Thực phẩm chức năng: Bộ Y tế không thể một mình quản lý

Quản lý thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc được phóng đại tác dụng... cũng là một trong những nhóm vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan chiều 11/11.

Thực phẩm chức năng xách tay xử lý thế nào?

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đoàn Quảng Nam đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trách nhiệm của bộ trong quản lý và giải pháp kiểm soát việc mua bán thực phẩm chức năng xách tay từ nước ngoài về?

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đoàn Quảng Nam (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, đoàn Quảng Nam (Ảnh: Quốc hội)

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trong văn bản pháp quy không có khái niệm “thực phẩm chức năng xách tay”. Nếu thực phẩm chức năng xách tay người ta tiêu dùng cá nhân thì chúng ta không quản lý, nhưng nếu mang bán các thực phẩm này phải theo quy định.

Theo bà Đào Hồng Lan, hiện có tình trạng thực phẩm chức năng, mỹ phẩm xách tay không rõ nguồn gốc được bán tại cửa hàng, mua bán trên mạng xã hội… Nếu bán hàng phải tuân thủ quy định liên quan đến đăng ký, công bố sản phẩm, nếu không là vi phạm pháp luật. Với các sản phẩm mà quảng cáo thì phải có giấy xác nhận quảng cáo…

“Chúng tôi khẳng định, liên quan đến lợi nhuận nên một số người không tuân thủ quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, người tiêu dùng có nhu cầu dùng hàng xách tay vì nghĩ sản phẩm này tốt hơn hàng trong nước. Việc kiểm soát bán hàng trên mạng xã hội còn rất khó khăn”, bà Đào Hồng Lan nói.

Về giải pháp, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm soát việc bán hàng theo chức năng của các đơn vị. Bên cạnh đó, sẽ thông tin tuyên truyền đến người tiêu dùng để mua sản phẩm trên thị trường cho đúng, an toàn.

Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan đã thành lập tổ phản ứng nhanh để xử lý về vấn đề này khi phát hiện sai phạm. Tuy nhiên, hiện vướng mắc nhất là liên quan đến mua bán trên mạng xã hội còn gặp khó khăn trong xử lý, bởi máy chủ các mạng xã hội nằm ở nước ngoài, ngoài tầm kiểm soát.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn Đắk Lắk (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn Đắk Lắk (Ảnh: Quốc hội)

Phóng đại công dụng sản phẩm

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn Đắk Lắk nêu tình trạng thực phẩm chức năng giả, nhái, kém chất lượng khiến cử tri vô cùng lo lắng bức xúc. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu rõ giải pháp.

Cùng vấn đề quan tâm, đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu và đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương nêu bức xúc về thực trạng thực phẩm chức năng, dược, mỹ phẩm kém chất lượng được bày bán tràn lan trên thị trường. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời về việc có kế hoạch, giải pháp toàn diện thế nào để giải quyết tình trạng này?

Đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Dương Tấn Quân, đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu (Ảnh: Quốc hội)

Bộ trưởng Đào Hồng Lan đánh giá hệ thống văn bản pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng đã tương đối hoàn thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành hàng này.

Thực tế, sản phẩm thực phẩm chức năng của Việt Nam đã được xuất khẩu đến hơn 30 quốc gia, khẳng định chất lượng và uy tín. Để đảm bảo an toàn thực phẩm và sức khỏe người tiêu dùng, Bộ Y tế đã ban hành quy định bắt buộc các nhà máy sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn thực hành tốt. Bộ Luật Hình sự đã quy định rõ các mức xử phạt đối với hành vi sản xuất, kinh doanh và quảng cáo thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng.

Tuy nhiên, lợi nhuận cao từ việc sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng giả đã khiến tình trạng này vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng để quảng cáo phóng đại công dụng sản phẩm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người dân. Đặc biệt, tình trạng buôn lậu thực phẩm chức năng giả qua biên giới cũng là một thách thức lớn.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã công khai danh sách các doanh nghiệp được cấp phép sản xuất thực phẩm chức năng, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm uy tín. Đồng thời, Bộ đã phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương (Ảnh: Quốc hội)

Về xử phạt hành chính, bà Đào Hồng Lan nêu thực tế có đơn vị bị xử lý 11 tỷ đồng nhưng chưa thu được đồng nào. Bộ đề xuất biện pháp cấm xuất cảnh với đơn vị này. Bộ Y tế cũng rất mong muốn cơ quan liên quan xử lý nghiêm khắc các đơn vị vi phạm.

Đối với các sản phẩm được rao bán trên các trang thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, trách nhiệm quản lý sẽ thuộc về Bộ Công Thương. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận rằng việc kiểm soát quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đang là một thách thức lớn do tính mở của môi trường này.

Để giải quyết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các cơ quan chức năng khác để tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Mặc áo blouse quảng cáo thực phẩm chức năng là sai quy định

Đại biểu Khang Thị Mào, đoàn Yên Bái chất vấn hiện tượng những người mặc áo blouse thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng đúng quy định không? Nếu sai sẽ bị xử lý sao?

Đại biểu Khang Thị Mào, đoàn Yên Bái (Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Khang Thị Mào, đoàn Yên Bái (Ảnh: Quốc hội)

Về vấn đề này, bà Đào Hồng Lan cho hay, quảng cáo thuốc có đầy đủ quy định pháp luật liên quan. Trong Luật Quảng cáo đang sửa quy định rõ sử dụng hình ảnh bác sĩ, y sĩ, cơ sở y tế là không được phép.

Bên cạnh đó, quy định Luật Hình sự quy định xử lý hình sự liên quan pháp Luật Quảng cáo.

“Chúng tôi khẳng định sử dụng hình ảnh trên là sai quy định. Bộ có văn bản gửi cơ sở y tế nhắc nhở, đề nghị đội ngũ y bác sĩ không tham gia những việc làm sai quy định”, bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Vân Anh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/thuc-pham-chuc-nang-bo-y-te-khong-the-mot-minh-quan-ly-post1134752.vov