Thực phẩm bẩn, hàng giả 'ẩn mình' trong đời sống thường nhật

Người dân bỏ tiền thật ra mua nhưng nhận về sản phẩm giả, thực phẩm bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, lòng tin. Thực trạng nhức nhối này không chỉ là trách nhiệm của người nổi tiếng trong quảng cáo sản phẩm mà còn là vai trò không thể thiếu của cơ quan quản lý nhà nước trong việc siết chặt kiểm soát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và lỗ hổng trong cơ chế hậu kiểm…

Báo động thực trạng thuốc giả, thực phẩm bẩn

Từ vụ việc hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục… bị khởi tố vì quảng bá, phân phối sản phẩm thực phẩm giả – kẹo rau củ Kera, dư luận cả nước không khỏi hoang mang và phẫn nộ. Vụ việc không chỉ phơi bày sự lỏng lẻo trong quản lý an toàn thực phẩm, thuốc và thực phẩm chức năng, mà còn cảnh báo về thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng đang tràn lan ngoài thị trường.

Cơ quan Công an phát hiện số lượng lớn thịt heo bị ôi thiu và dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi người dân chuẩn bị bán ra thị trường.

Cơ quan Công an phát hiện số lượng lớn thịt heo bị ôi thiu và dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi người dân chuẩn bị bán ra thị trường.

“Tiền là thật mà mua phải hàng giả và thực phẩm bẩn thì ai không bức xúc!”, chị Mai Thị Thảo (ngụ quận 12, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ. Không riêng chị Thảo, hàng triệu người tiêu dùng trên cả nước đang hoang mang khi những sản phẩm thiết yếu như sữa, thuốc, rau củ quả… ngày càng bị làm giả, kém chất lượng, sử dụng hóa chất nhưng lại dễ dàng lọt qua các khâu kiểm tra, bày bán công khai từ chợ truyền thống đến các hệ thống phân phối hiện đại.

TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang trở thành những “điểm nóng” về thực phẩm bẩn. Từ các mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc bán trôi nổi ngoài chợ, đến những vụ phát hiện thực phẩm nhiễm hóa chất, hàng giả trà trộn vào cả siêu thị, cửa hàng tiện lợi, khiến người dân hoang mang lo sợ.

Gần đây nhất, vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất được cung cấp vào chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh gây xôn xao dư luận. Người tiêu dùng vốn tin tưởng hệ thống siêu thị sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng thực tế cho thấy, ngay cả những chuỗi phân phối lớn cũng có thể trở thành mắt xích tiêu thụ thực phẩm không an toàn nếu khâu kiểm soát bị buông lỏng.

Không chỉ thực phẩm, mặt hàng thuốc – vốn là sản phẩm đặc thù liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người cũng bị làm giả một cách trắng trợn. Theo báo cáo của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2024, cơ quan này đã phát hiện 8 cơ sở kinh doanh thuốc giả, xử lý 147 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực y tế với tổng số tiền xử phạt lên tới hơn 7 tỷ đồng.

Thời gian qua, cơ quan Công an còn phát hiện nhiều vụ làm tân dược giả quy mô lớn. Như tháng 1/2025, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt 22 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Cầm đầu là đối tượng Ngô Kim Diệu (SN 1984, Giám đốc Công ty TNHH Kingpharm, trụ sở tại quận Bình Tân) và Nguyễn Thị Ngọc Hương (SN 1986, vợ Diệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kiến Lâm, trụ sở tại quận 8). Còn tháng 6/2024, Công an TP Hồ Chí Minh bắt tạm giam 11 đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả.

Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), mỗi năm có hàng ngàn ca ngộ độc thực phẩm xảy ra trên cả nước. Năm 2022, cả nước xảy ra 54 vụ, 1.359 người bị ngộ độc thực phẩm, có 18 người tử vong. Năm 2023, ghi nhận 125 vụ, làm hơn 2.100 người ngộ độc thực phẩm, 28 ca tử vong. Trong 11 tháng đầu năm 2024, ghi nhận 131 vụ, làm 4.796 người ngộ độc thực phẩm, 21 trường hợp tử vong. Phần lớn các vụ việc đều liên quan đến thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh và bị pha trộn hóa chất. Với số liệu trên cho thấy số vụ và số ca ngộ độc thực phẩm mỗi năm đều tăng.

Ở TP Hồ Chí Minh, tình trạng ngộ độc tập thể trong các bếp ăn trường học, khu công nghiệp vẫn diễn ra. Học sinh – đối tượng cần được bảo vệ nhất lại trở thành nạn nhân của thực phẩm bẩn do nhà cung cấp gian dối hoặc khâu giám sát lỏng lẻo. Có nghĩa là thế hệ trẻ - những người chủ tương lai của đất nước đang phải sử dụng những thực phẩm bẩn, hàng hóa giả, sản phẩm kém chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Hoa ở quận Bình Tân lo lắng: “Chúng tôi đâu biết rau, cá, thịt trong bữa cơm của con em mình ở trường có đảm bảo không? Cứ mỗi lần báo chí đưa tin về ngộ độc học đường là phụ huynh chúng tôi lại thắt ruột thắt gan. Phụ huynh đóng tiền cho con ăn uống ở trường mong đảm bảo sức khỏe để học tập, bị ngộ độc thực phẩm hay ăn phải thực phẩm không đảm bảo chất lượng thì khổ thân”.

Lỗ hổng của việc doanh nghiệp tự công bố chất lượng thực phẩm

Một bất cập lớn trong công tác quản lý hiện nay chính là việc cho phép doanh nghiệp tự công bố chất lượng sản phẩm. Từ khi Nghị định 15/2018 có hiệu lực từ tháng 2/2018 chuyển đổi phương thức quản lý thực phẩm từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Điều này giúp đơn giản thủ tục cho các cơ sở sản xuất, bớt phiền hà thủ tục, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của nhà sản xuất. Sau khi công bố, cơ quan chức năng sẽ hậu kiểm, giám sát. Nhưng thực tế cho thấy, không ít sản phẩm sau khi tung ra thị trường mới bị phát hiện sai phạm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng.

Theo Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, từ tháng 2/2018 đến nay, TP Hồ Chí Minh có gần 300.000 hồ sơ công bố thực phẩm. Đây là một con số khổng lồ nên xác suất để những hồ sơ này hậu kiểm là rất thấp. Đây có thể xem là một lỗ hổng để các đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng.

Qua tìm hiểu, được biết từ đầu năm 2025 đến nay, Sở An toàn thực phẩm mới công bố phát hiện, xử phạt một vụ là Công ty TNHH Godwaypharma (địa chỉ: 147 Bùi Công Trừng, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn) sử dụng hàng tấn nguyên liệu hết hạn sử dụng để sản xuất bột đạm hương socola, với tổng tiền phạt trên 2,9 tỷ đồng.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, chúng ta đang có quá nhiều sản phẩm được quảng cáo là tốt cho sức khỏe nhưng thực tế lại không đúng như công bố. Việc hậu kiểm hiện nay còn nhiều kẽ hở, cần có cơ chế mạnh hơn để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm minh.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay một số hóa chất độc hại, phụ gia không được phép sử dụng vẫn được bán công khai tại các chợ, các cơ sở nhỏ lẻ. Điều này cho thấy việc quản lý đầu vào – đầu ra của chuỗi thực phẩm còn thiếu chặt chẽ. Tình hình thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn những diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố; mặt hàng thực phẩm vi phạm cũng đa dạng như: thực phẩm tươi sống, thực phẩm bao gói sẵn, đường cát... Các vi phạm này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.

Qua kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm chủ yếu được phát hiện tập trung chủ yếu như: kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu đã hết hạn sử dụng, không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng theo quy định để chế biến thực phẩm; các vi phạm liên quan đến nhãn hàng hóa, điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, người dân TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung đang mong đợi cơ quan chức năng hành động quyết liệt hơn. Anh Nguyễn Hoài Nam ở quận 3 cho rằng thực phẩm giả, thuốc giả là tội ác chứ không phải chỉ là vi phạm hành chính, cần xử lý hình sự nghiêm khắc để răn đe.

Không chỉ người dân, các chuyên gia cũng nhấn mạnh vai trò phối hợp giữa các bộ, ngành như Y tế, Công Thương, Công an, Văn hóa – Thể thao và Du lịch trong việc siết chặt khâu quảng cáo, truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng và quản lý hóa chất.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/thuc-pham-ban-hang-gia-an-minh-trong-doi-song-thuong-nhat-i769347/