ chồng nhà tôi nhá”. Ai nhiều con trai rồi mà muốn cầu con gái thì sang dãy núi Cô, cũng nói y như vậy.

Khấn xong lúc trở ra về, ăn thì thêm bát thêm đũa, đi đò thì trả thêm một suất cho người lái đò, làm như đã có một người đi theo vậy. Nếu ở nhà mà sau vợ có mang sinh con thì mỗi năm phải đem con về chùa tạ ơn Phật.

Ở Phú Thọ có đền Lăng Sương là ngôi đền được xây dựng từ thời Thục An Dương Vương là nơi thờ Tản Viên sơn thánh (một trong tứ bất tử của nước ta) và thân mẫu của ngài là mẫu Đinh Thị Đen nên đền này còn mang tên khác là đền Thánh mẫu. Tương truyền rằng bà Đinh Thị Đen là người phụ nữ Mường ở xã Yên Lương, huyện Thanh Sơn.

Trong một lần đi làm việc đồng bà ướm chân vào hòn đá rồi về thụ thai nên chồng nghĩ bà ngoại tình nên bỏ về miền biển. Bị đàm tiếu bà bỏ đi đến Động Lăng Sương thì hạ sinh và nuôi dạy Tản Viên. Vì ngôi đền này thờ thánh mẫu nên người ta tin rằng đây là ngôi đền cầu tự linh thiêng. Thường niên, nhất là các dịp lễ tết có rất nhiều cặp đôi hiếm muộn đến cầu tự ở đây và họ tin rằng sẽ được như ý nguyện.

Tiếp đó, khá nức tiếng ở ngay trung tâm TP.Hồ Chí Minh là chùa Ngọc Hoàng tọa lạc tại số 73 Mai Thị Lựu. Ở phía bên trái chánh điện chùa Ngọc Hoàng Sài Gòn có một phòng nhỏ treo biển “Kim Hoa thánh mẫu” và 12 bà mụ. Có một cụ già hoặc một bà lão thay phiên nhau trực, chuyển lời khấn nguyện lên bề trên. Sở dĩ có sự linh thiêng ứng nghiệm là vì Kim Hoa thánh mẫu là vị thánh coi về việc sinh đẻ trên chốn nhân gian.

Phía bên dưới bà là 12 bà mụ, mỗi bên 6 người tư thế khác nhau. Mỗi bà lo một việc, người nắn tay, kẻ nắn chân, người nắn đầu, kẻ nắn mắt, người dạy trẻ tập bước, tập nói… Những cặp vợ chồng đến đây thường thả một cặp rùa ghi tên tuổi của mình. Nghe đâu nếu là cặp rùa mang bầu thì càng ứng nghiệm. Nhìn bể rùa đông đúc và các tiệm hoặc những người bưng thúng bán rùa la liệt ở ngoài cổng đủ biết số lượng người cầu con đến chùa đông như thế nào.

Kỳ lạ miếng đá mang hình sản phụ lâm bồn

Đền Sinh - Đền Hóa (xã Lê Lợi, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương) không chỉ nổi tiếng là di tích văn hóa lịch sử với tín ngưỡng thờ mẫu. Nơi đây, còn là địa chỉ cầu tự dành cho những cặp vợ chồng mong muốn sinh con.

Di tích thờ Đức Thánh Mẫu Thạch Bàn và Đức Thánh Phi Bồng Hiệu Thiên được nhân dân nơi đây thờ phụng từ hơn nghìn năm qua, trong quần thể Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc. Đặc biệt, ở đây có một phiến đá tự nhiên mang tư thế của một người mẹ lúc lâm bồn và phiến đá độc đáo này chỉ có một không hai ở Việt Nam. Phiến đá mang hình sản phụ đang trong tư thế lâm bồn đặt trang trọng trong hậu cung được người dân cung kính gọi là Đức Thánh mẫu Thạch Bàn.

Đức Thánh mẫu Thạch Bàn là một phiến đá nguyên khối cao chừng hơn 3m, rộng khoảng 5m, có hình dáng như người phụ nữ đang nằm ngửa trong lúc lâm bồn. Trên đầu phiến đá có hình tròn tượng trưng cho đầu. Hai khối đá tròn nhỏ phía dưới được xem như là bầu ngực.

Tiếp xuống là hai khối đá lớn, dài, có hình dáng giống hai chân đang co gập gối. Giữa hai phần đùi có hai khối đá nhỏ tượng trưng “cửa bát nhã”. Một khối đá nhỏ chui ra từ “cửa bát nhã” tượng trưng cho bào thai đang chào đời. Hai khối đá mé ngoài là bàn chân.

Theo thần tích của đền: Vào giờ Dần ngày 5/8/542, khi mặt trời gác núi, trẻ chăn trâu hội tụ dưới chân núi Ngũ Nhạc (thuộc chân đền Sinh bây giờ) bỗng nghe thấy tiếng trẻ con khóc trên sườn núi. Chạy lại gần, đám trẻ trâu không thấy ai, chỉ thấy một đứa trẻ dáng vẻ khôi ngô ngồi ở chỗ hòn đá to bằng hai cái chiếu nứt đôi, vết nứt rộng chừng hơn một thước, em bé ngồi ở chính giữa chỗ vết nứt đó và khóc vang như tiếng chuông.

Thấy sự việc lạ kỳ, một đám trẻ trâu thuộc làng bên chạy về báo với người lớn. Những người già trong làng vội vàng sửa soạn khăn áo, lọng, cờ đi rước đứa trẻ về. Trong khi đó, đám trẻ trâu làng An Mô nhanh trí hơn đã lấy tay làm kiệu, lấy mũ làm lọng, lấy khăn làm cờ bế bồng đón hài nhi về làng. Đi được vài trăm mét, bỗng dưng trời nổi mưa to gió lớn, sấm chớp ầm ầm, em bé liền bay thẳng lên trời. Một lát sau, từ trên trời cao có tiếng nói vọng xuống: “Ta là thần Phi Bồng đây”.

Rất đông người tìm đến cầu con ở gian thờ Kim Hoa thánh mẫu bên trong chùa Ngọc Hoàng. (Ảnh minh họa).

Rất đông người tìm đến cầu con ở gian thờ Kim Hoa thánh mẫu bên trong chùa Ngọc Hoàng. (Ảnh minh họa).

Người dân địa phương lấy làm kinh dị bèn bảo nhau lập miếu thờ. Nơi thứ nhất là nơi Đức Thánh mẫu Thạch Bàn hạ sinh con được gọi là đền Sinh. Và nơi Đức thánh Phi Bồng hóa về trời được gọi là đền Hóa. Hai ngôi đền cách nhau chừng 800m, trong một không gian văn hóa tâm linh được nhiều cặp gia đình hiếm muộn tìm đến xin con.

Anh Hoàng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Quản lý Di tích thị xã Chí Linh cho biết: Từ lâu, đền Sinh- đền Hóa thu hút đông du khách về cầu tài, lộc, công danh, sức khỏe và đặc biệt, nhiều du khách cầu xin con. Theo anh Dũng, người dân và du khách thập phương đến đền cầu tự ở đền Sinh là do di tích gắn với tín ngưỡng thờ mẫu, tín ngưỡng phồn thực, với ý nghĩa mong cầu sinh sôi, tươi tốt.

Vì ở đền Sinh - đền Hóa gắn với truyền thuyết Đức Thánh Phi Bồng hiển linh trong hình hài một Thiên đồng, sinh ra từ chỗ lõm của khối Thạch linh có dáng hình của người mẹ trong tư thế sinh nở. Từ khi Thánh sinh đến khi hóa chỉ diễn ra trong một canh giờ. Ngoài ra, Đức Thanh Phi Bồng còn nhiều lần hiển linh giúp vua nhà Tiền Lý và phù hộ cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đánh đuổi giặc xâm lược.

Thường những người hiếm muộn xin được con đều hạnh phúc vô bờ bến. Mỗi năm, vào đúng ngày sinh của con mình, họ đều đến đây để làm lễ tạ. Dù xa xôi mấy, trong Nam ngoài Bắc, kể cả Việt kiều cũng đều đặn quay lại tạ lễ. Người có điều kiện hơn thì may áo và tham gia vào lễ thay áo cho 12 bà mụ được tổ chức hàng năm…

Linh nghiệm hay tâm lý được giải tỏa?

Người xưa có nhiều cách để cầu tự, người thì uống thuốc cho bổ khí huyết, người thì đổ tại đất tuyệt đinh nên đến nhờ thầy địa lý tư vấn, người thì đi lễ bái, đến đình chùa cầu Phật, Thánh độ cho có con. Trong cuốn “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính, tục này từ thời thượng cổ đã có, như Vua Đế Cốc cầu tự ở đền Cao Môi mà sinh ra ông Hậu Tắc. Tục lệ này được cho là giải quyết vấn đề về niềm tin, có tác dụng như một liệu pháp tâm lý với những gia đình hiếm muộn.

Xét về tính khoa học của cầu tự, như đã nói ở trên, chưa hề có sử sách nào ghi lại. Thời xưa nhiều người cũng cho rằng sau khi lên chùa cầu tự, bụng dạ yên tâm, tinh thần thoải mái, nhờ vậy mà có thai sinh con. Nhiều người cũng hiểu nếu không có con hoặc sinh con mà khó nuôi thì là do người vợ hoặc người chồng hoặc cả hai có bệnh tật gì, hoặc đẻ con ra con sức khỏe yếu ớt, suy nhược nên khó nuôi là phải.

Còn nếu người chỉ sinh con gái mà không sinh con trai, thì bởi một lý do đặc biệt nào đó chưa biết, chứ không có thần thánh nào chủ trương về việc sinh con đẻ cái. Tất nhiên cũng có nhiều trường hợp sau khi cầu tự, có con thành công. Nhiều người đã ngoài 40 tuổi sau khi lên chùa khấn lễ lại có con, mà có khi người con ấy sau này còn ăn nên làm ra. Vì thế trong dân gian vẫn tin rằng cầu tự nhiều khi linh nghiệm.

Có thể nói, tục cầu tự cũng giống như câu nói “có bệnh thì vái tứ phương” của người Việt. Tục lệ này ít được nhắc đến trong sách vở, nhưng là tục lệ được hình thành từ khao khát có con của những cặp vợ chồng hiếm muộn. Và khao khát đó thì dù ở thời đại nào, cũng là chính đáng cả.

Bác sĩ Nguyễn Bá Hưng, thành viên Hội Nam học Hoa Kì cho biết: “Có nhiều nguyên nhân khiến cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và áp lực tâm lý là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đó. Trước khi đi chùa, đền, họ đã trải qua một quá trình chữa bệnh bằng đông y, tây y và sau một thời gian khi chưa có tiến triển thì họ bắt đầu chữa bệnh bằng tâm linh.

Vì theo nhiều người, con cái là của trời cho nên họ thường tìm đến nơi cửa Phật cho tâm lý thoải mái, thanh thản. Vì vậy, việc có thai tự nhiên có thể là do trùng hợp ngẫu nhiên với sự tự hồi phục sau một thời gian điều trị thì thuốc có tác dụng. Chính vì thế, người dân không nên tin vào thần thánh quá để rồi bỏ qua các tiến bộ y học hiện đại”…

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/dan-sinh/thuc-hu-chuyen-hiem-muon-den-chua-cau-duoc-con-526111.html