Thực hư 'vi khuẩn ăn thịt người' ám ảnh dư luận
Thời gian vừa qua, liên tiếp phát hiện các ca bệnh nhiễm khuẩn 'ăn mòn cơ thể' mang tên Whitmore.
Song theo các chuyên gia đây không phải loại khuẩn “ăn thịt người” gây hoang mang dư luận.
Bệnh hiếm gặp, không thể thành dịch
Trước thông tin hàng loạt các ca bệnh nhiễm khuẩn ăn mòn cơ thể Whitmore được phát hiện tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Nguyên…, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đây là căn bệnh hiếm gặp, được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước, trung bình từ 5-10 năm mới có khoảng 20 ca mắc. Whitmore từng được xếp vào bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bị “lãng quên”. Tuy nhiên, từ đầu năm 2019 đến nay, riêng tại Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca mắc. Đặc biệt, trong tháng 8 ghi nhận 12 trường hợp nặng được chuyển đến chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.
Từ kinh nghiệm điều trị bệnh Whitmore, BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết: Khoảng 35% trẻ nhiễm bệnh có biểu hiện viêm mủ tuyến nước bọt mang tai khiến nhiều người lầm tưởng là quai bị, 65% có các biểu hiện khác như viêm phổi, áp xe lách, thận… hoặc các vết mưng mủ ngoài da, đặc biệt là vùng đầu, mặt và cổ. Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi cùng với nhiễm khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường hợp viêm cơ khớp hoặc viêm màng não.
“Trong số các ca mắc bệnh Whitmore, 90% bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết và viêm phổi, một nửa có nguy cơ biến chứng sốc nhiễm khuẩn và tử vong. Có trường hợp tử vong sau vài ngày nhập viện nhưng cũng có trường hợp phải dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng. Hơn nữa, vi khuẩn gây bệnh Whitmore dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ”, BS Cấp thông tin.
Đáng lưu ý, theo BS Cấp, vi khuẩn gây bệnh Whitmore có thể sống ở tất cả mọi nơi. Đặc biệt, trong đất ẩm, đất canh tác nông nghiệp như đất trồng lúa. Do vậy, kể cả những nơi tưởng như sạch sẽ, không ô nhiễm cũng có thể nhiễm. Bệnh gặp trên mọi đối tượng từ trẻ sơ sinh đến người già, người khỏe mạnh đến người mắc bệnh mạn tính liên quan đến thận hoặc phổi, người nghiện rượu, người làm việc trực tiếp với đất…
Trước lo sợ căn bệnh truyền nhiễm cấp tính này quay trở lại và có nguy cơ bùng phát thành dịch, trao đổi với PV Báo Giao thông, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: “Bệnh Whitmore do trực khuẩn Gram âm B. pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Tuy nhiên, bệnh khó lây truyền từ người sang người. Đây là bệnh ít gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những người mắc bệnh mãn tính”.
Không phải bệnh “khuẩn ăn thịt người” như lầm tưởng
“
Tới nay vẫn chưa có vaccine phòng ngừa bệnh Whitmore. Để chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện: Hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, nhất là những nơi bị ô nhiễm nặng. Sử dụng giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao. Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei và điều trị kịp thời.
PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)
”
Theo ông Trần Đắc Phu, tại Viêt Nam, bệnh Whitmore được mô tả lần đầu tiên vào năm 1925 tại TP HCM, sau đó là Hà Nội, Huế. Do đây là bệnh hiếm gặp, không được đưa vào danh sách theo dõi các bệnh truyền nhiễm nên hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh tại Việt Nam.
“Việc chẩn đoán bệnh dựa vào các yếu tố dịch tễ như tiếp xúc với đất, nước, bụi, các dấu hiệu lâm sàng và có kết quả định danh vi khuẩn B. pseudomallei từ các mẫu bệnh phẩm. Điều trị căn nguyên gây bệnh bằng sử dụng các kháng sinh nhạy cảm với các chủng B. pseudomallei. Kèm theo đó là điều trị các biến chứng và chăm sóc, điều dưỡng phục hồi sức khỏe người bệnh”, ông Phu cho biết.
Trước thông tin bệnh Whitmore được gọi tên “khuẩn ăn thịt người”, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM khẳng định: “Trong y khoa từng bàn tới khuẩn ăn thịt người có tên là Aeromonas hydrophila, tiết ra độc tố gây thối rữa thịt. Tuy nhiên, bệnh Whitmore mà chúng ta đang nhắc tới là do vi khuẩn B. pseudomallei gây nên. Do đó, mọi người không nên hoang mang, quá lo lắng”.
Theo BS Khanh, khi mắc Whitmore, người bệnh thường có triệu chứng cấp tính như: Sốt, triệu chứng hô hấp, suy hô hấp, co giật hoặc viêm phổi kéo dài, sốt kéo dài, loét hoại tử một hay nhiều vùng da trên người. “Quan trọng là bác sĩ điều trị phải làm xét nghiệm để điều trị đúng kháng sinh, chứ dùng các loại kháng sinh khác dù đắt tiền hơn nhưng bệnh vẫn không khỏi. Thời gian điều trị cũng rất lâu từ 3-6 tháng, nếu không sẽ tái phát”, ông Khanh lưu ý.