Thực hư siêu điệp viên Liên Xô 'cắm' trong giới chóp bu CIA
Câu chuyện xảy ra vào giai đoạn căng thẳng nhất trong trận chiến ngầm diễn ra khốc liệt giữa KGB và CIA.
Tình bạn cảm động
Với một tài năng thiên phú cho công tác phản gián, năm 28 tuổi, chàng thanh niên Angleton được tuyển mộ vào Phòng Phản gián thuộc Cơ quan Tình báo chiến lược Mỹ (OSS, tiền thân của CIA). Đến khi CIA chính thức ra đời (1947), nhờ có một bảng dày thành tích trong việc đập tan các điệp vụ của Đức Quốc xã, Angleton trở thành một nhân vật chủ chốt và từ năm 1954 là sếp của Cục Phản gián CIA.
Cương vị công tác này đã đưa đẩy Angleton đến với Kim Philby, một trong những “điệp viên Cambridge” của KGB, từ năm 1949 là Trưởng đại diện Tình báo Anh tại Washington. Với quan hệ công tác gần gũi, Angleton và Philby dần trở nên thân thiết. Angleton ngưỡng mộ tài năng của Philby và chưa bao giờ nghi ngờ lòng trung thành của Philby dành cho nước Anh. Năm 1951, khi CIA nghi ngờ Philby “cộng tác với Nga Xô”, Angleton vẫn cực lực bảo vệ cho Philby.
Vậy nên, năm 1955, khi các bằng chứng thu thập được chỉ rõ Philby là một điệp viên nằm vùng của KGB, Angleton đã bị sốc. Trong đầu ông ta bắt đầu hình thành giả thiết về vụ lừa đảo tinh vi có quy mô lớn của KGB nhằm vào phương Tây. Angleton thề rằng sẽ tìm ra bằng chứng, dù đa phần đồng sự của ông ta đều không tin vào việc này. Tuy nhiên, bằng chứng sống đã xuất hiện năm 1961.
Những bằng chứng sống
Tháng 12 năm đó, Thiếu tá KGB Anatoly Golitsyn đào tẩu và tiết lộ cho CIA về “kế hoạch" của KGB nhằm vào tình báo phương Tây. Kế hoạch này gồm việc tạo nên một làn sóng những kẻ trá hàng nhằm tạo ra luồng thông tin giả, đánh lạc hướng, khiến phương Tây giảm khả năng sẵn sàng chiến đấu. Golitsyn thuyết phục Angleton rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến CIA không nhận ra được sự lừa gạt trên là do cơ quan này đã bị các điệp viên KGB thâm nhập.
Golitsyn đoán rằng có một siêu điệp viên KGB đã chui vào tầng lớp chóp bu của Phòng Liên Xô thuộc CIA nhằm bảo vệ các điệp viên khác của KGB và khiến các tin giả của Moscow phát huy tác dụng. Golitsyn không biết lai lịch của điệp viên này, nhưng khẳng định mật danh của người này là Sasha.
Golitsyn còn nói với Angleton rằng vì hắn rất nguy hiểm cho KGB, nên chắc chắn Moscow sẽ gửi tới một tên trá hàng, một điệp viên hai mang thông minh có nhiệm vụ phủ nhận tất cả mọi tiết lộ của Golitsyn. Một khi Golitsyn bị mất lòng tin của CIA thì điệp viên siêu hạng ẩn trong hàng ngũ của CIA sẽ dễ dàng phá hoại cơ quan tình báo này.
Angleton thấy lời khai của Golitsyn hoàn toàn trùng khớp với quan điểm riêng của ông ta về kế hoạch của KGB. Và đúng như Golitsyn dự đoán, đầu năm 1964, một sĩ quan tình báo KGB là Yury Nosenko đã tìm đến với CIA. Golitsyn ngay lập tức coi đây là vụ trá hàng. Hắn khẳng định với Angleton rằng những câu chuyện Nosenko khai báo chỉ là một loại cổ tích hiện đại nhằm che dấu tung tích siêu điệp viên KGB đang ẩn náu trong hàng ngũ CIA.
Bị thuyết phục bởi những lời lẽ của Golitsyn, Angleton hành hạ Nosenko đủ kiểu. Sự bướng bỉnh không chịu nhận tội của Nosenko được Angleton hiểu là tên này quyết tâm hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ. Do không giải quyết được vụ Nosenko nên Angleton và Golitsyn quyết định dành thời gian để tìm ra có bao nhiêu điệp viên trong số những người bị Golitsyn khai quật từ đống hồ sơ cá nhân của CIA.
Đầu tiên, con số kẻ bị tình nghi lên đến 120, rồi giảm xuống 50 và danh sách cuối cùng còn 16. Cơ sở duy nhất để nghi ngờ 16 sĩ quan CIA với tội danh nghiêm trọng làm gián điệp chỉ là quá trình suy diễn của Golitsyn mà chỉ có Angleton mới hiểu được. Ví như, kẻ bị tình nghi có những cá tính phù hợp với những đặc điểm mà một “chuột chũi” KGB cần có.
Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù chỉ dựa trên cái kiểu suy nghĩ điên rồ đó, Angleton vẫn phát động một cuộc săn lùng điệp viên mà hậu quả đã tàn phá sự nghiệp 12 nhân viên CIA bị tình nghi làm việc cho KGB (trong số họ có cả Trưởng phòng Liên Xô bị nghi là siêu điệp viên Sasha).
Ai là siêu điệp viên?
Trong khi đó, dù bị giam cầm khổ sở nhưng Nosenko không chịu đổi lời khai, phản gián Mỹ cũng không tìm ra được bằng chứng nào để kết tội nghi phạm cứng đầu này. Giám đốc CIA Richard Helm liền triệu tập một buổi họp kín nhằm xét lại trường hợp này, kết luận cuối cùng của họ là Nosenko thực sự là một kẻ phản quốc chạy trốn.
Năm 1974, Giám đốc mới của CIA William Colby khám phá ra rằng Cục trưởng Phản gián đã phạm rất nhiều trọng tội trong “công cuộc bảo vệ” CIA khỏi các điệp viên KGB hư ảo. Người ta buộc Angleton phải từ chức và chấm dứt hợp tác với Golitsyn.
Các nạn nhân - những nhân viên CIA bị tàn phá sự nghiệp được lặng lẽ bồi thường. Còn Angleton, cho đến lúc chết (cuối năm 1987) vẫn tiếp tục khẳng định mình hoàn toàn đúng, và chỉ có những cái đầu ngây thơ của CIA mới không chịu hiểu là cơ quan tình báo này đã trở thành miếng mồi cho KGB.
Nếu còn sống, chắc chắn Angleton sẽ hết sức ngạc nhiên nếu biết được nội dung một báo cáo dài lê thê đánh giá những hậu quả của cuộc chiến “chống gián điệp” mà ông ta gây ra. Báo cáo cho rằng, CIA đã phải chịu những tổn thất nặng nề, mà nguyên nhân có thể là do một điệp vụ phá hoại của KGB. Điệp vụ này được chỉ đạo bởi một siêu điệp viên KGB nằm ở tầng chóp của CIA.
Siêu điệp viên đó có cái tên James Jesus Angleton.