Thực hư về hình ảnh lưu trong mắt… người chết
Trong một thời gian dài, các nhà khoa học tự hỏi liệu mắt có thể lưu được hình ảnh về cái nhìn cuối cùng của chúng ta trước khi tắt thở hay không?
Và phải đến khi máy ảnh được phát minh, chủ đề thú vị này mới được nghiên cứu rộng rãi.
Những thử nghiệm thất bại
Năm 1876, nhà sinh lý học người Đức tên là Franz Christian Boll đã phát hiện ra rhodopsin - một loại protein cảm quang trong tế bào hình que của võng mạc, hoạt động giống như nitrat trên tấm kính máy ảnh, có khả năng tẩy trắng khi tiếp xúc với ánh sáng.
Không may, cuộc đời của Boll kết thúc sớm ở tuổi 30 do bệnh lao, khiến ông không thể nghiên cứu sâu hơn. Tuy nhiên, những phát hiện này cũng đủ thuyết phục cộng đồng khoa học rằng, những thay đổi trong rhodopsin đóng một vai trò quan trọng trong quá trình hoạt động của thị giác.
Sau cái chết của Boll, một trong những người ngưỡng mộ ông, nhà sinh lý học người Đức, Wilhelm Kühne, đã tiếp thu khám phá trên với “lòng nhiệt thành cháy bỏng”. Kühne bắt đầu thử nghiệm trên nhiều loài động vật, lấy mắt rất nhanh sau khi chúng chết và dùng nhiều loại hóa chất khác nhau để cố định hình ảnh trên võng mạc.
Câu chuyện sau đây của nhà hóa sinh George Wald, người đoạt giải Nobel năm 1967 với công trình nghiên cứu về sắc tố thị giác - mô tả một trong những thí nghiệm thành công nhất của Kühne với một con thỏ:
Một con thỏ bạch tạng bị trói, mặt hướng về phía cửa sổ có song sắt. Từ vị trí này, thỏ chỉ có thể nhìn thấy bầu trời xám xịt và nhiều mây. Đầu của nó được che bằng một miếng vải trong vài phút để mắt thích nghi với bóng tối, tức là để rhodopsin tích tụ trong các tế bào hình que của mắt.
Sau đó, con vật được tiếp xúc với ánh sáng trong ba phút, rồi bị chặt đầu lấy mắt ra, nửa sau nhãn cầu chứa võng mạc được đặt trong dung dịch phèn chua để cố định. Ngày hôm sau, Kühne cho ra một bức ảnh cửa sổ với hoa văn rõ ràng của các song sắt được in trên võng mạc của mắt thỏ.
Kühne đã háo hức mong đợi thực hiện kỹ thuật này trên đối tượng con người, và vào năm 1880, một cơ hội đã đến với ông. Vào ngày 16/11, tử tù Erhard Gustav Reif bị đưa lên máy chém vì tội giết người ở thị trấn Bruchsal gần đó.
Mười phút sau khi thi hành án, đôi mắt của hắn ta được lấy ra và chuyển đến phòng thí nghiệm của Kühne tại Đại học Heidelberg. Các optogram (quang đồ, hay là hình ảnh từ mắt người chết) mà Kühne tạo ra từ mắt của Reif không tồn tại, nhưng một phác họa về những gì nhìn thấy trên võng mạc của Reif đã xuất hiện trong bài viết “Quan sát giải phẫu và sinh lý học võng mạc” của Kühne xuất bản năm 1881.
Nó không giống bất cứ thứ gì mà tử tù có thể nhìn thấy vào thời điểm chết. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phác họa có vẻ giống lưỡi dao máy chém, mặc dù nạn nhân không thể nhìn thấy nó vì anh ta bị bịt mắt. Những người khác cho rằng, chúng có thể là bậc thang dẫn tới giá treo cổ. Kühne không đưa ra lời giải thích nào về những hình ảnh kể trên.
Triển vọng cho ngành pháp y?
Mặc dù, Kühne không thu được hình ảnh quang học rõ ràng từ mắt người, nhưng ý tưởng người đã khuất lưu giữ hình ảnh cuối cùng trong mắt vẫn tiếp tục tác động mạnh mẽ đến trí tưởng tượng của nhiều người vào thời đó.
Khi người ta gợi ý, có thể thu được quang đồ từ các nạn nhân bị giết để giúp xác định kẻ sát nhân, Hiệp hội Pháp y ở Pháp đã yêu cầu Tiến sĩ Maxime Vernois tiến hành một nghiên cứu để kiểm tra tính khả thi của việc dùng ảnh chụp từ võng mạc nạn nhân, làm bằng chứng trong các phiên tòa xét xử tội giết người. Vernois đã giết 17 con vật và mổ mắt của chúng nhưng không thu được gì.
Bất chấp các thí nghiệm không thành công của Kühne và Vernois, các nhà nghiên cứu khác vẫn kiên trì chụp ảnh đôi mắt của nạn nhân bị giết với hy vọng những hình ảnh đó có thể hỗ trợ phá án hình sự. Nhiều thám tử trên thế giới đề xuất áp dụng kỹ thuật này trên nạn nhân trong các vụ giết người.
Những lời đồn về người chết lưu giữ hình ảnh cuối cùng trong mắt phổ biến đến mức một số kẻ sau khi giết người đã tìm cách để phá hủy nhãn cầu của nạn nhân.
Vào đầu thế kỷ 20, các nhà điều tra đã từ bỏ hy vọng về khả năng quang học có thể được phát triển thành một kỹ thuật pháp y hữu ích. Thế nhưng, vào năm 1975, cảnh sát ở Heidelberg (Đức) đã nhờ nhà khoa học Evangelos Alexandridis thuộc Đại học Heidelberg tận dụng các kỹ thuật khoa học hiện đại, kiến thức cập nhật và thiết bị tiên tiến để kiểm tra lại các thí nghiệm và phát hiện của Kühne.
Theo cách của Kühne, Alexandridis đã cố gắng tạo ra một số hình ảnh có độ tương phản cao từ mắt thỏ. Tuy nhiên, ông kết luận, quang học không có tiềm năng trở thành một công cụ pháp y.
Và đây là trường hợp cuối cùng của nghiên cứu khoa học nghiêm túc về quang học nhằm tạo ra hình ảnh từ mắt người chết. Mặc dù vậy, khái niệm này vẫn tồn tại lâu dài trong các tiểu thuyết khoa học và trinh thám.
Nhà văn khoa học viễn tưởng nổi tiếng, Jules Verne, cũng duy trì niềm tin rằng quang học có tiềm năng trong điều tra tội phạm qua cuốn tiểu thuyết “Les Frères Kip” xuất bản năm 1902 của ông. Trong một trăm năm sau đó, ý tưởng này xuất hiện thường xuyên trong văn học và truyền thông. Bộ phim “The Invisible Ray” năm 1936 có cảnh Tiến sĩ Felix Benet, do Bela Lugosi thủ vai, sử dụng máy ảnh cực tím để chụp ảnh đôi mắt của nạn nhân đã chết.
Theo Amusingplanet
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/thuc-hu-ve-hinh-anh-luu-trong-mat-nguoi-chet-post655651.html