Thực hư nhân sâm có tác dụng điều trị ung thư
Cho đến hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng lâm sàng để khẳng định tác dụng điều ung thư của nhân sâm.
Trong sách Thần nông bản thảo có ghi: Nhân sâm vị hơi ngọt, tính hơi lạnh, tác dụng cải tiến chức năng lục phủ ngũ tạng, loại bỏ những điều không tốt, sáng mắt, bổ trí não, tăng thông minh, giúp cơ thể nhẹ nhõm.
Nhân sâm được sử dụng cho mục đích tăng cường sức khỏe, được xếp vào một trong bốn loại thuốc quý (Sâm - Nhung - Quế - Phụ) từ hơn 2000 năm trước. Đối với bệnh ung thư, vai trò hỗ trợ điều trị của nhân sâm vẫn nhiều tranh cãi và chưa sáng tỏ.
Trên thế giới đã có 11 loài nhân sâm thuộc chi Panax đã được nhận dạng: nhân sâm châu Á gồm có Panax notoginseng, Panax japonica và Panax ginseng nhân sâm ở châu Mỹ như Panax quinquefolius. Nhân sâm có thành phần hóa học đa dạng.
Ngoài các protein và carbohydrate, nhân sâm còn chứa tinh dầu dễ bay hơi, các ginsenoside (ginseng saponins), các amino acid, vitamin và acid béo. Ginsenoside là thành phần hóa học chủ yếu tồn tại trong rễ, có hoạt tính sinh học cao, đã có hơn 100 loại ginsenoside được phân lập từ các loại nhân sâm khác nhau.
Bên cạnh nhiều nghiên cứu đánh giá khả năng kháng tế bào ung thư hiệu quả của các ginsenoside hay chiết xuất của nhân sâm trên các dòng tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, đã có một số nghiên cứu về việc sử dụng nhân sâm trên lâm sàng. Các nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của việc sử dụng nhân sâm đến nguy cơ mắc ung thư vẫn còn nhiều mâu thuẫn.
Đã có một số nghiên cứu từ Hàn Quốc cho thấy sử dụng nhân sâm giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư đường tiêu hóa và ung thư phổi song không làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư tuyến giáp hay ung thư bàng quang. Một số nghiên cứu khác của Trung Quốc và Mỹ cho thấy sử dụng nhân sâm không làm giảm nguy cơ ung thư đường tiêu hóa và tiền liệt tuyến.
Tương tự, một số nghiên cứu cũng cho thấy sử dụng nhân sâm không làm giảm tỷ lệ tử vong hay có tác dụng điều trị trên bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, khi đánh giá về khả năng hỗ trợ điều trị, nâng cao chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư của nhân sâm, kết quả rất khả quan.
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy khi sử dụng nhân sâm kèm theo các biện pháp điều trị chính thống, điểm chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư được cải thiện hơn so với nhóm bệnh nhân không sử dụng.
Như vậy, cho đến hiện tại vẫn chưa có đủ bằng chứng lâm sàng để khẳng định tác dụng điều ung thư của nhân sâm. Đồng thời, các bằng chứng lâm sàng chứng minh khả năng hỗ trợ điều trị, giảm nguy cơ mắc bệnh cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân ung thư còn nhiều điểm bất đồng và chưa sáng tỏ.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hoàn toàn tiềm năng hỗ trợ điều trị ung thư của nhân sâm – một dược liệu có tính an toàn cao khi sử dụng ở mức liều hợp lý. Vậy có nên sử dụng nhân sâm bên cạnh các liệu pháp điều trị chính thống khác trên bệnh nhân ung thư, và những nguy cơ bệnh nhân có thể gặp phải là gì?
Nhân sâm là một loại dược liệu khá an toàn khi sử dụng ở mức liều 3-9 g dạng bột rễ mỗi ngày. Tuy nhiên, người sử dụng có thể gặp một số tác dụng không mong muốn nếu tăng liều hay sử dụng thời gian dài trên 6 tháng. Các triệu chứng ghi nhận khi sử dụng nhân sâm mức liều cao trong thời gian dài là nôn, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, kích thích thần kinh trung ương, đau đầu và nhìn mờ".
Bên cạnh đó, người sử dụng nhân sâm cũng có nguy cơ gặp một số tương tác thuốc như tăng độc tính gan khi dùng cùng thuốc điều trị ung thư imatinib; tăng nguy cơ xuất huyết khi dùng cùng thuốc chống đông máu; tăng độc tính của một số thuốc có khoảng điều trị hẹp như digoxin, các thuốc ức chế miễn dịch cyclosporin, tacrolimus, các thuốc điều trị ung thư như vincristin, paclitaxel, các thuốc kháng virus như ritonavir, saquinavir...
Hiện nay, có rất nhiều sản phẩm có nguồn gốc từ nhân sâm được sử dụng rộng rãi trên thị trường. Thống kê trong năm 2009 cho thấy thế giới sử dụng 1,3 tỷ USD cho các sản phẩm từ nhân sâm với nguồn cung cấp lớn nhất từ Hàn Quốc, sau đó là Trung Quốc, Canada, Mỹ…
Do nhu cầu sử dụng ngày càng tăng, nguồn nhân sâm trở nên khan hiếm. Để đảm bảo cung ứng đủ số lượng nhân sâm cho nhu cầu sử dụng hiện nay, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất hóa học kích thích dần trở nên phổ biến.
Bên cạnh đó, việc pha trộn tân dược (dexamethasone hay cyproheptadine) vào các sản phẩm nhân sâm nhằm mục đích để người bệnh thấy được tác dụng nhanh chóng cũng rất đáng báo động…. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển, đảm bảo chất lượng từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch, chế biến, đóng gói và bảo quản nhân sâm trong tương lai cần được quan tâm, giám sát chặt chẽ hơn.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thuc-hu-nhan-sam-co-tac-dung-dieu-tri-ung-thu-post1364327.html