Thực hư việc mất đĩa cổ trên mái Chùa Cầu sau khi trùng tu

Mới đây, trên mạng xã hội Facebook lan truyền thông tin nghi vấn việc đĩa cổ trang trí trên mái Chùa Cầu được thay thế bằng nhiều đĩa mới.

Cụ thể, một tài khoản Facebook đặt nghi vấn "Mất cắp khi bảo tồn"? đối với các đĩa trang trí trên mái Chùa Cầu, kèm theo đó là hình ảnh Chùa Cầu trước và sau khi trùng tu để so sánh.

Chùa Cầu sau khi được trùng tu.

Chùa Cầu sau khi được trùng tu.

Thông tin với Báo Giao thông sáng 1/8, ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An khẳng định, nội dung mất đĩa cổ trên mái Chùa Cầu sau khi trùng tu đăng tải trên mạng xã hội là xuyên tạc, vu khống.

Ông Ngọc cho hay, toàn bộ đĩa mặt tiền diềm mái phần cầu được đánh số và tận dụng trở lại như vị trí cũ đến 80%, hai đầu cầu chỉ thay một số vị trí đĩa đã mất hoàn toàn. Bờ nóc, bờ chảy các đĩa gốc bị nứt nhẹ được xử lý và trả lại. Chi tiết cụ thể các phần này có hình ảnh hiện trạng đã chụp, ghi chép và hoàn thành thực tế.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, hình ảnh trên mạng có ác ý, không chính xác. Đĩa lắp trên Chùa Cầu sau khi trùng tu hầu hết sử dụng lại đĩa cũ. Ngoài ra, đây cũng không phải đĩa cổ mà từ đợt trùng tu năm 1986 mới xuất hiện.

Thông tin đăng tải trên mạng xã hội về nghi vấn đĩa cổ trang trí trên Chùa Cầu bị mất.

Thông tin đăng tải trên mạng xã hội về nghi vấn đĩa cổ trang trí trên Chùa Cầu bị mất.

Nói thêm về màu sắc chùa cầu, ông Sơn cho biết, nguyên gốc phần tường Chùa Cầu có màu đỏ, mái có màu xanh như hiện nay. Nhưng 10 năm qua không được quét vôi nên rêu phủ khiến Chùa Cầu bạc màu.

Ông Sơn cho biết thêm, rêu mốc là kẻ thù của di tích, nguyên tắc bảo tồn thì sau khi trùng tu phải quét vôi bảo quản, mà quét vôi là phải quét màu nguyên gốc của nó, thời gian nó sẽ phai màu, bạc màu như xưa, nếu quét màu rêu phong là làm giả.

"Vôi quét xong khoảng một mùa là bạc hết rồi. Nguyên tắc trùng tu thì phải quét màu nguyên gốc chứ quét màu sẫm, màu qua thời gian là màu giả, không đúng bản chất", ông Sơn nói.

Như Báo Giao thông đưa tin, sau gần 20 tháng trùng tu, toàn bộ phần nhà bao che bằng khung sắt và mái tôn bao quanh chùa cầu được tháo dỡ.

Diện mạo mới của Chùa Cầu xuất hiện sau trùng tu đã nhận nhiều ý kiến trái chiều về màu sơn khá tươi mới, nhiều người cho rằng màu sơn này làm mất đi vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của di tích.

Cấu trúc cơ bản của Chùa Cầu được giữ nguyên vẹn trong quá trình trùng tu.

Cấu trúc cơ bản của Chùa Cầu được giữ nguyên vẹn trong quá trình trùng tu.

Trước những ý kiến trái chiều, Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết, hoạt động trùng tu Chùa Cầu được thực hiện với cách tiếp cận khoa học trong tính toán các giải pháp can thiệp, dựa trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ, xác thực và các đánh giá khách quan, toàn diện về di tích.

Ngoài ra, việc trùng tu di tích Chùa Cầu được xem xét trong tổng thể, không tách rời việc tu bổ các thành phần kiến trúc của di tích với tôn tạo cảnh quan khu vực xung quanh. Hạn chế tối đa sự can thiệp không cần thiết, tránh làm thay đổi những đặc điểm cơ bản tạo nên các giá trị của di tích…

Được biết, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh Quảng Nam hỗ trợ 50%, ngân sách TP Hội An bố trí 50%.

Dự án do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An thực hiện, Trung tâm Tư vấn bảo tồn di tích - Viện Bảo tồn di tích là đơn vị tư vấn.

Dự kiến, dự án tu bổ di tích Chùa Cầu sẽ được khánh thành vào ngày 3/8 tới.

Vĩnh Nhân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thuc-hu-viec-mat-dia-co-tren-mai-chua-cau-sau-khi-trung-tu-192240801134801931.htm